Đặc sản bàu Chánh Trạch
Cái tên nếp 3 tháng xuất phát từ việc loại nếp này chỉ làm một vụ trong năm, thường bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến đầu tháng 8 (âm lịch). Đến nay, nếp 3 tháng của bàu Chánh Trạch đã sang đến tận trời Tây, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản.
Nông dân ở bàu Chánh Trạch cày bừa rất kỹ trước khi xuống giống
Lão nông Võ Thanh Tân (60 tuổi) cho biết: “Giống nếp 3 tháng chúng tôi đang níu giữ là thứ giống gia truyền, trải qua nhiều thế hệ. Nếp có tên 3 tháng xuất phát từ quá trình sản xuất của người nông dân nơi bàu Chánh, tính từ ngày cấy mạ xuống đất đến khi thu hoạch vỏn vẹn đúng 3 tháng trời. Đặc biệt, chỉ gieo trồng ở bàu Chánh Trạch nếp mới giữ được hương vị, nếu đưa đi vùng đất khác trồng chỉ 1 mùa là nếp mất vị ngay”.
Những hạt nếp 3 tháng to tròn, hương thơm đặc trưng là đặc sản ở bàu Chánh Trạch
Ông Tân kể rằng, từ xa xưa thời phong kiến, những thửa ruộng giàu phù sa nhất có tên là Lỗ Chình, Công Dụng, So Đũa, Mẫu Hai (bàu Chánh Trạch) đều dành cho các lý trưởng, cai địa hoặc những người có “máu mặt” trong vùng. Có đoạn, những thửa ruộng ấy được dân làng dành riêng ra để thưởng cho những công trạng của làng.
“Nếp 3 tháng có nhiều loại lắm nhưng ngon nhất vẫn là nếp trồng ở Lỗ Chình, Công Dụng. Bởi vậy, rất nhiều Việt kiều, khách sành ăn luôn tìm về làng đều mua thứ nếp loại 1 đó”, ông Tân lý giải.
Bà Nguyễn Thị Hà (45 tuổi) cho hay: “Trồng nếp 3 tháng rất tốn công, việc làm mạ và cấy, đòi hỏi người nông dân phải kỹ lưỡng thì nếp mới mang lại hiệu quả cao. Theo thông lệ, cứ một sào nếp tôi chuyên bón 6kg Kali, 10kg NPK, 5kg Ure và thường trực theo dõi, xử lý kịp thời khi có sâu bệnh. Nhờ sự cần cù của nông dân cộng với thổ nhưỡng thích hợp đã sản sinh ra loại đặc sản thơm ngon. Riêng về độ ngon của nếp 3 tháng thì khỏi bàn, nếu có nhà nào nấu xôi thì cả làng phải thơm nức mũi”.
Theo chân Việt kiều “du hí” trời Tây
Mỗi năm, bàu Chánh Trạch chỉ có 1 vụ chính làm nếp 3 tháng, bắt đầu vào tháng 4 gieo nếp, tháng 5 cấy mạ và thu hoạch vào tháng 8 (chậm hơn lúa 1 tháng). Vì vậy, để níu giữ hương vị của nếp, những chủ nếp ở bàu Chánh Trạch phải thường xuyên thăm đồng, theo dõi thời điểm để lựa dé (bông) chọn giống cho vụ sau.
Nông dân bàu Chánh Trạch vui mừng bên ruộng nếp 3 tháng sắp chín
“Để có được giống đẹp cho vụ mùa sau, khi nếp ngoài đồng chín, chủ nếp phải canh thời điểm để lựa dé. Những dé nếp cao, hột nếp mập, sáng đỏ rực lên sẽ được lựa để cắt mang về đem phơi, giữ giống. Việc chọn giống rất quan trọng, không chỉ tăng thêm chất lượng cho nếp 3 tháng mà còn quyết định sự thắng lợi của mùa vụ sang năm”, nông dân Nguyễn Văn Trung (45 tuổi) lý giải.
Điều dễ nhận biết, khi ghé bàu Chánh Trạch vào giai đoạn nếp bắt đầu trổ đòng thì cả một vùng trời rộng lớn quanh làng đều thoang thoảng mùi thơm đặc trưng.
Hạt nếp 3 tháng to, tròn
Theo ông Trương Ngọc Hoàng - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ) bàu Chánh Trạch là vùng trũng nên mỗi khi mùa lũ đi qua, lượng phù sa đọng lại rất lớn, được tích tụ hàng ngàn năm nay nên nơi đây được ví như “túi mật” của đất võ Bình Định. Vùng đất màu mỡ này đã sinh ra kỳ hoa, dị thảo trứ danh, đó là bí đao khổng lồ và nếp 3 tháng dai dẻo, thơm ngon nức tiếng.
“Nếp 3 tháng còn theo chân Việt kiều sang tận trời Tây, ở bên đó nhiều người dùng nếp khen ngon, khi nhớ hương vị quê nhà mỗi lần ghé làng thì họ đều mang theo làm quà biếu”, ông Hoàng nói.