Dân Việt

Nín thở trước nguy cơ Israel tấn công Iran

20/11/2011 08:56 GMT+7
(Dân Việt) - Những tuần gần đây, cả thế giới nín thở trước hàng loạt thông tin cho thấy Israel sẽ đơn phương tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Iran.

Nguy cơ nổ ra chiến tranh thế giới thứ 3 là hoàn toàn có thể, bởi cuộc xung đột Israel-Iran sẽ không dừng lại ở cấp độ "song phương".

Anh - Mỹ sẽ đứng sau Israel

Ngày 15.11 vừa qua, tờ Điện tín Hàng ngày của Anh đã công bố thông tin gây lo ngại: Ngay trước thềm Lễ Giáng sinh năm 2011, lực lượng không quân Israel sẽ mở một cuộc ném bom rầm rộ nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, trong đó có tổ hợp nguyên tử Bushehr do Nga hỗ trợ Tehran xây dựng.

img
Tên lửa tầm xa Shahab-3 của Iran khiến Israel lo ngại.

Báo trên cũng cho biết, cuộc tấn công của Israel sẽ được sự hậu thuẫn của Chính phủ Mỹ và Anh. Tờ báo dẫn một nguồn tin từ cơ quan ngoại giao Anh nói rằng, nội các "xứ sở sương mù" tin rằng Tel Aviv sẽ không tiếp tục chần chừ khi quyết định giáng đòn phủ đầu lên Tehran. Nguồn tin trên chỉ rõ: "Cuộc tấn công sẽ xảy ra trước Giáng sinh hoặc ngay những ngày đầu năm mới 2012".

Tờ Haaretz hồi đầu tháng 11 dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Israel tiết lộ, Thủ tướng Israel B.Netanyahu đang thuyết phục Quốc hội về kế hoạch quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Hiện ông Netanyahu cùng Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak đã giành được sự ủng hộ của một số thành viên, các chỉ huy tình báo và quân sự. Tel Aviv cũng cho biết đã thử nghiệm thành công một hệ thống tên lửa đạn đạo tầm bắn 7.000km, có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.

Theo phân tích của Điện tín Hàng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ hỗ trợ chiến dịch oanh tạc Iran của Israel để lấy lòng các cử tri người Mỹ gốc Do Thái trong cuộc bầu cử vào năm 2012. Theo báo Người bảo vệ, Bộ Quốc phòng Anh đang chuẩn bị những phương án để cùng với Mỹ can thiệp vào cuộc tấn công này. Các phương án này bao gồm các cuộc không kích bằng tên lửa vào những cơ sở hạt nhân trọng điểm của Iran và triển khai tàu chiến, tàu ngầm có trang bị tên lửa hành trình Tomahawk.

Thời gian qua, Israel và phương Tây liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Tehran để ngăn không cho quốc gia Hồi giáo này phát triển chương trình hạt nhân, mà họ cho là để che đậy những dự án chế tạo vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, Iran luôn tỏ thái độ cứng rắn trước mọi sức ép và tiếp tục phát triển chương trình năng lượng hạt nhân cho riêng mình.

Trong Hội đồng Bảo an LHQ, duy chỉ có Nga và Trung Quốc giữ lập trường trung lập trong vấn đề hạt nhân Iran. Hiện nhiều nguồn tin cho biết, Iran đã đặt các lò phản ứng hạt nhân của mình trong một căn cứ quân sự ngầm dưới một ngọn núi gần thành phố Qom, cách thủ đô Tehran 150km về phía tây nam.

Thông tin về kế hoạch ném bom Iran được đưa ra trong bối cảnh chỉ vài ngày trước, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cho công bố báo cáo nêu rõ: Iran đã bí mật phát triển công nghệ chế tạo bom hạt nhân từ trước năm 2003 và hiện đang hoàn thiện công nghệ này.

Cuộc chiến kiểu domino

Khi khả năng Israel tấn công Iran không bị loại trừ thì dư luận đặt ra câu hỏi: Cuộc chiến này sẽ mang lại hệ quả như thế nào? Theo tờ Haaretz, tương quan lực lượng giữa hai quốc gia Trung Đông này không quá khác biệt vì cả đôi bên đang sở hữu một đội quân thiện chiến cùng các khí tài quân sự tiên tiến.

Lực lượng vũ trang Iran gồm quân đội, lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo và cảnh sát. Theo thống kê mới nhất, hiện có khoảng 550.000 người đang phục vụ chính thức trong quân đội và lực lượng vệ binh. Cả hai lực lượng này đều đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Quốc phòng Iran.

Những vũ khí chính trang bị cho lực lượng vũ trang Iran gồm khoảng 350 máy bay chiến đấu, 1.700 xe tăng các loại (trong đó có loại tăng T-72 hiện đại do Nga chế tạo), 15 tàu ngầm, hàng chục tàu chiến và đặc biệt là tổ hợp tên lửa Shahab-3 có tầm bắn tới 2.000km, thừa sức vươn tới thủ đô Tel Aviv của Israel. Ngoài ra, Iran còn nhiều loại vũ khí, tên lửa mà nước này mới chế tạo và chưa công bố.

Trong khi đó, quân đội Israel có khoảng 176.500 người và khoảng 560.000 người thuộc lực lượng dự bị thường trực. Các vũ khí chính của Israel gồm khoảng 3.500 xe tăng mua của Nga, Mỹ… và tự sản xuất. Lực lượng không quân Israel được xem là mạnh nhất tại Trung Đông với gần 550 máy bay chiến đấu hiện đại nhập khẩu từ phương Tây, trong đó có F-15, F-16 của Mỹ.

Iran sẽ giáng trả bằng nắm đấm thép

Đối mặt với khả năng bị tấn công, lãnh tụ tối cao của Iran, Giáo chủ Ayatollah Khomeini cảnh báo sẽ đáp trả bằng một cú đòn "cứng rắn và quyết liệt". Ông tuyên bố: "Chúng tôi không phải là một quốc gia sợ hãi trước đe dọa của những quyền lực ngoại bang. Chúng tôi sẽ giáng trả bằng nắm đấm thép. Cuộc tấn công của những kẻ hiếu chiến và xâm lược sẽ bị bẻ gãy ngay từ trong trứng nước".

Hải quân Israel có 3 tàu ngầm Dolphin mang tên lửa chứa đầu đạn hạt nhân, 3 tàu hộ tống Eilat và vô số tàu chiến khác. Do có tiềm lực quân sự khá mạnh và được sự hậu thuẫn của Mỹ-Anh, nên Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak hôm 9.11 tự tin tuyên bố: Nước này có thể tiến hành tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân của Iran mà số người thiệt mạng chỉ chưa đến 500 trong trường hợp bị Tehran trả đũa.

Tuy nhiên, ông Barak thừa nhận rằng, cái giá phải trả cho cuộc tấn công Iran có thể sẽ rất đắt nếu Tehran có thể đáp trả bằng cách bắn tên lửa tầm xa Shahab-3 vào các thành phố Israel.

Theo tờ Điện tín Hàng ngày, ông Barak có lý do để lo ngại như vậy, bởi một khi Israel gây chiến với Iran, nước Cộng hòa Hồi giáo chắc chắn sẽ kêu gọi sự ủng hộ từ những đồng minh trong khu vực cùng chung mục tiêu chống Nhà nước Do Thái, như lực lượng vũ trang Hezbollah ở Lebanon và Phong trào Hồi giáo Hamas tại Palestine mở kho vũ khí tên lửa phát động cuộc chiến trên khắp Trung Đông. Hiệu ứng domino sẽ tiếp tục cùng với sự tham chiến của Mỹ và Anh và có thể sẽ có thêm một số quốc gia phương Tây khác.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu kịch bản chiến tranh giữa Israel và Iran thành hiện thực thì nguy cơ phát nổ thùng thuốc súng tại Trung Đông, từ đó lan rộng thành một cuộc chiến tranh thế giới mới là điều khó tránh khỏi. Hiện cả Mỹ và Anh đều đắn đo trước nguy cơ sa lầy vào một cuộc chiến tương tự như tại Iraq.

Do đó, rất có thể hai quốc gia này, cùng với Nga và Trung Quốc, sẽ gây áp lực buộc Israel phải từ bỏ ý định châm ngòi chiến tranh với Iran. Tuy vậy, mọi tình huống đều có thể xảy ra vì theo báo giới phương Tây, Israel có thể đơn phương mở chiến dịch tấn công Iran mà không cần thông báo với Chính phủ của Tổng thống Obama.