Dân Việt

Dỡ bán có hơn nửa ha khoai lang đất giồng, lãi ròng 100 triệu

Văn Thảo 29/03/2018 14:47 GMT+7
Gia đình anh Huỳnh Văn Bé, ấp Tân Phong, xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành (Tiền Giang) vừa thu hoạch được 15 tấn khoai lang trồng trên đất giồng với diện tích 0,6 ha . Mặc dù thu hoạch sớm hơn 15 ngày, sản lượng thấp, nhưng sau khi trừ chi phí, gia đình anh lãi 100 triệu đồng.

Không phải tự nhiên mà vùng đất Nam bộ từng có câu: " Trên đất giồng, mình trồng khoai lang "; bởi vùng đất cát giồng khắc nghiệt lại thích hợp với loại cây trồng từng góp phần xóa đói trong những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất 30-4-1975.

“Bén duyên” với vùng đất cát thuộc các xã cánh họ Tân của huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) từ nhiều năm nay, cây khoai lang mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với cây lúa, giúp nhiều nông dân nơi đây được no ấm hơn. Không ai nhớ rõ cây khoai lang có mặt ở huyện Châu Thành từ bao giờ, chỉ nhớ cây trồng này đã giúp bà con nơi đây có nguồn thu nhập khá, đời sống được cải thiện dần.

Huyện Châu Thành hiện có khoảng 180 ha trồng khoai lang, tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Lý Tây, Tân Lý Đông và Tân Hương; trong đó, giống khoai lang bí được trồng chủ yếu. Do củ to, ngọt bùi nên khoai lang nơi đây được thị trường ưa chuộng.

img

Trúng vụ khoai lang, được mùa được giá, nhiều hộ nông dân xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang có lời khá.

Ở ấp Tân Phong, xã Tân Lý Tây, gia đình anh Huỳnh Hiếu Nghĩa có 0,6 ha trồng khoai lang. Từ nhiều năm nay, cây khoai lang đã gắn bó với gia đình anh Nghĩa như “cái duyên, cái nợ”. Năm nay, gia đình anh Nghĩa xuống giống 0,6 ha khoai lang và còn hơn 1 tháng nữa là có thể thu hoạch.

Anh Nghĩa chia sẻ: “Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, các năm gần đây, năng suất khoai lang của tôi trồng tăng từ 1,5 tấn lên 4 tấn/công. Năm vừa rồi, gia đình tôi thu hoạch được 26 tấn, sau khi trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng. Sau vụ khoai này, tôi sẽ chuyển qua luân canh trồng lúa để giúp cải tạo đất chuẩn bị cho mùa khoai mới. Gốc rơm rạ, hoa màu còn trong đất sẽ hoai mục thành một lớp phân hữu cơ, độ xốp cao rất tốt cho cây khoai”.

Theo người trồng khoai lang nơi đây, mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây lúa, nhưng cây khoai lang vẫn chịu điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Ông Kiều Văn Tấn (ấp Tân Lược 1, xã Tân Lý Đông) ngồi bên ruộng khoai lang, nhớ lại: “Những năm đầu mới trồng, khoai lang cho củ to vậy mà bán có lúc không ai mua”.

Bấp bênh là thế, nhưng nhiều người vẫn gắn bó với cây khoai lang. Năm nay, khoai lang có giá cao, lại ổn định nên bà con tranh thủ thu hoạch sớm dù chưa tới lứa.

Hiện các thương lái thu mua khoai lang loại 1 tại ruộng có giá 12.000 đồng/kg, nên gia đình ông Tấn thu hoạch khoai sớm hơn 1 tháng. Sau khi thu hoạch, ông Tấn đắp giồng trồng lại lứa khoai mới.

Còn gia đình anh Huỳnh Văn Bé (ấp Tân Phong, xã Tân Lý Tây) vừa thu hoạch được 15 tấn khoai lang/0,6 ha. Mặc dù thu hoạch sớm hơn 15 ngày, sản lượng thấp, nhưng sau khi trừ chi phí, gia đình anh lãi gần 100 triệu đồng.

Anh Bé tâm sự: “Vừa rồi thương lái vào ruộng thu mua, thấy khoai lang của tôi trồng trên đất cát có củ đẹp, to, láng nên họ thích lắm. Nếu để thêm vài tuần nữa thu hoạch, tôi sợ khoai sụt giá nên tranh thủ thu hoạch sớm để bán được giá cao. Hiện đang vào mùa nắng nên tôi lên giồng trồng vụ mới, dự kiến tháng 6 âm lịch sẽ thu hoạch”.

Dù giá cả vẫn còn bấp bênh, nhưng phải thừa nhận rằng cây khoai lang đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Chính vì vậy, với nông dân vùng đất cát Châu Thành, cây khoai lang rất “nặng tình, nặng nghĩa”, nên không bỏ được. Thế nên, hàng chục năm qua, cây khoai lang vẫn âm thầm “bám chặt rễ” trên vùng đất này.

Những cánh đồng khoai mượt mà xanh tốt hôm nay đã minh chứng cho sự thủy chung của người dân nơi đây “bền lòng chặt dạ” giữ lại cây trồng truyền thống. Hy vọng mơ ước bình dị của bà con trồng khoai lang nơi đây là khoai luôn có đầu ra ổn định, “được mùa, được giá” sẽ thành hiện thực, để những câu chuyện vui về nghề trồng khoai lang được tiếp nối.

Chủ tịch UBND xã Tân Lý Tây Nguyễn Văn Vũ cho biết: “Thiên nhiên đã ưu ái cho nơi đây có giồng cát pha đi qua mà ít nơi nào có được, rất phù hợp để trồng khoai lang. Từ khi chuyển sang trồng khoai, đời sống nông dân có nhiều cải thiện. Xã thường xuyên phối hợp với các ngành của huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật, phòng trừ sâu, bệnh trên cây khoai lang, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất”.