Dân Việt

Dừa Bến Tre có chỉ dẫn địa lý, nhưng làm sao xuất được ra thế giới?

 Kim Hạnh 24/03/2018 08:48 GMT+7
Bến Tre, xứ dừa vừa được cấp Chỉ dẫn địa lý cho dừa xiêm xanh. Tin vui mở ra nhiều triển vọng cho việc kinh doanh từ cây dừa. Về dừa, chúng ta đã có cả một chuyên đề nghiên cứu tại Mekong Connect 2017, nên tôi chỉ cập nhật những gì mới nhất trong bài này.

Từ lợi thế lớn của chỉ dẫn địa lý

Chỉ dẫn địa lý dừa đưa đến lợi thế lớn về thị trường. Cứ thấy châu Âu, nước Pháp làm giàu từ con bò (với chế phẩm sữa, phó mát) và nho(rượu nho) là rõ.

Bến Tre có 40% dân số toàn tỉnh trồng dừa và diện tích cũng chiếm 40% tổng diện tích trồng dừa cả nước. Lợi thế có chỉ dẫn địa lý chắc chắn mang lại cho Bến Tre nhiều đề toán mới: xây dựng chuỗi phát triển từ dừa.

img

Cây dừa sai trái, vốn được nông dân thích. Nhưng để xuất khẩu, sai trái đã trở thành ... thảm họa. Ảnh: TL

Cũng có điều bất ngờ là dải sản phẩm từ dừa là vô tận, tiếp tục được phát hiện nhiều món mới. Còn nhớ hồi năm ngoái, khi hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) tổ chức cuộc kết nối với thương nhân Thái Lan tại Bangkok, mặt nạ dừa Cửu Long đã khiến hai công ty chú ý và đánh giá là: tính năng của sản phẩm Việt Nam hơn hẳn cùng loại của Thái. Trong khi đó, ta đã tiếp nhận nhưng yêu cầu về sản phẩm khá linh hoạt. Một công ty Sri Lanka đặt mua thảm xơ dừa và dự tính đặt lâu dài. Nhiều sản phẩm được quan tâm hơn: dây thừng dừa, than gáo dừa, cám dừa, chỉ xơ dừa, thảm xơ dừa, giá thể nông nghiệp...

img

Một thiết bị lý thú cho nghề dừa: thiết bị leo dừa.

Trong khi đó, thị trường không chỉ có đối thủ cạnh tranh là Thái Lan, mà còn là Philippines, Indonesia và Ấn Độ. Ấn Độ có một “nền kinh tế dừa” hùng mạnh. Viện Công nghệ chế biến thực phẩm Ấn Độ đã đưa ra chương trình mới phát triển công nghệ phục vụ giải quyết các vấn đề sau thu hoạch, để gia tăng giá trị cho bột nước dừa, sữa dừa, chip dừa và rượu dừa. Ngoài ra, viện Công nghệ Ấn Độ lại cũng vừa tìm ra phương pháp mới giúp tăng tuổi thọ của... nước dừa, giữ nguyên hương vị cho nước dừa trong trái dừa đến 18 tuần. Một kết quả tuyệt vời cho xuất khẩu dừa trái.

Trái dừa và hai chữ THƯƠNG

Chuyện xuất khẩu dừa trái không ngờ lại là “đại sự”. Tuần qua, trung tâm BSA tổ chức cuộc họp các doanh nghiệp hữu cơ để chuẩn bị triển lãm, chào hàng ở chợ đầu mối quốc tế Rungis (Pháp) cuối tháng 6.2018, chúng tôi được nghe “nỗi niềm trái dừa tươi”. Rằng, giá bán một trái dừa tươi bây giờ rất cao ở Mỹ, Anh; nhưng chuyện bán dừa tươi vào các thị trường này đâu dễ. Trước nhất, Việt Nam không có dừa đúng quy cách: phải làm sao khi cạo trọc vỏ, trái dừa trọc phải đều, dung tích 250ml. Chuyện ấy hiện nay vẫn là khó. Nông dân Việt Nam vẫn thích mỗi cây dừa, mỗi quày dừa phải thật sai trái, 20 hay hơn nữa càng tốt. Sai trái cỡ đó thì quả dừa trọc sẽ bé và không đủ dung tích nước. Thái Lan, mỗi quày dừa chuẩn bị xuất khẩu chỉ có tám trái. Nông dân của mình cũng hay trồng xen dừa với các cây phải dùng phân bón hoá chất, hay nuôi gà xen trong vườn dừa, và điều đó là không được tiêu chuẩn hữu cơ chấp nhận.

img

Mặt nạ dừa Cửu Long, sáng kiến hấp dẫn từ dừa. Ảnh: TL

Trong trường hợp nếu quả dừa có đúng quy cách thì dừa của ta lại “vấp” hai chứ thương: thương hiệu và thương mại hoá. Khách mua sỉ các nước thường chọn dừa đã có thương hiệu, điều mà dừa bán uống nước của ta chưa có. Ta cũng chưa có mạng lưới phân phối vào các hệ thống siêu thị cho mặt hàng dừa trái. Một công ty nổi tiếng về xuất khẩu dừa thẳng thắn, nói: hiện nay, Việt Nam chỉ có một công ty, Rồng Đỏ là có thể xuất khẩu dừa trái (uống nước dừa tươi) đi quốc tế, mà chủ yếu xuất sang Hong Kong, Đài Loan, Singapore... Thị trường nước dừa tươi thế giới có thể đạt 22 tỉ USD, nhưng dừa Việt lại chưa vào được bản đồ dừa thế giới. Công việc còn nhiều và triển vọng, dư địa còn rất rộng. Cho nên, từ một trái dừa thân thương cho tới một ngành sản phẩm kinh doanh làm giàu được, chúng ta còn phải qua nhiều chặng gian khổ: phải có tiêu chuẩn tốt nhất, bảo đảm nhất là tiêu chuẩn hữu cơ. Phải có những tổ chức nghiên cứu để không ngừng nâng tính năng, đưa ra sản phẩm mới và cũng phải có những tổ chức xây dựng phát triển thương hiệu cũng như thương mại hoá sản phẩm. Cả một chuỗi những công việc mà một địa phương hay một cơ quan khó kham hết.

Hiện nay, quản lý chỉ dẫn địa lý liên quan ba bộ: bộ Khoa học và công nghệ cấp chứng nhận, bộ Nông nghiệp hướng dẫn, khuyến khích việc canh tác và xây dựng chuỗi, bộ Công thương xúc tiến thương mại cho dừa. Ba bộ này, chưa có sự liên kết trong việc phát triển các loại cây, trái đặc biệt để làm thành những chuỗi sản phẩm đạt đúng giá trị cao.

Các cơ quan nghiên cứu của các nước mạnh về dừa đang tiếp tục có những công trình ấn tượng, cùng với những công nghệ giúp thực hiện các sáng kiến rất phong phú. Còn chúng ta, vẫn có thể mua – nhưng phải mua đúng cái phù hợp – các công nghệ này.

img

Công ty Sri Lanka đang đặt thảm xơ dừa. Nhìn cũng mướt mà.

Và bài toán về phát triển nền kinh tế dừa buộc phải suy nghĩ theo chuỗi với sự tham gia của nhiều bên chuyên nghiệp. Cũng có thể chọn đòn bẩy từ đầu ra rồi đi ngược lên những khâu cơ bản của đầu vào. Chọn một hay vài sản phẩm đã chế biến của dừa làm sản phẩm thương mại và bài toán phải giải, từ đó đi ngược lên việc quy hoạch vùng trồng, công nghệ sử dụng trong chuỗi...

Đã có một vài công ty lớn của thế giới hỏi chúng tôi về cách giải như thế cho bài toán dừa. Cũng như cho xoài, cho bưởi, cho trái vải Lục Ngạn... Nếu chúng ta không ngồi lại cùng tìm lời giải, thì đang có những công ty đa quốc gia sẽ tính hết và tự làm. Điều này cũng tốt, nhưng cái gì mình làm được thì nên bắt đầu, thay vì chờ và “hốt” những đoạn gia công với thu nhập bèo và bấp bênh.

 PS. Một khu vườn lạ trồng dừa và bưởi, hai chỉ dẫn địa lý mới của Bến Tre sẽ được mở ra tại hội chợ HVNCLC 2018 tại TP.HCM để bạn đọc đến, nghe những câu chuyện hay về dừa và bưởi, thưởng thức các món ngon ở khu vườn này và chụp ảnh lưu niệm... Sự kiện này được tổ chức tại nhà thi đấu Phú Thọ, từ ngày 3 – 8.4.2018.