Dân Việt

TS Lê Xuân Nghĩa: “Vinh dự cho tôi đã từng được làm tư vấn cho Thủ tướng Phan Văn Khải”

Trần Giang - Lan Uyên 22/03/2018 06:05 GMT+7
Chúng tôi gặp TS. Lê Xuân Nghĩa (nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng) khi ông vừa rời khỏi đám tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại số 11 Lê Hồng Phong (Hà Nội). Chiếc áo màu đen ông mặc như càng phủ lên gương mặt nét buồn phảng phất.

Ông bảo vì điều kiện, ông không bay vào TP.HCM để viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được. Sáng nay (20.3 – PV) ông đến nơi tổ chức Quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại số 11 Lê Hồng Phong từ rất sớm. Lúc tới, ông đã thấy rất đông cán bộ lão thành và lãnh đạo đương nhiệm cũng đã có mặt để kính viếng nguyên Thủ tướng.

“Với nhiều người trong Văn phòng Chính phủ, đặc biệt là với các thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải thì dấu ấn lớn nhất của ông chính là sự bình dị, nhân hậu và vô cùng ấp áp” – TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.

Là người có thời gian làm việc khá lâu với Thủ tướng Phan Văn Khải, TS. Lê Xuân Nghĩa từng chứng kiến những tình cảm ấm áp của Thủ tướng dành cho các nhân viên của Văn phòng Chính phủ, kể cả những người tạp vụ và bảo vệ. Khi đã nghỉ hưu mỗi lần có dịp ra Hà Nội, Thủ tướng vẫn dành thời gian cùng ăn một bữa cơm bình dị với anh chị em bảo vệ và phục vụ.

Kể về những kỷ niệm cá nhân, TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ “Thủ tướng Phan Văn Khải từng “cứu” tôi nhiều lần. Cái từ “cứu” thoạt nghe tưởng lạ, nhưng là cứu thật. Cái lần tôi bị kỷ luật, cách chức Viện trưởng Viện giá, chính ông Khải là người đã đề nghị ông Nguyễn Tấn Dũng (khi đó là Phó Thủ tướng thường trực kiêm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) “dùng” lại tôi. Sau đó tôi được phục hồi chức vụ, về làm vụ trưởng Vụ Chiến lược của Ngân hàng Nhà nước”.

Chuyển mạch câu chuyện sang vấn đề kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, ông có thời gian làm việc khá lâu với Thủ tướng Phan Văn Khải, từng nhiều năm làm ở tổ tư vấn, mà sau này nâng lên thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng đã hoạt động hiệu quả nhất. Khi đó, nhiều quyết sách trước khi được đưa ra, đều được các thành viên trong Ban nghiên cứu thảo luận kỹ càng và có ý kiến đóng góp để Thủ tướng cân nhắc, quyết định. Nhất là những vấn đề quan trọng có tính chiến lược.

img

Ông Phan Văn Khải bắt tay với tổng thống Mỹ bấy giờ là George W. Bush trong cuộc gặp tại Nhà Trắng năm 2005. Ảnh: Nhà Trắng.

“Nói đến Thủ tướng Phan Văn Khải, phải nói đến cống hiến lớn nhất là đưa Việt Nam thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng này đã khiến kinh tế Việt Nam bị đình trệ, tăng trưởng GDP có năm rất thấp ở mức 4%, lạm phát âm (thiểu phát), thị trường bất động sản đóng băng, toàn bộ hệ thống ngân hàng rơi vào tình trạng tiền khủng hoảng. Có thể nói Thủ tướng Phan văn khải là người cầm lái cho toàn bộ chương trình tái cơ cấu kinh tế lần thứ nhất bao gồm: ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước, ổn định ngân sách và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư trực tiếp nước ngoài nhờ đó sản xuất và đặc biệt là xuất khẩu được phục hồi, thị trường hàng hóa và thị trường tài sản ấm trở lại, nợ xấu trong khu vực ngân hàng giảm mạnh từ khoảng 14,7% năm 2001 xuống dưới 5% năm 2005 (theo chuẩn kế toán Việt Nam).

img

Đánh giá chuyến thăm chính thức Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định, đó là sự kiện đặc biệt, nó không chỉ mở ra cơ hội về thị trường xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ mà còn tạo ra một vị thế kinh tế, thương mại và đầu tư của VN trên trường quốc tế. Tạo cơ hội thuận lợi cho việc Việt Nam trở thành thành viên của WTO vào cuối nhiệm kỳ của Thủ tướng.

“Với tôi, Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhân cách lớn, một người có tầm nhìn chiến lược, sắc bén và sáng tạo. Ông cũng là người biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn kinh tế thị trường. Ông là người quan tâm đặc biệt đến việc trọng dụng người hiền tài và là tấm gương sáng về nhiều mặt cho các cộng sự của ông trong chính phủ và các cấp lãnh đạo khác”– TS. Lê Xuân Nghĩa khép lại cuộc trò chuyện bằng sự hồi tưởng ân tình với người lãnh đạo, vị Thủ tướng mà ông từng có một thời gian được phục vụ.