Bừng lên giá trị văn hóa
Những ngày này về làng du lịch dựa vào cộng đồng xã Ta Bhing (Nam Giang), nhiều du khách ngỡ ngàng với các sản phẩm bản sắc văn hóa của người Cơ Tu giữa đại ngàn Trường Sơn. Vừa đặt chân đến cổng làng du lịch, mọi người đều được các thiếu nữ Cơ Tu với trang phục truyền thống đứng hai hàng trân trọng chào đón. Cái này, người Cơ Tu gọi là sự hiếu của bản làng.
Du khách thích thú thử dệt thổ cẩm của người Cơ Tu. Ảnh: T.H
Khi du khách vừa đến làng, sẽ được các thiếu nữ Cơ Tu ra tận đầu cổng chào đón niềm nở. Ảnh: T.H
Các thiếu nữ Cơ tu tặng quà lưu niệm cho các du khách khi tham quan làng Du lịch dựa vào cộng đồng Ta Bhing. Ảnh: T.H
“Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng cũng là một cơ hội để người dân nhìn lại và hiểu sâu sắc về những giá trị đặc sắc truyền thống của chính cộng đồng, địa phương nơi mình sinh sống. Người dân địa phương sẽ truyền tải đến du khách những giá trị này bằng tình yêu và sự tôn trọng”. Ông Kobayashi Ryutaro |
Ông Briu Thương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu (xã Ta Bhing) cho biết: “Chúng tôi cảm ơn Tổ chức FIDR đã giúp người dân trong bản rất nhiều. Nhất là họ giúp người Cơ Tu bảo tồn được giá trị, vật thể mà chính người Cơ Tu sản xuất ra. Du khách đến với làng du lịch sẽ nhận thấy tấm lòng hiếu khách, sự thân thiện và giá trị độc đáo của văn hóa người Cơ Tu. Mỗi thôn làm ra một mô hình du lịch riêng biệt để phục vụ du khách một cách tốt nhất, không tranh giành hay níu kéo khách. Nhờ đó hiện nay HTX có đến hơn 300 hội viên tham gia, tất cả đều là người Cơ Tu”.
Theo Briu Thương, hiện mỗi năm HTX này thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Số tiền này đều được chia cho tất cả các hội viên, còn một phần giữ lại để bảo tồn, tu bổ vật dụng phục vụ du khách.
“Chúng tôi làm du lịch tất cả vì bà con trong làng. Nếu hôm nay có tour du lịch đăng ký đến với làng, HTX sẽ họp tất cả các hội viên lại, sau đó phân công thôn này tổ chức món ăn, thôn nọ tổ chức đưa đoàn thăm quan, thôn kia tổ chức các điểm vui chơi, giải trí, múa để phục vụ du khách. Cứ thế mà quay vòng, nếu đoàn sau đến sẽ chuyển đổi cách phục vụ lại cho các thôn. Điều này làm du khách không nhàm chán khi đến với làng Du lịch cộng đồng Ta Bhing” - ông Thương chia sẻ cách làm du lịch cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Phi - Phó Trưởng phòng VHTT huyện Nam Giang cho biết: “Dự án tổ chức tại địa phương đã rất thành công, thể hiện rõ nhất chính là bảo tồn tốt các giá trị văn hóa địa phương, nhất là bản sắc người Cơ Tu và những sinh hoạt mang tính chất cộng đồng. Chính bà con đã vẽ lại một bức tranh mới cho đại ngàn Trường Sơn. Ngoài ra, lợi ích từ du lịch cộng đồng đã mang lại cho những người tham gia vào hoạt động đón khách bằng cách thành lập quỹ của cộng đồng”.
Cũng theo ông Phi, để giúp dự án vận hành tốt, huyện đã tổ chức kêu gọi sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực tham gia như ngành văn hóa, thông tin, giao thông, thương mại, y tế… với vai trò và trách nhiệm rõ ràng nhằm hỗ trợ trong việc đón khách đến với làng.
Bên cạnh đó, dự án còn giúp người dân biên soạn quy định cụ thể đối với du khách và các bên liên quan nên làm gì và không nên làm gì khi tham gia tour du lịch đến làng du lịch cộng đồng Ta Bhing. Đây cũng là dự án nhằm hướng đến mục đích tạo thu nhập cho người dân gắn với bảo tồn, phát huy các nguồn lực địa phương cũng như văn hóa truyền thống dân tộc của huyện Nam Giang.
Truyền thêm “hơi thở” cho núi rừng
Già Zuông Noonh (70 tuổi, thôn Pa Rông, xã Ta Bhing) phấn khởi chia sẻ với du khách tham quan đến với làng. Ảnh: T.H
Điệu múa tung tung za zá của người Cơ Tu phục vụ du khách tham quan. Ảnh: T.H
"Già Zuông Noonh (70 tuổi, thôn Pa Rông, xã Ta Bhing) phấn khởi: “Nhờ có tổ chức FIDR mà cuộc sống người dân trong làng tốt hơn, có cái ăn, cái mặt và của để dành. Nhất là những sản phẩm, hàng hóa của bà con trong làng sản xuất ra bán rất nhanh. Không chỉ bán cho du khách mà còn bán ra tận Đà Nẵng, Hà Nội…Điều quan trọng là người Cơ Tu đã lưu giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình”. |
Theo FIDR, “Dự án Phát triển cộng đồng huyện Nam Giang”bắt đầu thực hiện từ năm 2001. Trái ngược với sự phát triển của khu vực đô thị, người dân ở nơi nàyvẫn còn thiếu lương thực triền miên và có nguy cơ đánh mất dần bản sắc văn hóa cũng như niềm tự hào về dân tộc mình. Với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, dự án đã triển khai các hoạt động thiết thực xuất phát từ nhu cầu của bà con, như phát triển nông nghiệp, hỗ trợ chăn nuôi, mở các lớp học xóa mù chữ. Những hoạt động này hoàn toàn mới lạ và đầy thử thách với bà con.
Năm 2007, khi dự án phát triển cộng đồng kết thúc, bà con đã trực tiếp yêu cầu FIDR tiếp tục hỗ trợ giúp bà con khôi phục “Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Cơ Tu”. Đây có thể được coi là thử thách mới của bà con với mong muốn khôi phục và bảo tồn ngành nghề truyền thống đang có nguy cơ bị mai một. Đó là khởi đầu cho dự án mới “Dự án Hỗ trợ phát triển dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu - Nam Giang” được triển khai vào năm 2008.
Với kết quả đó, từ năm 2016, FIDR tiếp tục triển khai Dự án “Hỗ trợ Phát triển tiềm lực nông thôn dựa trên sự chủ động của cộng đồng bà con dân tộc thiểu số ở huyện Nam Giang” được triển khai trong khuôn khổ Chương trình đối tác phát triển của JICA với mục tiêu xây dựng lực lượng nòng cốt và thiết lập được mô hình xúc tiến phát triển nông thôn toàn diện tại Nam Giang, với số tiền khoảng 58,616,000 yên (tương đương 11,5 tỷ đồng)…
Ông Kobayashi Ryutaro - Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết: “Phát triển du lịch đóng vai trò rất quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế, nhất là du lịch cộng đồng. Phương thức phát triển du lịch cộng đồng cho phép phát huy tối đa các tiềm năng và thế mạnh văn hóa bản địa, lịch sử, tập quán sinh hoạt của địa phương. Đồng thời, góp phần cải thiện thu nhập, ổn định đời sống của người dân. Từ đó đảm bảo sự phát triển chủ động và tính bền vững của ngành du lịch địa phương”.