Dân Việt

Khóm Tắc Cậu - đệ nhất khóm Nam bộ, hơn 70 năm được trồng ra sao?

Ngọc Quyên 30/03/2018 07:13 GMT+7
Hơn 70 năm qua, khóm Tắc Cậu được trồng trên vùng đất cù lao giữa hai sông Cái Lớn, Cái Bé trên địa bàn các xã Bình An, Vĩnh Hòa Phú và một phần xã Minh Hòa (Châu Thành, Kiên Giang). Đây là thương hiệu khóm nổi tiếng khắp cả nước nhờ hương vị ngon đặc trưng.

Thiên nhiên ưu đãi

Theo người dân địa phương, cùng giống khóm nhưng trồng trên vùng đất này hương vị khóm Tắc Cậu ngọt, thanh hơn, do nền sinh thái nơi đây có sự kết hợp hài hòa của 3 yếu tố phèn, mặn và phù sa.

Đường dẫn vào 2 ấp An Ninh và An Thành, xã Bình An trải đều màu xanh cây khóm dưới hàng cau nhiều tuổi. Nơi đây có không ít hộ gia đình có mấy thế hệ gắn bó với nghề trồng khóm. Thời điểm khóm rớt giá, người trồng lao đao, có hộ quay về với lúa, nhưng có hộ vẫn kiên trì gắn bó với nghề trồng khóm.

img

Trồng khóm Tắc Cậu xen với dừa và cau cho nông dân thu nhập khá. (Ảnh: NQ).

Theo ông Huỳnh Văn Bình, nông dân trên 20 trồng khóm ở ấp An Thành, xã Bình An, những năm gần đây, khóm Tắc Cậu được giá và ổn định hơn trước; đáng kể năm 2015 khóm có giá 12.000 đồng/trái, hiện còn 7.000 đồng/trái, với giá này người trồng khóm vẫn có lãi. Với 4ha đất trồng khóm xen gần 400 gốc dừa và cau, mỗi năm vợ chồng anh Bình lãi hơn 240 triệu đồng.

Hiện nay, với bí quyết cho khóm ra trái trái vụ, thu hoạch liên tục quanh năm, ngoài bán tươi, khóm Tắc Cậu còn được chế biến thành nhiều sản phẩm hấp dẫn như khóm sấy khô, mứt, nước ép…

img

Nông dân tận dụng khóm nhỏ, chín để làm bánh hoa mai nhân khóm. (Ảnh: NQ).

Nhà có 1ha đất trồng khóm, 3 năm trở lại đây, chị Quách Mỹ Hà, ngụ ấp An Thành, chịu khó làm thêm bánh hoa mai nhân khóm và khóm sấy khô để tăng thu nhập cho gia đình. Từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau, nắng tốt là thời điểm lý tưởng phơi khóm cho ra sản phẩm tươi màu, bắt mắt. Theo chị Hà, với 10 trái khóm to (chừng 14kg) cho ra 1kg khóm khô, với giá dao động 120 - 160 ngàn đồng/kg và 120 ngàn đồng/kg bánh hoa mai nhân khóm, chị Hà có kinh tế ổn định.

Hiện trên địa bàn xã Bình An có một số hộ đầu tư hẳn dây chuyền sấy khóm hàng trăm triệu đồng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, tranh thủ nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương.  

Xây dựng thương hiệu

Từ trên 2.000ha khóm những năm đầu 1980, do đầu ra sản phẩm gặp khó, giả cả bấp bênh, diện tích trồng khóm thu hẹp dần còn hơn 1.500ha (năm 2005-2006). Những năm gần đây, giá khóm dần bình ổn, nhiều hộ dân chuyển đổi diện tích trồng lúa sang khóm.

Năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp UBND huyện Châu Thành trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể khóm Tắc Cậu cho Hội Nông dân huyện. Một năm sau đó, đường hành lang ven biển phía Nam hoàn thành cùng việc giá khóm trên thị trường tăng (bình quân gấp 3 lần so trước năm 2011-2012) chính là động lực vực dậy nghề, tăng diện tích trồng khóm của bà con nơi đây.

img

Diện tích khóm Tắc Cậu đang phục hồi sau thời gian giảm. (Ảnh: NQ).

Hiện toàn huyện Châu Thành có gần 1.700ha đất trồng khóm, phấn đấu phục hồi diện tích bằng những năm đầu năm 1980 (trên 2.000ha). Theo đó, năm 2016, huyện xây dựng vùng trồng khóm năng suất cao, với kinh phí đầu tư hơn 250 triệu nhằm hỗ trợ người trồng khóm sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác. Năm 2017, mỗi hộ dân lên liếp trồng khóm từ đất lúa, vườn tạp được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha.

Ông Trần Thanh Việt - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Châu Thành, thông tin: Để khóm Tắc Cậu vươn xa, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, huyện xác định rõ vùng quy hoạch trồng khóm Tắc Cậu, xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ thiết thực, khuyến khích nông dân chuyển đổi từ diện tích trồng lúa, vườn tạp sang trồng khóm phù hợp theo quy hoạch. Đồng thời, sớm xây dựng mô hình trồng khóm Tắc Cậu theo quy trình VietGAP với quy mô ban đầu thích hợp để có cơ sở nhân rộng và từng bước tiến lên GlobalGAP.

img

Địa phương và nông dân đang tích cực giữ gìn thương hiệu khóm Tắc Cậu có lịch sử hơn 70 năm. (Ảnh: NQ).

“Mặt khác, quan tâm phát triển kinh tế tập thể ở khu vực này để liên kết những nông dân trồng khóm, vừa có thể tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, phù hợp theo thời điểm tham gia thị trường, vừa thuận lợi trong công tác tuyên truyền, chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng quy trình sản xuất theo hướng GAP. Điều quan trọng nhất là tuyên truyền để người trồng khóm hiểu, giữ gìn giá trị thương hiệu khóm Tắc Cậu” - ông Việt chia sẻ.