Guardian cho biết vào ngày 29.3, quốc hội Bỉ đã cho đọc lá thư 3 trang xin tha thứ của Hoàng tử Laurent, em trai Vua Philippe, trước khi bắt đầu phiên bỏ phiếu về việc trừng phạt ông. Bất chấp sự cầu xin của hoàng tử, quốc hội vẫn quyết định phạt ông bằng cách cắt giảm 15% trợ cấp, tức giảm 46.000 euro trong khoản 308.000 euro (tương đương 379.700 USD) trợ cấp của hoàng tử.
Hình phạt này là nhằm vào sự xuất hiện không được cho phép, khi ông mặc đồng phục hải quân đến dự một sự kiện kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Hoàng tử Laurent đã phải chịu "phiên xử của đời ông" và không nhận được sự tha thứ từ các nghị sĩ. Ảnh: Getty.
Trong bức thư xin tha thứ, Hoàng tử Laurent, 54 tuổi, nói rằng ông đã sống một cuộc đời phụng sự nhà nước và hoàng gia, những người đã gây khó dễ cho ông trong việc thiết lập sự độc lập về tài chính.
"Tôi thậm chí phải xin phép để được kết hôn, cho đến hôm nay tôi vẫn phải trả giá vì đã chọn cưới người phụ nữ mình yêu, người không có tài sản hay tước vị gì", ông nói trong bức thư.
"Tôi không vô tội, và tôi biết rõ hơn ai hết có nhiều người còn khổ sở hơn tôi. Nhưng tôi không nghĩ có ai khác ở quốc gia này đã sống cả đời bị lợi dụng như tôi, với những dự định bị gia đình và các lãnh đạo chính trị cản trở nhiều như tôi".
Ông cũng lưu ý rằng bản thân ông và gia đình không được hưởng những chính sách xã hội bình thường. Đối với quyết định phạt của quốc hội, Hoàng tử Laurent nói rằng đây là "phiên tòa của đời tôi", một phán quyết bất lợi có thể khiến ông chịu những định kiến nghiêm trọng khó đảo ngược về sau.
Patrick Dewael, một nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ và Tự do Vùng Flanders, nói rằng khoản tiền phạt là việc giảm "quyên góp", không phải hình phạt. Công chúa và hoàng tử Bỉ không được trợ cấp theo luật. "Nếu họ (xin trợ cấp), họ phải tuân thủ luật lệ. Tôi muốn yêu cầu hoàng tử đừng dựa quá nhiều vào sự thương hại bản thân".
Vụ mặc đồng phục hải quân xuất hiện ở Đại sứ quán Trung Quốc tại Brussels trở nên ầm ĩ vì chính hoàng tử đã đăng lên Twitter bức ảnh của mình. Trước đó, ông từng gặp rắc rối khi gặp tổng thống Joseph Kabila của Cộng hòa Dân chủ Congo, người từ chối rời nhiệm sở khi hết nhiệm kỳ.