Dân Việt

5 lý do nên coi mại dâm là một nghề hợp pháp

Mại dâm có nguồn gốc lịch sử. Mại dâm ra đời từ hàng ngàn năm trước, song song với lịch sử loài người.

Theo quan điểm của nhiều nước thì mại dâm là một nghề hợp pháp, được tôn trọng và đối xử như những ngành nghề khác trong xã hội. Người hành nghề mại dâm bán sức lao động, sắc đẹp và nhận được tiền công, tiền lương, tạo ra thu nhập như các ngành, nghề khác.

Ở nước ta từ trước đến nay, mại dâm không được công nhận là một nghề, hoạt động mại dâm là bất hợp pháp, bị cấm và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh liên quan đến mại dâm. Tuy nhiên, hoạt động mại dâm, hành nghề mại dâm vẫn tồn tại, thậm chí ngày càng phát triển theo xu thế chung của xã hội. Do đó, vấn đề đặt ra là phải hành xử với hoạt động mại dâm như thế nào cho phù hợp? Liên quan đến vấn đề này có hai luồng ý kiến khác nhau, với cách lập luận khác nhau.

Luồng ý kiến thứ nhất, cho rằng cần cấm hoạt động mại dâm, coi đây là tệ nạn xã hội cần phải lên án, nghiêm cấm, xử lý triệt để. Lý do, là hoạt động mại dâm sẽ trái với truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc, làm suy thoái đạo đức xã hội, ảnh hưởng đến gia đình...

Luồng ý kiến thứ hai, cho rằng nên công nhận mại dâm là một nghề, quản lý với những điều kiện đặc biệt. Lý do, là dù bị cấm nhưng thực tế hoạt động mại dâm vẫn tồn tại, số người hành nghề, hoạt động trong nghề này ngày càng nhiều, hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp rất khó quản lý, ngăn chặn triệt phá.

Đặc biệt, nhiều người bán dâm bị bắt đưa vào trường dạy nghề, giáo dục, "phục hồi nhân phẩm" nhưng khi trở lại xã hội vẫn thói "ngựa quen đường cũ", đâu lại vào đấy. Nguyên nhân là do không tìm được việc làm và bị xã hội kỳ thị, xa lánh nên họ mặc cảm, tự ti không dám đối diện với cuộc sống thực tại, với gia đình, hàng xóm.

Tôi theo quan điểm thứ hai nên cho phép và coi mại dâm là một nghề hợp pháp. Bởi các lý do sau đây:

Thứ nhất, khi công nhận mại dâm là một nghề hợp pháp sẽ giúp quản lý tốt hơn được đối tượng đang hoạt động mại dâm từ nhân khẩu đến tình trạng sức khoẻ, bệnh tật... Việc này sẽ ngăn ngừa được tình trạng lây lan các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục như HIV, lậu, giang mai... Do đã quản lý được họ nên buộc họ phải khám bệnh định kỳ và đảm bảo sức khoẻ thì mới được hành nghề. Khi hành nghề hợp pháp họ phải có hợp đồng lao động, đăng ký tạm trú, tạm vắng... sẽ tạo điều kiện thuận lợi để quản lý.

Thứ hai, việc công nhận mại dâm là một nghề sẽ góp phần giải quyết được các hậu quả tiêu cực, gánh nặng cho xã hội về sau. 

Thứ ba, hiện nay rất nhiều người bị truy tố, xét xử vì các tội phạm liên quan đến mại dâm, tình dục như môi giới mại dâm, buôn bán phụ nữ vì mục đích mại dâm, chứa mại dâm... Do đó, khi Nhà nước công nhận mại dâm là nghề hợp pháp sẽ không còn các tội phạm này nữa, góp phần giảm gánh nặng về công việc cho cơ quan tư pháp và kinh phí xây dựng nhà tù, nơi giam giữ, cải tạo!

Bên cạnh đó, xét về mặt sinh lý của con người thì khi được giải quyết vấn đề về sinh lý một cách hợp pháp, công khai thì sẽ hạn chế tội phạm về hiếp dâm, cưỡng dâm, nhất là các vụ hiếp dâm trẻ em, người già đặc biệt nghiêm trọng đang xảy ra như hiện nay.

img

Ảnh minh họa. Nguồn IT

Thứ tư, thực tế hiện nay, nghề mại dâm dù bất hợp pháp nhưng mang lại nguồn thu rất lớn cho những kẻ kinh doanh làm ăn phi pháp, trong khi những phụ nữ, trẻ em gái hoạt động trong nghề này, dù bị bắt buộc hay tự nguyện thì cuộc sống cũng rất cơ cực, bị bạc đãi, đánh đập do bị chủ chứa ăn chặn, kìm kẹp.

Thứ năm, việc công nhận mại dâm sẽ góp phần vào việc thu hút khách du lịch. Minh chứng là thành công các nước láng giềng xung quanh chúng ta như Thái Lan, Campuchia hay các nước châu Âu đã làm việc này. 

Ở nước ta dù không nói ra, không thừa nhận nhưng trên thực tế có nơi dường như "lờ đi" hay buông lỏng để mại dâm hoạt động. 

Từ những lý do trên, theo cá nhân tôi nên xem xét công nhận mại dâm như một nghề hợp pháp được pháp luật bảo hộ và cần được xem xét, quy định cụ thể vào Luật Việc làm, Bộ luật Lao động… trong thời gian tới.

Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, một nghề rất nhạy cảm do đó tôi mong muốn các cơ quan chức năng có liên quan có thể chỉ khoanh vùng, khu vực cụ thể được phép hành nghề như tại các đặc khu hành chính sắp được thành lập, đồng thời quy định chặt chẽ về điều kiện kinh doanh quản lý hoạt động này. Bên cạnh đó, thời gian trước mắt chỉ thí điểm, cho phép người hành nghề mại dâm phục vụ khách du lịch, người nước ngoài, sau đó nếu thấy hợp lý, quản lý tốt thì mới mở rộng đối tượng khách trong nước.

Không thể có "phố đèn đỏ" ít nhất đến năm 2020 là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - thương binh và xã hội khi trao đổi với báo chí ngày hôm qua (29.3). 

Theo đó, ông Lập nhấn mạnh: "Tôi khẳng định quan điểm của Việt Nam, và cá nhân tôi - cục trưởng, rằng mại dâm không thể là một nghề. Ít nhất là từ nay đến năm 2020 - thời điểm Bộ Lao động - thương binh và xã hội dự kiến trình luật về mại dâm, đây chưa thể coi là một nghề.

Thứ nhất, Việt Nam là đất nước có văn hóa, truyền thống Á Đông. Thứ hai, nếu công nhận mại dâm là một nghề thì theo quy định phải tuân theo luật giáo dục nghề nghiệp, phải có giáo trình, chứng chỉ, thang bảng lương…

Quan điểm của chúng ta là luôn tôn trọng công ước về quyền con người mà chúng ta đã tham gia cam kết với quốc tế. Hiến pháp, pháp luật của chúng ta từ trước đến nay cũng đề cao quyền coi người. Chúng ta không thể chấp nhận mại dâm cũng như nạn bóc lột, cưỡng bức, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Xu hướng trên thế giới, quyền công dân, quyền con người ngày càng được nâng cao. Mại dâm bị cấm ở hầu hết các quốc gia. Một số chính phủ cho rằng nên "hợp pháp hóa" để dễ kiểm soát, nhưng sau một thời gian đã thấy việc hợp pháp hóa mại dâm không đạt được mục tiêu đề ra mà còn làm vấn đề nghiêm trọng hơn.

Một số nước sau một thời gian dài chấp nhận mại dâm như một nghề đã phải quay lại biện pháp cấm hoàn toàn". 

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. 

Báo Điện tử Dân Việt mở diễn đàn "Có nên hợp thức hóa mại dâm?". Rất mong nhận được ý kiến tham gia, đóng góp của bạn đọc. 

Tin bài xin gửi về email: tiengdanntnn@gmail.com. 

Xin chân thành cảm ơn!