Nhiều ngày qua, dư luận đang tranh cãi quyết liệt xung quanh vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe cứu hỏa đi ngược chiều và xe khách trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chiều 18.3. Nhiều cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC đã lên tiếng đồng tình với cách xử lý của các đồng nghiệp.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn – Trưởng phòng cảnh sát PCCC số 2 (Hà Nội). Ảnh: PV
Trao đổi với PV, đại tá Nguyễn Trường Sơn – Trưởng phòng cảnh sát PCCC số 2 (Hà Nội) cho biết, luật Giao thông đường bộ cho phép một số loại xe được quyền ưu tiên đi trước các xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào mà trong đó, xe cứu hỏa là xe được ưu tiên số một.
Khi làm nhiệm vụ, xe cứu hỏa có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
Khi có tín hiệu của xe cứu hỏa, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Theo đại tá Sơn, lái xe cứu hỏa cũng giống như những lái xe khác nhưng họ không di chuyển nhiều như những tài xế bình thường, chỉ khi có vụ việc xảy ra mới được tham gia.
Cho nên lái xe cứu hỏa phải có những thiết bị cảnh báo an toàn như còi, đèn ưu tiên. Và để vận hành những phương tiện này, lái xe phải được huấn luyện trong các trung tâm đào tạo của lực lượng công an.
Khi xảy ra sự việc, tâm lý của lái xe cứu hỏa phải bình tĩnh, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông cũng như chính bản thân mình. Như vậy mới có thể đến hiện trường nhanh và an toàn được.
Thượng sỹ Nguyễn Quốc Gia mong người dân thông cảm và có ý thức hơn khi thấy lực lượng PCCC đi làm nhiệm vụ. Ảnh: PV
Nói về vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, đại tá Sơn nói, vụ việc phần nào cũng ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, chiến sỹ trong phòng.
“Tôi chắc chắn rằng, các anh em ở phòng cảnh sát PCCC số 12 lúc đấy đi với tâm lý muốn đến hiện trường nhanh nhất để cứu người. Các anh em đã cố gắng tiếp cận vụ việc một cách nhanh nhất.
Khi quyết định đi ngược chiều, anh em đã dùng còi, đèn và phát loa để các phương tiện khác dừng lại nhưng xem clip thấy ý thức của người tham gia giao thông rất kém, không thể chấp nhận được”, đại tá Sơn nói.
Đại tá cảnh sát PCCC tâm sự, ông có 33 năm công tác trong ngành, kinh qua rất nhiều vị trí và tham gia rất nhiều vụ cháy lớn nhỏ. Từ những kinh nghiệm thực tiễn đó, vị đại tá rút ra một điều, đối với nghề cứu hỏa, niềm vui lớn là đến được hiện trường một cách nhanh nhất để kịp thời cứu người, cứu của cho người dân.
Còn thượng sỹ Nguyễn Quốc Gia – Phòng cảnh sát PCCC số 2 cho biết, sau khi vụ tai nạn trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ xảy ra anh và nhiều đồng đội khác ở phòng rất buồn. Buồn cho sự mất mát của gia đình đồng nghiệp và buồn khi bị người dân chỉ trích.
Thượng sỹ này tâm sự, đối với nghề cứu hỏa, sự sống và cái chết là ranh giới rất mong manh. Riêng nghề này, nguy hiểm luôn rình rập vì luôn phải di chuyển với tốc độ nhanh, gấp gáp. Trong khi đó, ý thức người tham gia giao thông lại kém. Các chiến sỹ chỉ thực sự an toàn khi hoàn thành nhiệm vụ và quay trở về đơn vị.
“Đối với lính chữa cháy như chúng tôi ai cũng mong muốn đến hiện trường càng sớm càng tốt, nhưng vì ý thức tham giao giao thông của người dân kém nên trên đường di chuyển rất dễ xảy ra va chạm. Tôi cũng mong mọi người hiểu và thông cảm cho công việc của chúng tôi” - thượng sỹ Gia cho biết.