Dân Việt

Hạnh phúc buồn 20 năm của người đàn ông bên vợ tâm thần

19/11/2011 06:32 GMT+7
(Dân Việt) - Đến tận bây giờ, ánh mắt đau đáu và lời dặn run run của người cha vợ cách đây đã 20 năm, tôi vẫn nhớ khi ông cụ từ Quảng Trị lặn lội ra miền sơn cước này, tận mắt chứng kiến căn bệnh tâm thần hành hạ vợ tôi: "Vợ con là con gái của bố nhưng bệnh nó nặng quá rồi, cứ để thế khổ cho con quá, khổ cả cho nó nữa... Thôi! Không ai oán trách con đâu".

Các con tôi đã lớn, vì miếng cơm manh áo mà phải mưu sinh xa quê, chỉ còn lại tôi trong căn nhà gỗ lợp lá kè cùng hai suất lương hưu ít ỏi chăm lo cho người vợ bệnh tật tội nghiệp mấy chục năm rồi. Không ít người lắc đầu bảo rằng số "ông ấy khổ", nhưng tự đáy lòng mình, tôi luôn cảm nhận được sự thanh thản, hạnh phúc - dù cho hạnh phúc ấy rất buồn.

img
Ông Hoa bên người vợ bệnh tật của mình.

Tôi sinh ra ở Quảng Trị, năm 1954 tập kết ra Bắc làm công nhân ở Nghệ An, rồi chuyển về lái xe ở Thanh Hóa. Duyên phận vợ chồng đến khi người đồng nghiệp già cùng quê giới thiệu cho tôi cô con gái đang làm công nhân nhà máy dệt tận thành Nam.

Tháng 8.1968, trận bom Mỹ ác liệt đã thiêu trụi toàn bộ Nhà máy Dệt Nam Định. May mắn hai con nhỏ đang gửi ở quê nên bình an, còn vợ tôi bị sức ép nặng, năm 1973 thì phát bệnh tâm thần, phải về mất sức. Bệnh của bà ấy nặng dần theo thời gian, tốn bao nhiêu tiền bạc, chạy chữa khắp nơi vẫn không thuyên giảm.

Điệp khúc la hét: "Cháy… máy bay kìa…", "con ni cháy đen tề, thằng tê chết rồi…" đã nghe hàng nghìn lần, vậy mà mỗi khi bà ấy hét lên, lòng tôi đau nhói. Ngày bình thường cứ vài tiếng, bà ấy một lần lên cơn. Còn vào những hôm mưa gió, sấm chớp, bà đập phá lung tung, chạy khắp làng, chui vào trốn trong các lùm cây, cống rãnh...

Có lần, giữa đêm mùa đông giá buốt, bà ấy lên cơn chạy ra ngoài và rơi xuống chiếc giếng mới đào chưa kịp xây thành. Cũng may nước giếng ở vùng đồi chỉ tầm ngang ngực nên kịp để tôi nhảy theo xuống rồi cho bà ấy ngồi trên cổ, cứ vậy đến tận sáng hôm sau mới gọi được người đến cứu.

Không chỉ những song cửa gãy đôi, chiếc mâm cơm méo mó, chiếc ấm nhôm phải gò lại cả trăm lần mà khuôn mặt và cơ thể tôi cho đến nay đã đầy những vết sẹo lồi lõm, đó là dấu tích của những lần bà ấy bất thình lình lên cơn, khi thì ném đồ đạc, chén bát, lúc thì hắt nước sôi... thẳng vào chồng. Khó nhất là chuyện vệ sinh, cứ mỗi lần tắm rửa, cắt tóc, cắt móng chân, móng tay, tôi phải kiên trì nịnh bà ấy hàng tiếng đồng hồ mới chịu ngồi yên...

Dù đã xuôi đến gần cuối chân dốc của cuộc đời vậy mà những cơn động kinh vẫn từng ngày, từng giờ hành hạ người vợ đáng thương của tôi. Tuổi cao sức cạn, mỗi lần phát cơn, bà ấy vật vã đến ngất đi chứ không thể chạy trốn, la hét được nữa.

Nếu ai đó hỏi rằng, tôi mong điều gì nhất, thì là đừng để bà ấy rời xa tôi quá sớm. Nếu chẳng may vắng bà ấy thì tuổi già của tôi sẽ cô quạnh biết chừng nào. Các con vì mưu sinh mà ở rất xa, chỉ còn bà ấy là niềm hạnh phúc... buồn của tôi!

Ông Trương Như Hoa - thôn Đồng Hải, xã Hải Long, huyện Như Thanh, Thanh Hóa.