Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên.
Sau những đồn thổi và phỏng đoán, Trung Quốc và Triều Tiên đều đã xác nhận là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có chuyến thăm Trung Quốc không chính thức. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim Jong-un kể từ khi kế nhiệm cha mình năm 2011.
Điều này và bối cảnh chuyến công du này là ngay trước hai cuộc thượng đỉnh đã được dự định giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và với Mỹ làm cho chuyến đi Trung Quốc của ông Kim Jong-un có được ý nghĩa rất đặc biệt. Nó phục vụ hai mục đích chính. Thứ nhất là khôi phục mối quan hệ đồng minh và đối tác chiến lược gắn bó truyền thống và tin cậy vốn đã bị sứt mẻ phần nào trong thời gian qua.
Thứ hai là tham vấn lẫn nhau để cùng chuẩn bị cho Triều Tiên bước vào hai cuộc thượng đỉnh nói trên. Hai bên không dấu giếm cả hai mục tiêu ấy khi phía Mỹ đã được thông báo trước và phía Mỹ xem ra cũng tỏ ra không nghi ngại nhiều khi tổng thống Mỹ Donald Trump nhờ chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuyển một thông điệp của mình tới ông Kim Jong-un.
Kết quả cuộc trao đổi giữa ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un ở Bắc Kinh không được công bố. Nhưng cứ theo những phát biểu của họ được báo chí trích dẫn thì có hai điều đáng được chú ý nhiều hơn cả. Thứ nhất, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của chuyến thăm của ông Kim Jong-un và tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên.
Thứ hai, ông Kim Jong-un sẵn sàng "phi hạt nhân hoá" bán đảo Triều Tiên với những điều kiện nhất định, tức là khẳng định thông điệp trước đó đã nhờ phía Hàn Quốc chuyển tải tới phía Mỹ. Từ đó có thể thấy cả Triều Tiên và Mỹ lẫn Trung Quốc hiện đều cùng hướng tới hai cuộc gặp cấp cao nói trên, đều kiên định chủ ý thực hiện chúng và đều nỗ lực đảm bảo cho chúng thành công.
Chuyến thăm Trung Quốc này của ông Kim Jong-un không chỉ giúp mối quan hệ song phương giữa hai nước trở lại bình thường và được cải thiện mà còn giúp cả hai tăng thêm được vị thế, có thêm được con chủ bài chiến lược mới trong những ván bài chính trị an ninh tới đây ở khu vực Đông Bắc Á.
Trung Quốc cho thấy không phải đứng ngoài những diễn biến ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như giữa Triều Tiên và Hàn Quốc mà tham gia trực tiếp từ phía sau. Mỹ đang làm găng với Trung Quốc trên lĩnh vực trao đổi thương mại và quan hệ với Đài Loan thì Trung Quốc phát đi thông điệp rằng Mỹ không thể không cần Trung Quốc nếu muốn giải quyết với Triều Tiên vấn đề hạt nhân và tên lửa của nước này. Trung Quốc có được giá trị mới của con chủ bài Triều Tiên trong quan hệ với Mỹ.
Còn Triều Tiên thì có thể chứng tỏ rằng vẫn có Trung Quốc là đồng minh và đối tác chiến lược tin cậy và có được sự hậu thuẫn của Trung Quốc cho những sự kiện lớn sắp diễn ra giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc, nhờ đấy mà Triều Tiên có thế hơn trước và tự tin hơn trước.
Cho dù thể hiện rằng vẫn chủ động và dẫn dắt về ngoại giao trong xử lý quan hệ với Hàn Quốc và Mỹ cũng như liên quan đến vấn đề hạt nhân và tên lửa của mình, Triều Tiên xem ra ý thức được rằng hiện là thời điểm cần đến cái uy và sự hậu thuẫn của Trung Quốc, tạo cơ hội cho Trung Quốc làm bàn nhưng nhờ đó có được điểm xuất phát thuận lợi nhất cho chuyện đối thoại và đàm phán trực tiếp ở cấp cao nhất với Hàn Quốc và Mỹ.