Dân Việt

Đa số người dân Việt Nam không có tiền để dành

Thụy Khanh 23/03/2018 11:04 GMT+7
Mức tiêu dùng bình quân đầu người của dân cư bình quân tháng của năm 2016 khoảng 2,572 triệu đồng. Trong khi đó thu nhập từ sản xuất bình quân tháng khoảng 2,386 triệu đồng.

img

Như vậy, đa số người dân không những không có tiền để dành mà còn phải đi vay một phần để tiêu dùng, theo khuyến cáo của giới chuyên gia.

Góp tham luận tại hội thảo khoa học quốc gia “Kinh tế Việt Nam 2017 và triển vọng 2018”, TS Nguyễn Hồ Phi Hà (Học viện Tài chính) và TS Bùi Trinh (Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam) đã phân tích cấu trúc và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2005 – 2016, thông qua việc đánh giá một số chỉ tiêu vĩ mô.

Đáng chú ý, tham luận đã chỉ ra nghịch lý trong thu nhập của người dân Việt Nam: GDP tăng, thu nhập bình quân đầu người tăng nhưng đa số người dân lại không có tiền để dành.

GDP bình quân tăng 25% nhưng thu nhập từ sản xuất bình quân chỉ tăng 1,2%

Theo quan điểm của 2 tác giả, thu nhập của người lao động (một nhân tố của GDP) được hiểu bao gồm thu nhập bằng tiền và hiện vật của người lao động trong quá trình sản xuất.

Hàng năm Tổng cục Thống kê không công bố chỉ tiêu này, nhưng dựa vào bảng cân đối liên ngành (input-output table) có thể ước tính thu nhập từ sản xuất chiếm khoảng 53% GDP.

Như vậy GDP bình quân đầu người năm 2016 vào khoảng 2.188 USD, tăng 25% so với năm 2012 (1.755 USD).

Tuy nhiên, một điều trớ trêu là trong cơ cấu GDP bình quân, thu nhập từ sản xuất bình quân của người lao động chỉ tăng 1,2% trong cùng giai đoạn trên (từ 860 USD năm 2012 lên 870 USD năm 2016).

“Điều này cho thấy phần thặng dư bình quân tăng rất cao, do nền kinh tế phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Thặng dư tăng cao, nhưng về thực chất không có ích gì nhiều cho Việt Nam mà chỉ có lợi cho nước ngoài”, 2 tác giả nhấn mạnh.

Dẫn tiếp số liệu của Tổng cục Thống kê, 2 tác giả cho biết tổng thu nhâp bình quân đầu người năm 2016 khoảng 1.648 USD. Điều này có nghĩa là khoản thu nhập bình quân đầu người ngoài sản xuất (từ sở hữu và từ chuyển nhượng) là khoảng 778 USD.

Nếu tỷ lệ giữa thu nhập từ sản xuất so với tổng thu nhập năm 2012 khoảng 74-75% thì đến năm 2016 tỷ lệ này giảm xuống 53%. Đồng nghĩa phần còn lại là thu nhập kiếm được từ ngoài quá trình sản xuất đã tăng từ 25-26% lên 47% trong cùng giai đoạn.

“Điều này cho thấy GDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người là hoàn toàn khác nhau. Và nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào bên ngoài từ khâu sản xuất, lưu thông đến phân phối lại”.

Tín hiệu nguy hiểm đối với Việt Nam

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tỷ lệ giữa tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình giai đoạn 2010 - 2017 luôn ổn định ở mức 70 - 72% GDP. Như vây có thể thấy mức tiêu dùng bình quân đầu người của dân cư bình quân tháng của năm 2016 khoảng 2,572 triệu đồng. Trong khi đó thu nhập từ sản xuất bình quân tháng khoảng 2,386 triệu đồng.

“Từ những con số này có thể thấy đa số người dân không những không có tiền để dành mà còn phải đi vay một phần để tiêu dùng! Đây là tín hiệu khá nguy hiểm, không những thế nó còn cho thấy việc GDP tăng cao hầu như không có ý nghĩa với người dân”, 2 tác giả nhận định.

Cũng theo 2 tác giả, dù mức tổng thu nhập của dân cư (bao gồm từ sở hữu và chuyển nhượng) hàng tháng vẫn cao hơn mức chi tiêu khoảng 500.000 đồng, nhưng điều đáng nói là mức thu nhập này lại chưa bao gồm rất nhiều khoản lạm thu của chính quyền địa phương.

“Nếu trừ đi thì phần còn lại (saving) của khu vực hộ gia đình chỉ còn khoảng 30.000 tỷ đồng (khoảng 1,2 - 1,5 tỷ USD). Như vậy lượng kiều hối đổ vào Việt Nam mấy năm gần đây trên dưới 10 tỷ USD nhưng lượng tiền có thể đưa vào đầu tư chỉ khoảng 1,2 - 1,5 tỷ USD”.

Phải đặt vấn đề phân hóa giàu nghèo ngang với mục tiêu tăng trưởng GDP

Theo 2 tác giả, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho tổng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2016 chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập khiêm tốn, rất khó khăn cho người dân.

Đặc biệt là khu vực nông thôn, tổng thu nhập bình quân đầu người/tháng của năm 2016 chỉ là 2,4 triệu đồng, thấp hơn mức bình quân, trong khi 66% dân số là ở nông thôn.

Đó là chưa kể đến tình trạng phân hóa giàu nghèo, làm cho khoảng cách thu nhập giữa 20% người nghèo nhất và 20% người giàu nhất lên tới gần 10 lần và không ngừng tăng lên.

“Các nhà mô hình và các nhà thiết lập chính sách mất nhiều công sức chú trọng vào cấu trúc và sự liên kết ngành, tuy nhiên một số nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ chi tiêu dựa trên thu nhập của các nhóm dân cư ảnh hưởng quan trọng đối với tăng trưởng.

“Một điều được rút ra từ mô hình cân bằng tổng thể đó là chi tiêu của nhóm có thu nhập cao không lan tỏa nhiều đến nền kinh tế trong nước bằng các nhóm thu nhập trung bình và thấp.

“Việc phân hóa giàu nghèo trong xã hội cần phải được đặt ngang hàng với mục tiêu tăng trưởng GDP. Cái mà xã hội và người dân là các chính sách cần hướng đến người dân thay vì hoàn toàn hướng đến doanh nghiệp”, 2 tác giả khuyến cáo.