Dân Việt

Ngân hàng Bưu điện - mô hình tối ưu ở nhiều nước

20/11/2011 07:15 GMT+7
(Dân Việt) - Trên thế giới, Ngân hàng Bưu điện là mô hình ngân hàng triển khai các hoạt động trực tiếp đến các khách hàng thông qua mạng lưới bưu điện sẵn có. Đây là mô hình được đánh giá cao trên thế giới.

Trên thế giới, Ngân hàng Bưu điện là mô hình ngân hàng triển khai các hoạt động trực tiếp đến các khách hàng thông qua mạng lưới bưu điện sẵn có, mà tại bất kỳ quốc gia nào, mạng lưới này cũng có quy mô cực lớn xét cả về số lượng điểm giao dịch và mức độ phủ kín về mặt địa lý hành chính. Đây là mô hình được đánh giá cao trên thế giới.

Tại Đức, Postbank đại diện cho các sản phẩm đơn giản, chi phí thấp và dễ sử dụng, đồng thời cung ứng các kênh giao dịch rộng khắp. Tại Nam Phi, hàng triệu người luôn tin tưởng vào Postbank vì hệ thống tài khoản tiết kiệm an toàn, tin cẩn với lãi suất tốt và điều khoản linh hoạt. Tại Nhật Bản, PostBank (FUTSU) là biểu tượng của sự an tâm và tín nhiệm và là hệ thống mà mọi người Nhật đều dùng được.

img
Ngân hàng Bưu điện sẽ đa dạng sản phẩm.

Còn tại Việt Nam thì sao? Với việc Công ty Dịch vụ Tiết kiệm bưu điện (TKBĐ) sáp nhập vào LienVietBank thành LienViet Post Bank (LVPBank) chính là cộng hưởng sức mạnh của hai thương hiệu lớn: TKBĐ, vốn được xây dựng tốt trong 10 năm qua, gắn kết với thương hiệu Liên Việt đang có tốc độ phổ rộng nhận diện thương hiệu rất cao.

Sau khi sáp nhập, LVPBank sẽ nâng cao hơn chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa hơn nữa các sản phẩm tài chính – ngân hàng nhằm hiện thực hóa triển vọng “Ngân hàng của mọi gia đình Việt Nam”, mà một định hướng trong đó là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên dành riêng cho người nghèo, các hộ nông dân trong cả nước.

Định hướng này có nhiều cơ sở thuận lợi, vì hiện nay Liên Việt đang triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển tín dụng nông nghiệp, nông thôn”. Riêng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hiện đã có trên 15.000 hộ nông dân trực tiếp đang được hưởng lợi từ Đề án này của Liên Việt.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân- Phó trưởng Phòng đầu tư của Công ty Dịch vụ TKBĐ cho biết: “Sau khi sáp nhập, LienVietBank sẽ được sử dụng mạng lưới rộng lớn của Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam để triển khai các dịch vụ tài chính- ngân hàng. Việc phát triển mạng lưới của LienVietBank cũng sẽ đỡ tốn kém và thuận lợi hơn rất nhiều”.

Cũng theo bà Vân: “Thương hiệu Công ty Dịch vụ TKBĐ lâu nay được nhiều người dân biết đến, đặc biệt là ở miền núi phía Bắc, các vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ và các tỉnh miền Trung. Với chính sách lãi suất và chăm sóc khách hàng tốt, chắc chắn LVPBank sẽ thu hút được lượng khách hàng đông đảo, kể cả những khách hàng trước đây đã rời bỏ TKBĐ vì lý do lãi suất thiếu hấp dẫn và dịch vụ TKBĐ chưa đa dạng”.