Dân Việt

Dưa hấu, chuối tăng giá do Trung Quốc thu mua: Sẽ lại ăn quả...đắng

Danh Hùng 04/04/2018 13:35 GMT+7
Việc nông sản Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc không còn mới mẻ gì, thậm chí biết rất rõ “thói đỏng đảnh” của thị trường này nhưng bà con nông dân vẫn phải bán hàng cho thương lái Trung Quốc. Cứ mỗi mùa thu hoạch nông sản, thực trạng “đau lòng” này lại tái diễn và chưa biết khi nào mới chấm dứt.

Bán hàng cầm đằng lưỡi

Đầu năm 2018, giá dưa hấu tăng vọt đến 12.000đ/kg, sau đó hạ dần nhưng vẫn còn ở mức cao. Hiện dưa hấu loại 1 đang được thương lái thu mua tại ruộng với giá 8.000đ/kg, cái giá “trong mơ” của người trồng dưa.

Anh Nguyễn Văn Thương (ngụ xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, Bình Định) cùng gia đình tất bật thu hoạch 10 sào (500 m2/sào) dưa hấu bán cho thương lái. Theo anh Thương, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi nên năng suất ruộng dưa nhà anh đạt khá, khoảng 2 tấn/sào. Với giá thương lái đang thu mua tại ruộng 8.000 đ/kg (loại 1), gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi trừ chi phí, ruộng dưa nhà anh thu lãi khoảng 10 triệu đồng/sào.

img

Dưa hấu đang có giá rất cao, nhưng chỉ khi nào bán sạch ruộng dưa, cầm tiền trong tay thì nông dân mới hết lo. Ảnh: IT

Không riêng gì anh Thương, năm nay, hàng ngàn hộ trồng dưa hấu ở Bình Định cũng trúng đậm nhờ được mùa, giá cao. Nhiều thương lái cho biết giá dưa hấu năm nay tăng cao là do thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh, thu mua đến 12.000 đồng/kg, nên người trồng dưa Bình Định nói riêng và miền Trung nói chung trúng đậm.

Hiện tại hơn 850ha dưa hấu ở Quảng Ngãi đang bước vào vụ thu hoạch, giá dưa hấu ở địa phương hiện cao gấp đôi năm ngoái do thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh.

Ông Nguyễn Văn Mênh ở Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) cho biết: “Giá dưa tròn hiện ổn định ở mức 4.000 – 5.000đ/kg, còn dưa Hắc mỹ nhân có giá 7.000 – 8.000đ/kg, với mức giá này chúng tôi rất phấn khởi. Nếu giá ổn định 5.000đ/kg, 1 sào được 1,5 tấn thì nông dân thu về 6-7 triệu/sào, trừ chi phí lời một nửa. Bán cho thương lái Trung Quốc như đánh bạc, một là lời gấp đôi, hai là lỗ, cũng đành chấp nhận chứ biết sao giờ”.

Bà Lê Thị Ánh cũng ở Tịnh Hiệp cho hay: “Năm nay tôi trồng 6 sào, giá cao hơn năm ngoái rất nhiều, bán với giá 5.000đ/kg cũng kiếm được 20-30 triệu. Nhưng trồng dưa lo lắng lắm, vừa trồng vừa lo. Khi nào bán cầm được tiền trong tay mới hết lo”.

Không chỉ dưa hấu, hàng loạt nông sản khác ở chúng ta cũng đang dựa hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc.

img

Chuối cũng là mặt hàng nông sản đang rất được giá. Ảnh: IT

Còn nhớ trung tuần tháng 3, nông dân ở đất chuối Trảng Bom (Đồng Nai) vô cùng khấn khởi khi các thương lái và công ty đóng hàng xuất khẩu qua Trung Quốc liên tục về vườn thu chuối. Thương lái giành nhau mua nên họ thường đặt tiền trước, mua cả vườn khi trái còn chưa đến ngày thu hoạch.

Khoảng nửa đầu tháng 3/2018, giá chuối già hương tại vườn đang ở mức 17.000-18.000đ/kg. Đây là mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại, đặc biệt cao gấp chục lần so với giá 1.000-2.000đ/kg vụ chuối năm 2017.  

Anh Nguyễn Văn Ngọ ở Trảng Bom cho biết, mỗi ha chuối anh trồng 2.300 gốc và với giá bán hiện nay, gia đình anh có thể thu về trên 700 triệu đồng. Năm tháng trước, lo sợ mất giá nên anh đã bán cả vườn để cầm chắc 200 triệu đồng.

img

Thương lái Trung Quốc vào tận vườn thu mua mít, có người còn bán cả vườn để tránh tình trạng giá biến động. Ảnh: IT

Ngoài chuối già hương, thương lái Trung Quốc còn lùng sục vào tận vườn thu mua mít Thái với giá cao. Một chủ vườn tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cũng tiết lộ, vụ mít Thái năm nay sẽ siêu lãi vì thương lái Trung Quốc thu mua ồ ạt.

“Chưa có đầu năm nào thuận lợi như năm nay. Thương lái liên tục đi gom hàng tận nhà và trả với giá cao nhưng không còn hàng để bán. Có ngày có 3-4 người hỏi nhưng vì bán hết cho người hỏi mua đầu tiên nên không còn hàng để bán”, chủ vườn này nói.

img

Nhiều nông dân chặt cả thanh long trắng để trồng thanh long đỏ - loại mà thị trường Trung Quốc năm nay "ăn hàng" mạnh, giá cao. Ảnh: IT

Thanh long cũng không nằm ngoài vòng xoáy cơn lốc tăng giá, bà Nguyễn Thị Yến Linh, một thương lái thu mua thanh long ở tỉnh Bình Thuận cho hay, từ Tết đến nay giá luôn ổn định ở mức 19.000-22.000đ/kg do nguồn thu mua từ Trung Quốc tăng mạnh.

Không chỉ riêng thanh long ở Bình Thuận được giá mà thanh long tại Tiền Giang năm nay cũng có giá khá cao do thương lái Trung Quốc đang đẩy mạnh thu mua.

Chị Hạnh, có 4 sào thanh long ruột đỏ được thương lái thu mua với giá 40.000 đồng mỗi kg tại vườn. “Nếu năm trước mặt hàng này rớt giá thì nay thương lái Trung Quốc mua nhiều nên tăng cao. Nhờ vậy tôi cũng lãi được 60 triệu đồng”, chị Hạnh nói.

Giá cao nên xảy ra tình trạng nhà vườn chặt thanh long trắng để trồng thanh long đỏ. Dấy lên lo ngại thanh long sẽ rớt giá trong thời gian tới.

Các cơ quan quản lý nói gì?

Trả giá cao để tạo niềm tin rồi sau đó lại ép bán giá thấp, “đánh bài chuồn” hay mượn danh người Việt để đứng sau đầu tư quản lý… là những chiêu thức mà nhiều năm qua thương lái Trung Quốc áp dụng để thao túng thị trường nông sản Việt.

Ngay kể cả các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này cũng khá lúng túng, họ cũng chỉ biết lên tiếng cảnh báo, khuyến cáo người nông dân không nên hám lợi trước mắt. Về phía người dân, họ cho rằng dù biết bấp bênh nhưng vẫn phải bán cho Trung Quốc. Bởi, chỉ có Trung Quốc mới thu mua được lượng lớn, còn thị trường trong nước không thể tiêu thụ hết.

Bởi vậy, nông dân không đáng trách khi muốn nông sản mình làm ra bán được giá cao, trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về cơ quan chức năng khi không đảm bảo được đầu ra cho nông sản, để người dân tự vật lộn. Nhờ đó, thương lái Trung Quốc mới dễ dàng thao túng, ép giá nông sản...

Ông Trần Phước Hiền, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi cho biết: “Giữa tháng 4, Bộ Công Thương sẽ mời đối tác Trung Quốc sang cụ thể hóa hợp đồng nguyên tắc thành hợp đồng thương mại”.

Còn ông Trần Ngọc Thương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi thì nhấn mạnh: “Nếu đầu ra ổn định, tỉnh sẽ quy hoạch, phát triển vùng trọng điểm, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng yêu cầu thị trường Trung Quốc”.

Từ 1.4, một số thị trường Trung Quốc đã yêu cầu trái cây Việt Nam khi xuất sang các thị trường này phải có quy định về nhãn mác, xuất xứ. Yêu cầu này cũng chính là “cảnh báo” mới về việc phải thay đổi quan điểm “Trung Quốc là thị trường dễ tính”, và quan trọng hơn, khi đáp ứng được đầy đủ các quy định về nguồn gốc, xuất xứ và vệ sinh an toàn thực phẩm, thì trái cây Việt hoàn toàn yên tâm khi xuất sang bất cứ thị trường nào của thế giới, chứ không riêng gì Trung Quốc./.