Theo bà Thy, hiện công ty đang đang phân phối nhiều sản phẩm của Thái Lan. Khi hợp tác với các đối tác Thái Lan, bà đặt ra điều đầu tiên là phải trở thành nhà phân phối độc quyền, kèm theo các cam kết chạy sản lượng từng quý, doanh số từng năm với họ. Ngược lại, với vai trò phân phối độc quyền, doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu các công ty Thái phải hỗ trợ các chương trình quảng bá thương hiệu. Tháng 4.2017, khi Ngọc Thiên Bảo bắt đầu hợp tác với Carabao đã cam kết bán 80 – 100 container/tháng. Trong những tháng cuối năm 2017, với lợi thế có hệ thống phân phối khắp 64 tỉnh, thành, Ngọc Thiên Bảo đã tăng sản lượng. Quý 4/2017, Carabao đã hỗ trợ 12 tỷ đồng, Ngọc Thiên Bảo chi thêm 4 tỷ đồng để chạy chương trình cho nhà phân phối nào đạt doanh số, sẽ nhận được một chuyến du lịch Anh quốc và chuyến vòng quanh châu Á bằng tàu du lịch 5 sao.
Năm ngoái công ty Ngọc Thiên Bảo trở thành nhà phân phối độc quyền nước uống tăng lực Carabao ( Thái Lan) tại Việt Nam.
Năm 2018, Ngọc Thiên Bảo và Carabao vừa cam kết các chương trình bán hàng với các giải pháp tiếp thị mới. Carabao sẽ hỗ trợ 6% trên tổng doanh số cả năm 2018, khoảng 30 tỷ đồng, cho Ngọc Thiên Bảo làm tiếp thị. “Trong quá trình làm, nếu có ý tưởng làm thêm các chương trình lớn hơn có thể được hỗ trợ. Với nhà sản xuất, phải có chiến lược kinh doanh tốt sẽ được hỗ trợ tối đa”, bà Thy chia sẻ.
Ngoài hỗ trợ chi phí quảng bá, các tập đoàn Thái Lan có cử các chuyên gia nghiên cứu thị trường sang Việt Nam hỗ trợ nhà phân phối chiến lược lấy thị phần không, thưa bà?
- Theo kinh nghiệm của chúng tôi, các doanh nghiệp Việt Nam thường đảm nhiệm phần nghiên cứu thói quen tiêu dùng hay cách thức tiếp cận thị trường, còn các tập đoàn Thái ít khi hỗ trợ. Một số nhà sản xuất Thái có đề xuất cử nhân viên để họ đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm bán hàng, nhưng khi về nước, chúng tôi phải hướng dẫn các em tiếp cận ở góc độ thị trường Việt Nam, chứ không thể bê nguyên xi của Thái.
Bà có yêu cầu các tập đoàn Thái sản xuất riêng sản phẩm cho thị trường Việt Nam?
- Việc sản xuất riêng cho thị trường Việt Nam cũng tuỳ từng dòng sản phẩm. Ví dụ, sản phẩm Carabao mà chúng tôi đang phân phối độc quyền được lấy nguyên hương vị của Thái, chứ không thêm bớt, vì người dùng Việt Nam cũng thích hương vị Thái. Còn với sản phẩm nước giải khát trà xanh, sau khi nghiên cứu, chúng tôi yêu cầu nhà sản xuất tăng độ ngọt lên một chút so với sản phẩm đang bán tại thị trường Thái, vì 80% người Việt uống nước ngọt với đá, nếu vẫn giữ y nguyên độ ngọt của Thái khi bỏ đá vào sẽ lạt. Chúng tôi cũng vừa hợp tác với nhà sản xuất rượu nhẹ thương hiệu SPY.
Trước đây, Phú Thái là nhà phân phối độc quyền sản phẩm này tại thị trường Việt Nam. Ngọc Thiên Bảo cam kết sẽ tăng sản lượng gấp mười lần, với điều kiện phải thay đổi khẩu vị và một số chỉ tiêu khác. Theo luật Việt Nam, nước uống có nồng độ cồn 6 – 7% là phải đưa vào nhóm rượu để quản lý. Do đó, SPY không được quảng cáo, thuế nhập khẩu 37%. Chúng tôi đã yêu cầu đối tác hạ độ cồn từ 6% còn 4,5%, chế biến bằng hương trái cây tự nhiên. Sản phẩm có độ cồn 4,5% là nước trái cây lên men, thuế nhập khẩu về 0%, giá thành thấp, có thể cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại trên thị trường.
Hơn nữa, do không phải là rượu nên không hạn chế đối tượng mua hàng và bán hàng (nếu là rượu, muốn kinh doanh phải có giấy phép kinh doanh rượu). Cuối cùng là được quyền quảng cáo. Chừng đó đã có lợi nên nhà sản xuất sẵn sàng đầu tư theo yêu cầu của mình.
Từ 2018, hàng Thái khi vào Việt Nam còn hưởng lợi khi được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% theo thoả thuận FTA?
- Sản phẩm của Thái đang có quá nhiều lợi thế cạnh tranh khi FTA đã có hiệu lực. Tôi từng qua nhiều nhà máy sản xuất đồ uống ở Thái, vào đó chỉ thấy vài công nhân trông coi hệ thống điều khiển tự động. Các công đoạn, từ sản xuất, đóng gói, đóng thùng, vào hàng palét… đều sử dụng robot.
Cho nên, ngoài lợi thế có giá thành thấp, thuế suất 0%, hàng Thái nhập về Việt Nam hiện nay cũng rất thuận lợi trong vận chuyển. Một container (20 – 22 tấn) từ Thái về Việt Nam mất có ba ngày, chi phí vận chuyển 50 USD, tính ra một thùng nước uống tăng lực Carabao 24 lon chỉ phải chịu chi phí có 500 đồng. Trong khi, nếu làm nhà máy ở Bình Dương, Đồng Nai hoặc một số khu công nghiệp TP.HCM, khi đưa sản phẩm vào nội thành tiêu thụ tốn phí vận chuyển trên 1.000 đồng/thùng khi chở xe 8 – 10 tấn, còn chở xe 2 – 2,5 tấn chạy trong nội thành giá vận chuyển đẩy lên hơn 2.000 đồng/thùng.
Để tận dụng hết cơ hội về thuế suất, ngoài mặt hàng đang bán chạy là nước tăng lực Carabao, năm 2018 chúng tôi tiếp tục phát triển thêm ba dòng sản phẩm nước uống mới, gồm: sản phẩm trà xanh và SPY của hai nhà sản xuất Thái Lan, và một sản phẩm nước uống của nhà sản xuất Malaysia. Mục tiêu của sản phẩm trà xanh Thái là thị phần của trà xanh không độ và trà xanh C2 tại Việt Nam. Theo tính toán, hai sản phẩm này sẽ có doanh số cao hơn Carabao, vì đối tượng uống Carabao không nhiều, còn trà xanh nhiều người uống hơn.