9X Lò Chăn Tủi ở bản Pa Thơm, xã Pa Thơm sau khi tốt nghiệp Học viện báo chí tuyên truyền năm 2015, nhưng chưa xin được việc ở cơ quan nào. Anh Tủi quyết định trở quê về nhà bàn bạc với bố mẹ đào 4 ao rộng khoảng 8.000m2 để nuôi cá lăng, phát triển kinh tế cho gia đình. Cá lăng giống được cử nhân báo chí 9x bắt từ con sông cạnh nhà và mua thu gom từ bà con dân bản. Đây là giống cá lăng hoàn toàn tự nhiên chứ không phải là giống cho đẻ nhân tạo nên chất lượng giống rất tốt và khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh...
Hàng ngày chàng cử nhân báo chí Lò Chăn Tủi thường xuyên thăm ao cá lăng, kiểm tra nguồn nước, để đảm bảo quá trình phát triển của đàn cá lăng.
Lò Chăn Tủi thổ lộ, từ nhỏ vốn đã sống quen với môi trường sông suối, nên anh hiểu rất rõ về tập tính và thức ăn của loại cá lăng bản địa này. Để có đủ thêm kinh nghiệm chăm sóc đàn cá lăng đạt hiểu quả kinh tế cao, anh Tủi đã tự mày mò đọc sách, báo và lên mạng internet tìm hiểu thêm về kỹ thuật, cách vệ sinh ao chuồng...Thức ăn cho cá lăng chủ yếu là cá mương, cá trôi, ốc và các loại cá nhỏ được chàng Tủi bắt từ con sông cạnh nhà hoặc thu mua từ các hộ dân trong bản. Lò Chăn Tủi hoàn toàn không dùng đến cám công nghiệp trong chăn nuôi 4 ao cá lăng.
Chính việc lấy cá giống từ nguồn tự nhiên, nuôi bằng thức ăn tự nhiên nên đàn cá lăng của Tủi trong thời gian vừa qua được rất nhiều nhà hàng ngoài huyện Điện Biên, TP.Điện Biên tin tưởng đặt mua và ưa chuộng. Không những vậy, nhiều nhà hàng bên nước bạn Lào còn đánh xe tải đến tận ao gia đình anh Tủi để thu mua cá lăng. Vì thế, sản phẩm cá lăng của Tủi luôn ổn định đầu ra, bán được giá thành cao hơn, đem lại nguồn thu nhập tương đối khá cho gia đình.
9x dân tộc Lào Lò Chăn Tủi bắt 1 con cá lăng dưới ao kiểm tra quá trình sinh trưởng.
Chia sẻ với Dân Việt, Lò Chăn Tủi cho biết: Cá lăng được giống tôi bắt ngoài suối, mua thu gom rồi thả nuôi vỗ béo từ tháng 2 - 3 âm lịch. Mỗi năm gia đình tôi thường cung ứng ra thị trường tỉnh Điện Biên và một số nhà hàng bên nước Lào. Tôi thường xuyên kiểm tra, nguồn nước sau khi thả cá. Một ngày tôi cho cá ăn 3 lần vào lúc sáng, chiều và tối. Lượng thức ăn buổi tối chiếm khoảng từ 40 - 50% tổng lượng thức ăn trong ngày. Trong quá trình cho cá lăng ăn, tôi thường xuyên quan sát lượng mồi thừa, thiếu trong sàn, để điều chỉnh tăng hay giảm lượng thức ăn cho phù hợp. Sau đó, tôi đưa ra khỏi ao thức ăn còn dư để tránh ô nhiễm môi trường, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh trưởng của đàn cá.
Dù không học đúng chuyên ngành thủy sản hay ngành nông nghiệp, nhưng chàng trai Lò Chăn Tủi có rất nhiều kinh nghiệm trong nuôi cá lăng bản địa.
Hiện nay, cá lăng bản địa được gia đình Lò Chăn Tủi bán ra thị trường với giá từ 120.000 – 150.000đồng/kg, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Bên cạnh gống cá lăng, để tận dụng tối đa mặt nước, tầng thức ăn, Lò Văn Tủi còn thả thêm một số giống cá khác như trôi Digan, chép, rô phi đơn tính...
Cử nhân báo chí Lò Văn Tủi cho biết thêm: Giống cá lăng bản địa này khác với giống cá lăng nha bán trên thị trường hiện nay ở chỗ nó có thịt trắng, săn chắc, ít xương dăm, mùi vị thơm ngon hơn. Cá lăng bản địa ở đây có sức đề kháng cao hơn giống cá lăng nha đẻ nhân tạo. Thêm vào đó, do gia đình tôi không nuôi bằng cám công nghiệp nên cá lăng ít bị dịch bệnh lắm. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng thêm 3 ao nữa để nuôi cá lăng...