Đó là cảnh đời bất hạnh của ông Đỗ Văn Trung (SN 1947) ở thôn Vĩnh Thượng, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội.
Nỗi đau chồng chất
Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ đã xuống cấp nằm sâu hun hút trong con hẻm nhỏ, bà Võ Thị Mỵ (CN 1949) - vợ ông Trung chia sẻ: Bà sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo khó của huyện Ứng Hòa. Đến thời con gái đẹp như trăng tròn, qua lời mai mối của mọi người và cảm mến tính thật thà, chân chất, chăm chỉ cần cù nên bà Mỵ nên duyên chồng vợ với ông Đỗ Văn Trung (SN 1947) - ở thôn Vĩnh Thượng, xã Sơn Công. Sau đó, niềm vui nhân lên gấp bội khi ông bà sinh được 2 cậu con trai bụ bẫm, đẹp như thiên thần là: Đỗ Văn Hiếu (SN 1973) và Đỗ Văn Hiệp (SN 1980).
Đến tuổi dựng vợ gả chồng, anh Hiếu kết hôn với chị Đặng Thị Thơm (SN 1975) – người huyện bên và sinh hạ được 2 con đủ nếp đủ tẻ: Đỗ Thị Thu Thảo (sinh năm 1998) và Đỗ Tiến Đạt (sinh năm 2002). Không lâu sau ngày cưới của anh Hiếu, anh Hiệp cũng nên duyên vợ chồng với người vợ cùng xã.
Bà Vũ Thị Mỵ bên cạnh chồng - ông Đỗ Văn Chung và cháu nội - Đỗ Thị Thu Thảo. Ảnh Trần Toàn
Thế nhưng, niềm vui và hạnh phúc của đại gia đình nhà ông Trung – bà Mỵ kéo dài ngắn ngủi khi vào đầu năm 2008, vợ của anh Hiếu là chị Đặng Thị Thơm đã qua đời sau thời gian chống chọi với cơn đau kéo dài của căn bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Cú sốc quá lớn về tinh thần và kiệt quệ về kinh tế khiến anh Hiếu lâm vào khủng hoảng. Hàng đêm, anh Hiếu thường thẩn thơ ra mộ vợ gào khóc nhớ thương, gặp thứ gì là cho vào miệng nhai ngấu nghiến không ngừng và đi lang thang khắp nơi có khi cả tháng mới về nhà một lần.
Sợ không thể kiểm soát nên ông Trung – bà Mỵ đành gửi con vào trại tâm thần Ba Thá (huyện Mỹ Đức) với hy vọng ở đây các bác sỹ có những phương pháp chữa trị.
Dường như nỗi đau dai dẳng vẫn bám riết với gia đình nghèo khó này khi vào tháng 10. 2017, anh Hiếu có những biểu hiện bất thường như: Sốt cao, nôn ói kéo dài và ngày càng nặng hơn.
Ông bà đưa anh Hiếu lên Bệnh viện 103 – Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thăm khám. Sau khi chẩn đoán, các bác sỹ kết luận anh Hiếu bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối đã chuyển sang di căn và buộc phải xạ trị bằng hóa chất.
Để có tiền chữa trị cho cậu con trai cả, ông Trung – bà Mỵ chạy vạy vay mượn khắp nơi của bà con lối xóm, anh em họ hàng và thế chấp cả sổ đỏ nhà đất. Tuy nhiên, nằm viện xạ trị bằng hóa chất suốt 4 tháng tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều nhưng bệnh tình của anh Hiếu không hề thuyên giảm, mà còn có dấu hiệu nặng hơn.
Cách đây không, lâu bệnh viện báo tin cho ông Trung – bà Mỵ rằng bệnh của anh Hiếu đã chuyển qua giai đoạn di căn giai đoạn cuối không thể chữa khỏi và đã “trả về” để gia đình chăm sóc. Kể từ đó, anh Hiếu nằm liệt giường, việc đi lại, vệ sinh cá nhân đều phải có người giúp đỡ và không thể tự ăn cơm mà phải nối ống xông truyền thức ăn, nước uống trực tiếp thẳng vào bụng.
Bà Mỵ và cháu Thảo bên cạnh anh Đỗ Văn Hiếu bị bệnh ung thư vòm họng giai đoạn cuối đã bị bệnh viện trả về. Ảnh Trần Toản
Nỗi đau con trai mắc trọng bệnh ung thư vòm họng chưa kịp lắng xuống thì vào tháng 11.2017, cơ thể ông Trung có những biểu hiện đau bụng dữ dội kéo dài. Thấy thế, ông Trung vội vàng thăm khám và không tin nổi vào mắt mình khi cầm tờ giấy khám bệnh trên tay: Ông bị bệnh dạ dày thể nặng. Sau đó, các bác sỹ đã phải phẫu thuật cắt 3/4 dạ dày. Sau phẫu thuật, các bác sỹ khuyên ông ở lại bệnh viện điều trị và bồi bổ nhưng được khoảng 10 ngày thì ông Trung ngậm ngùi “xin” viện về nhà tự điều trị vì không có tiền và có thời gian chăm sóc cho con trai đang nằm liệt giường vì căn bệnh ung thư quái ác.
Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, cuối tháng 1.2018, anh Hiệp – cậu con trai thứ 2 của ông Trung – bà Mỵ gặp tai nạn trong quá trình lao động đã mãi mãi ra đi để lại các con thơ cho người vợ và ông bà nội chăm sóc.
Ông Trung ngậm ngùi nói: “Mấy hôm nữa là đầy 50 ngày mất của thằng Hiệp mà vợ chồng tôi không có tiền làm nổi mâm cơm cúng nó nữa. Bây giờ đến 10.000 đồng trong túi vợ chồng tôi còn không có chứ nói gì đến việc làm cơm cúng nó đây chứ. Đau lòng lắm, nhưng biết phải làm sao đây?”.
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha
Ông Trung mỉm cười khắc khổ nhắc về người mẹ già đang mắc nhiều bệnh tật, lúc nhớ lúc quên, nằm liệt giường co ro của mình trên chiếc giường cũ nát là Nguyễn Thị Chiêu (sinh năm 1925). Tuổi cao không tránh khỏi bệnh tật nhưng bà cụ Chiêu vẫn cố giấu để các con cháu đỡ phiền lòng.
Ông Đỗ Văn Trung bên cạnh người mẹ già 94 tuổi già yếu nằm liệt giường suốt nhiều năm qua. Ảnh Trần Toản
“Mẹ tôi năm nay đã 94 tuổi, cả hai mắt đã mù hẳn. Mọi sinh hoạt, đi lại đều phải do con cháu giúp đỡ. Nhiều lúc, nhìn cảnh mẹ tôi nằm co ro, không có tiền đi khám bệnh và có tiền tẩm bổ mà tôi đau lòng nhiều lắm.” – ông Trung lau vội dòng nước mắt lăn dài trên gò má.
Bà Lê Thị Hòa (75 tuổi) – hàng xóm với nhà ông Trung không giấu nổi sự xót xa: “Hoàn cảnh nhà ông Trung tội ngiệp lắm, khổ nhất là khi cả 3 người cùng phát bệnh, những lúc ấy 3 người chỉ biết cắn răng chịu đựng tự động viên nhau sống cho qua ngày. Có khi trưa nửa ngày rồi mà gia đình ông ấy chỉ có một lon gạo nấu cháo với rau dại ăn cầm hơi. Khổ thân, cũng là một phận người”.
Nỗi đau bệnh tật liên tiếp đổ lên gia đình khiến bà Vũ Thị Mỵ không ngăn nổi những giọt nước mắt mỗi khi nhắc đến gia đình mình. Ảnh Trần Toản
Em Đỗ Thị Thu Thảo – con anh Hiếu, học năm cuối tại trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương đang phải xin nghỉ thực tập về chăm sóc cho bố và ông nội.
Thảo chia sẻ: “Kỳ thực tập của em đã đến mà em đành phải tạm gác lại xin nghỉ bảo lưu về chăm bố em mắc bệnh ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Em muốn hoàn thành khóa học để ước mơ trở thành cô giáo mà bệnh tình bố và ông lại thế này thì khó quá ạ. Tiền chữa bệnh cho cả gia đình không có thì lấy đâu tiền đóng học cho em. Có khi em đành nghỉ học mất thôi.”
Tiếp lời đứa cháu nội tội nghiệp, ông Trung chia sẻ: “Từ ngày mắc bệnh ung thư vòm họng bị bệnh viện trả về, thằng Hiếu nhiều lúc than vãn, chán nản nhưng tôi động viên nó, bảo cố gắng vượt qua nỗi đau thể xác để làm trụ cột tinh thần cho các con, giúp các con vươn lên trong cuộc sống. Tôi luôn quan niệm và an ủi các cháu nội: Khi hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ khuất sau lưng”.
Dù đang mắc bệnh tuổi già, hen xuyễn, viêm khớp nhưng bà Mỵ đang chuẩn bị bữa cơm đạm bạc cho cả gia đình đạm bạc. Ảnh Trần Toản
Hiện nay thu nhập của gia đình ông Trung phụ thuộc hoàn toàn vào 4 sào ruộng khoán cằn cỗi, bấp bênh năm được năm mất và số tiền trợ cấp dành cho anh Hiếu là 580.000 đồng.
Số tiền ít ỏi đó, không đủ tiền chi phí chạy chữa cho 3 người bệnh tật và tiền học hành của các con anh Hiếu chứ nói gì đến ăn uống hàng ngày. Do nỗi đau bệnh tật ập xuống liên tiếp với các thành viên trong gia đình nên hiện nay gia đình ông Trung đang nợ ngân hàng và anh em lối xóm với lên tới 153 triệu đồng. Và cho đến nay, số nợ đó gia đình ông Trung hoàn toàn không có khả năng trả nợ.
Trao đổi với chúng tôi về gia cảnh nhà ông Đỗ Văn Trung, ông Nguyễn Văn Hùng – trưởng thôn Vĩnh Thượng cho hay: “Gia đình nhà ông Trung – bà Mỵ đặc biệt khó khăn trong thôn Vĩnh Thượng. Nhà có 6 người thì cả 3 người đều mắc bệnh nan y. Hàng xóm chúng tôi thường xuyên thấy cảnh 3 người trong gia đình họ đi khắp làng vay mượn từng cân gạo về nấu mà không khỏi xót thương chạnh lòng. Qua đây cũng mong các nhà hảo tâm quan tâm gia đình ông Trung – bà Mỵ để gia đình cô bớt phần bĩ cực”.
Mọi sự hỗ trợ gia đình ông Đỗ Văn Trung xin gửi về: - Ông Đỗ Văn Trung, thôn Vĩnh Thượng, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội. - Báo Nông Thôn Ngày Nay, lô E2, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội hoặc thông qua số tài khoản: 21210000524887 Tại: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội Xin ghi rõ: "Hỗ trợ ông Đỗ Văn Trung" Xin cảm ơn! |