Dân Việt

Kết nối ASEAN - ưu tiên hàng đầu trong hợp tác

18/11/2011 05:10 GMT+7
(Dân Việt) - Sáng 17.11, với chủ đề “Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các Quốc gia Toàn cầu”, lễ khai mạc Hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 19 và các hội nghị cấp cao liên quan đã diễn ra ở Bali, Indonesia.

5 mục tiêu nóng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nêu bật những kết quả tích cực trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, triển khai Kết nối ASEAN, liên kết khu vực, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ của ASEAN với các đối tác, cũng như duy trì vai trò trung tâm của Hiệp hội trong cấu trúc đang định hình.

img
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên họp toàn thể của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19.

Tổng thống Indonesia nhấn mạnh Hiệp hội cần phát huy và nhân lên các kết quả đã đạt được trong những năm tới, tiếp tục củng cố đoàn kết, hướng tới một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, gắn kết và liên kết chặt chẽ.

Đây cũng chính là cơ sở để Hiệp hội tham gia và đóng góp tích cực hơn vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trên các vấn đề toàn cầu thuộc quan tâm chung của khu vực, cũng như phối hợp lập trường tại các diễn đàn như Liên Hợp Quốc, APEC, ASEM, G20…

Tổng thống Susilo Bambang Youdhoyono đã nêu bật 5 vấn đề cơ bản mà hội nghị lần này cần tập trung thảo luận. Thứ nhất, ASEAN cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ các bước đi cụ thể nhằm đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN, đảm bảo các kế hoạch được hoàn thành trước năm 2015.

Thứ hai, ASEAN cần đảm bảo tăng trưởng kinh tế của khu vực theo hướng bền vững và củng cố khả năng ứng phó của ASEAN trước những biến động về kinh tế - tài chính quốc tế, trở thành một bộ phận của các giải pháp xử lý những biến động và khủng hoảng, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng cân bằng của kinh tế thế giới.

Thứ ba, ASEAN phải đảm bảo vai trò trung tâm trong xây dựng, vận hành các cấu trúc, cơ chế hợp tác khu vực hiện hữu như ASEAN với các bên, ARF hay EAS. Thứ tư, ASEAN cần đảm bảo duy trì an ninh và ổn định ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á thông qua các sáng kiến, cơ chế và đóng góp cụ thể. Thứ năm, ASEAN phải tăng cường được vị trí vai trò trên trường quốc tế

Sau lễ khai mạc, lãnh đạo các nước ASEAN đã tiến hành phiên họp toàn thể để bàn về tăng cường hợp tác xây dựng Cộng đồng, triển khai Kết nối ASEAN và mở rộng quan hệ đối ngoại của Hiệp hội.

Việt Nam cam kết quyết tâm chính trị cao

Phát biểu tại phiên toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các nước trong khu vực cần có quyết tâm chính trị cao và dành nguồn lực cần thiết để thực hiện đúng thời hạn Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột. Theo đó, cần xác định rõ các mục tiêu ưu tiên cho từng năm, trong từng lĩnh vực, đồng thời nâng cao hiệu quả điều phối và giám sát thực hiện ở cả cấp độ quốc gia và khu vực trên cơ sở các chương trình, kế hoạch đã đề ra…

Trên cơ sở kiểm điểm 2 năm thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tăng cường hơn nữa hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong 14 lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục duy trì, củng cố đoàn kết và thống nhất trong ASEAN; phát huy hiệu quả các công cụ và cơ chế hợp tác chính trị - an ninh của ASEAN như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới COC, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)... nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh và thúc đẩy hợp tác phát triển ở khu vực, đồng thời tăng cường vai trò chủ đạo của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Sau lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng CHDCND Lào Thongsing Thamavong. Hai thủ tướng khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong hợp tác khu vực như ASEAN và Tiểu vùng Mekong, cùng các nước trong khu vực đảm bảo sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị ASEAN tiếp tục tăng cường hợp tác và đầu tư thích đáng cho các lĩnh vực như thu hẹp khoảng cách phát triển, an ninh năng lượng, lương thực, cũng như tăng cường hợp tác nhằm xử lý hiệu quả các thách thức đang nổi lên, kể cả biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải, môi trường, khai thác và sử dụng tài nguyên nước trên các dòng sông - nhất là Mekong, một cách hợp lý, để từ đó góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và đồng đều ở khu vực.

Về Kết nối ASEAN, Thủ tướng nêu rõ việc thực hiện đầy đủ Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết năm 2015; tiếp tục coi đây là ưu tiên hàng đầu trong hợp tác ASEAN cũng như trong hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác.

Triển khai hiệu quả các thỏa thuận, cam kết về tự do hóa, thuận lợi hóa về giao thương hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và giao lưu con người; trước mắt có thể nghiên cứu khả năng triển khai Thẻ đi lại ASEAN (ASEAN Travel Cards) cho công dân ASEAN cũng như dành cửa nhập, xuất cảnh riêng cho công dân ASEAN tại các cửa khẩu quốc tế của các nước thành viên…

Theo TTXVN