Tàu sân bay Liêu Ninh (khoanh đỏ) trong đội hình chiến hạm Trung Quốc. Ảnh: Planet Labs.
Giám đốc Dự án Thông tin hạt nhân của Mỹ Hans Kristensen ngày 27.3 cho rằng nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc di chuyển trên Biển Đông theo đội hình rất khó phòng thủ, dễ bị xóa sổ chỉ sau một đòn không kích nếu xung đột nổ ra, theo Business Insider.
Hình ảnh vệ tinh do Planet Labs chụp trước đó một ngày cho thấy khoảng 40 tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu ngầm và máy bay Trung Quốc với tàu sân bay Liêu Ninh ở trung tâm di chuyển theo đội hình hàng hai ngoài khơi đảo Hải Nam, dường như để tham gia tập trận trên Biển Đông.
"Nhìn thì rất ấn tượng, nhưng đội hình này sẽ trở thành mục tiêu dễ dàng cho 4 máy bay ném bom B-1 Lancer được trang bị 96 tên lửa hành trình diệt hạm tầm xa", Kristensen nhận định.
Theo chuyên gia Mỹ, đội hình di chuyển như vậy của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh không có năng lực thực chiến mà chỉ cho thấy khả năng triển khai lực lượng của hải quân Trung Quốc.
Đội hình nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ thường được triển khai với tuần dương mẫu hạm ở trung tâm, các tàu ngầm ở phía trước, tàu khu trục và tàu hộ vệ thực hiện nhiệm vụ phòng không, chống ngầm được bố trí ở hai bên, phía sau là tàu hậu cần. Đội hình này được cho là có thể bảo vệ tàu sân bay Mỹ từ nhiều mối đe dọa trên không, trên biển ở khoảng cách xa.
"Trung Quốc rất nỗ lực cải thiện năng lực hải quân trong những năm qua, tuy nhiên một lực lượng hầu như chưa có bất cứ kinh nghiệm thực chiến nào sẽ phải mất thời gian dài để bắt kịp hải quân Mỹ cùng các cường quốc khác trên thế giới", chuyên gia Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore đánh giá.
Hải quân Trung Quốc cuối tuần trước thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh sẽ lần đầu tiên tham gia tập trận trên Biển Đông, nhưng không tiết lộ thời gian và địa điểm cụ thể.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh tàu khu trục USS Mustin của hải quân Mỹ ngày 23.3 thực hiện chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) trong khu vực 12 hải lý quanh đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi lấp, cải tạo trái phép thành đảo nhân tạo. Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố hành động của Washington "khiêu khích quân sự và chính trị nghiêm trọng", khẳng định sẽ tăng cường sức mạnh quân sự trên Biển Đông.