Dân Việt

Cấm chăn nuôi kháng sinh: Nông dân thay đổi ra sao khỏi "việt vị"?

Thuận Hải 03/04/2018 18:11 GMT+7
Theo lộ trình, từ năm 2018, Việt Nam sẽ cấm sử dụng thức ăn chăn nuôi có pha trộn kháng sinh cho mục đích sinh trưởng mà chỉ cho phép sử dụng trong phòng và chữa bệnh. Người chăn nuôi các tỉnh Đông Nam Bộ đang tích cực thay đàn giống, đổi mới chế độ dinh dưỡng,… để tăng hiệu suất chăn nuôi và giảm sử dụng kháng sinh.

Loại bỏ kháng sinh trong chăn nuôi

Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho hay, kháng sinh được dùng trong chăn nuôi với mục đích chủ yếu là kích thích sinh trưởng. Vấn đề này gióng lên hồi chuông cảnh báo các vấn đề về an toàn thực phẩm trong chăn nuôi và đã được Chính phủ chỉ đạo phải loại bỏ trong năm 2017.

img

img

Nếu con giống tốt, heo tăng trưởng tốt, ít bệnh, đạt hiệu suất chăn nuôi cao.  Ảnh: T.H

Theo PGS.TS Lã Văn Kính, không quá khó để xây dựng các mô hình chăn nuôi “không kháng sinh cấm”. Trước hết, người chăn nuôi cần áp dụng biện pháp an toàn sinh học. Ngoài ra, việc thường xuyên vệ sinh sát trùng trang trại, các phương tiện vận chuyển và vật dụng chăn nuôi cũng rất quan trọng, giúp hạn chế mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào khu vực chăn nuôi.

Thay vào đó, Việt Nam sẽ dần tiến tới có các sản phẩm chăn nuôi tốt hơn, an toàn hơn. Việc dùng kháng sinh để phòng bệnh cũng chỉ cho phép sử dụng cho gia súc non như lợn (heo) dưới 25kg và gia cầm dưới 21 ngày. Theo lộ trình, việc này cũng sẽ dừng hẳn vào năm 2020.

Tuy nhiên, ông Dương cho rằng, việc cấm sử dụng kháng sinh đặt ra vấn đề phải có các giải pháp thay thế cho người chăn nuôi trong bối cảnh dịch bệnh đe dọa, năng suất chăn nuôi cần được cải thiện để có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập ngoại…

Bà Nguyễn Thị Tình hiện đang sở hữu đàn lợn nái đẻ khoảng 50 con ở huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ, từ hai năm nay, sau nghe tin cơ quan chức năng sẽ hạn chế dần việc cho phép sử dụng kháng sinh và đặc biệt là các chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi, bà đã phải thay mới đàn nái, chỉnh trang lại hệ thống chuồng trại.

“Như trước đây, tôi nuôi lợn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp thì nay phải cho lợn ăn kèm thức ăn tự trộn, dùng thêm các biện pháp dân gian như tỏi, gừng… để trị bệnh cho lợn” -  bà Tình nói.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho biết bên cạnh các yếu tố về phòng trừ mầm bệnh, việc chọn giống và chế độ dinh dưỡng của vật nuôi cũng quyết định phần lớn đến năng suất, hiệu quả chăn nuôi.

“Các chế phẩm sinh học hay việc sử dụng men vi sinh cũng bắt đầu phổ biến trong chăn nuôi ở Đồng Nai thời gian gần đây. Đây là giải pháp thay thế hiệu quả cho kháng sinh cấm, vừa an toàn cho vật nuôi vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm” - ông Đoán nhận định.

Thay đổi từ công thức TACN

TS Dương Duy Đồng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM - cho rằng, để ngành chăn nuôi ngày càng phát triển, cần hạn chế và dần tiến đến cấm sử dụng hoàn toàn kháng sinh kích thích tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi (TACN).

Đồng thời, để sản phẩm chăn nuôi đạt được các tiêu chuẩn để xuất khẩu thì phải hạn chế sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc động vật trong thức ăn chăn nuôi, từ đó tạo ra môi trường chăn nuôi an toàn dịch bệnh trong điều kiện không sử dụng kháng sinh.

Theo TS Đồng, trước hết hộ chăn nuôi cần điều cần xem xét đến các thành phần nguyên liệu và chất bổ sung sử dụng trong công thức sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, người chăn nuôi có thể giảm nguy cơ từ các vi khuẩn có hại bằng cách điều chỉnh hợp lý mức đạm thô, acid amin thiết yếu…

Ngoài ra, người dân cũng có thể tăng sử dụng các nhóm chế phẩm sinh học có tác động duy trì sức khỏe và gián tiếp hỗ trợ tăng năng suất vật nuôi như Probiotics, vi khuẩn hoặc nấm men sống, chiết xuất thực vật, acid hữu cơ, prebiotics. Các chế phẩm sinh học này đã được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả trong việc thay thế kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi tại EU.

Ông Eric Fabry - Giám đốc Phát triển của Wisium Việt Nam (doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực premix, dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi) – cho biết, để thay thế việc sử dụng kháng sinh kích thích tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp của ông mới đây đã giới thiệu giải pháp B-safe.

Đây là sự kết hợp giữa khoáng sét và đồng sunfate, với hàm lượng đồng thấp. Đồng chủ yếu được định vị trên bề mặt khoáng sét nên có tính phân tán cao. Từ đó, giúp kiểm soát các khuẩn gây bệnh, hỗ trợ các khuẩn cộng sinh, đảm bảo sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột, cải thiện hiệu quả tăng trưởng cho vật nuôi…