Đầu tháng 4.1722, tại tiền đồn Cape Coast Castle của quân Anh trông ra vịnh Ghana ở Tây Phi, 269 tên hải tặc từng tung hoành ngang dọc khắp Đại Tây Dương đã được áp giải về đây, trong khuôn khổ một phiên tòa đồ sộ sắp được mở, với các thành viên Hội đồng xử án đều thuộc giới Tư pháp Hải quân Hoàng gia Anh, được lịch sử ghi nhận như là “Vụ án cướp biển lẫy lừng nhất của mọi thời”.
Tranh vẽ trong thế kỷ XVIII mô tả tàu cướp biển đang tấn công một tàu buôn Anh.
Từ các chồng hồ sơ biên bản xét xử dày cộm, công luận mới biết được ít nhiều về cơ cấu tổ chức hoạt động hải tặc, cũng như thứ “kỷ luật sắt” bên trong khiến chúng có thể ngang nhiên tồn tại… Nhất là với nhóm cướp đang “nổi đình nổi đám” khắp cả dải Tây Phi, do tên Bartholomew Roberts (1682-1722) người xứ Wales cầm đầu. Đây cũng là phiên tòa đánh dấu sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp quốc tế, giới thẩm phán đã đi sâu tìm hiểu đời tư của từng bị can một, phân tích nguyên nhân cấu thành tội phạm - cả khách quan lẫn chủ quan - nhằm đưa ra các mức án thích hợp.
Cuối cùng 54 can phạm lĩnh án tử hình, trong đó 52 tên bị treo cổ, 75 tên khác bị tuyên phạt các mức án khác nhau, số còn lại được khoan hồng tha bổng. “Bản án nói chung là vẫn còn nương tay, nếu như để cho giới quan tòa Tây Ban Nha xét xử, ắt hết thảy đám tù nhân dính líu ít nhiều tới tội cướp biển này sẽ đều bị treo cổ tức thì”, như nhận định của một chuyên gia pháp lý quốc tế am hiểu đương thời.
Băng hải tặc do B. Roberts cầm đầu là một trong những toán cướp biển nổi danh nhất thời ấy. Chỉ trong 2 năm từ 1721-1722, chúng đã tiến hành cướp bóc 400 con tàu thuộc các quốc tịch Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Anh tại những vùng nước thuộc Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Năm 1719, Roberts làm việc trong vai sĩ quan hạng 3 trên con tàu buôn Princess treo cờ Anh, cũng trong năm ấy tàu Princess bị toán hải tặc xứ Wales của tướng cướp David tấn công, bắt buộc Roberts và tất cả thủy thủ đoàn phải trở thành… cướp biển. Đây là một trong những cách “cổ điển” thu nạp thành viên của các băng nhóm hải tặc thuở ấy. Giữa giới thủy thủ tàu buôn hay tàu chiến bị cướp biển bắt làm tù binh, chỉ có 2 khả năng lựa chọn: hoặc bị treo cổ; hoặc tự nguyện làm… hải tặc.
Thông thường các nạn nhân đều chọn cách thứ hai để có cơ may tồn tại. Vả lại, công việc trước đấy của họ vốn đã nặng nhọc căng thẳng, nhất là giới phục vụ trên tàu chiến. Nhiều người tự nhủ rằng, chỉ có tham gia vào đội ngũ cướp biển mới làm giàu nhanh được, để rồi sau một thời gian có đủ tiền tậu một khu đất nào đấy tại quần đảo Antilles hay vùng Caribbean, hưởng cuộc sống “về chiều” trong vai điền chủ sở hữu nhiều nô lệ. Bọn hải tặc đầu đảng thích tuyển mộ “tân binh” thành thạo các nghề như thợ mộc, khâu buồm, thợ rèn… và nhất là thầy thuốc.
Tranh minh họa tướng cướp khét tiếng B. Roberts với cây kiếm không rời tay.
Các thành viên mới làm lễ tuyên thệ gia nhập và “sống chết với nghề”, cũng như tự đặt tên mới cho mình với những danh xưng gốc Anh luôn được ưu tiên cho… dễ gọi. Điều này cũng có cái lợi, rằng sau khi hoàn lương, họ vẫn dễ dàng sử dụng lại cái tên “cúng cơm” thuở trước và bình tâm “hòa đồng” vào xã hội.
Với cái án tử hình dành cho B. Roberts tuy tên này đã tử trận trên biển trước khi phiên tòa được mở, cùng đám đồng phạm thuộc hạ đông đảo của hắn đã đánh dấu sự cáo chung của dạng cướp biển “cổ hủ”. Song song đó người Anh cũng xúc tiến các phương cách hữu hiệu tân tiến mới trong việc bài trừ hải tặc.
Theo lệnh từ Bộ Hải quân Hoàng gia, những con tàu tuần duyên tốc độ cao đã được thiết kế và cho hạ thủy, cùng lượng vũ khí hùng hậu trang bị trên boong có từ 80-100 khẩu thần công. Đồng thời lần đầu tiên trong lịch sử, người ta đã áp dụng quy chế “khoán thưởng” cho lực lượng chuyên nhiệm phòng chống cướp biển. Thủy thủ đoàn sẽ được nhận 1/3 tổng trị giá số hàng hóa tịch thu được trên tàu cướp, cũng như khoản tiền thưởng riêng cho mỗi đầu hải tặc bị bắt sống. Một thủy thủ thuộc đội tàu Tuần duyên Đặc nhiệm Hoàng gia được nhận mức lương là 1.200 đồng sterlings vàng mỗi năm. Để so sánh vật giá thời ấy, thì một trang trại rộng 50 mẫu Anh ở ngoại ô London, bao gồm cả nhà ở cùng vườn cây ăn quả trị giá chừng 300 đồng sterling vàng.
Như đã nói ở trên, chốn dung thân ưa thích của những tên cướp biển giàu có sau khi giải nghệ là các vùng đất thuộc quần đảo Antilles hay Caribbean. Tại đấy chúng thiết lập hệ thống làng xã, pháo đài, bến cảng, cũng như xưởng đóng tàu để sửa chữa phương tiện cho giới “đồng nghiệp” đang còn hoạt động, kéo theo các nghề khác phát đạt, nhất là trong lĩnh vực sản xuất rượu và chế biến nông phẩm. Rồi lại thuê tàu buôn treo cờ Tây Ban Nha hoặc Anh chở sản phẩm đi bán khắp nơi. Một thành ngữ cổ đã được tái khẳng định: “Chỉ có chiến tranh, buôn bán hay… hải tặc mới giàu to được”.
Thường cuộc đời của một tên cướp biển rất ngắn ngủi, hiếm kẻ thọ được tới 50 tuổi. Những cuộc giao chiến đẫm máu, những pha trốn chạy gian nan vì bị truy đuổi ráo riết… Rồi thì đói khát, bệnh tật và nhất là lối sống rượu chè trác táng đã nhanh chóng hủy hoại đời chúng.
Nguyên nhân căn bản cho sự suy vong của “nghề” hải tặc trên Đại Tây Dương là sự thay đổi lớn lao ở châu Âu vào giữa thế kỷ XVIII. Những cường quốc biển một thuở như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Nga… không còn giữ phong độ giàu có “cố hữu” mãi nữa, phần lớn bởi các nguồn dự trữ kim loại quý như vàng và bạc tại những miền đất mới chinh phục cũng đã vơi đi nhiều. Xem ra việc chuyên chở giao lưu thương mại thuần túy lại có lời và “chắc ăn” hơn là những chuyến hàng đầy vàng bạc ăn cướp được rồi để bị hải tặc… hỏi thăm.
Trong nửa cuối thế kỷ XVIII và cả thế kỷ XIX kế tiếp, hầu như không có toán cướp “cộm cán” nào xuất hiện trên vùng biển này nữa. Nhưng bước sang thế kỷ XX, đột nhiên cái nghề “mới mà cũ” ấy lại nổi lên tác oai tác quái ở Viễn Đông, Tây Phi… Để tới đầu thế kỷ XXI này cướp biển đang là một vấn nạn đối với các vùng nước kề Ấn Độ Dương, nhất là trong khu vực Vịnh Aden, đòi hỏi các quốc gia hữu quan cần phải cùng nhau hợp lực nhằm tiêu diệt tận gốc nạn hải tặc bạo tàn.