Tàu khu trục USS Mustin của Mỹ tuần tra Biển Đông hôm 23/3. Ảnh: US Navy.
"Cách tốt nhất để thảo luận về Chiến lược mới của Mỹ là tập trung vào hai phần: Tự do và mở", ông Alex Wong, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, nêu trong cuộc họp với các phóng viên ngày 2/3 tại Washington về chiến lược của chính quyền Tổng thống Donald Trump ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.
Chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do" được chính quyền Trump đề cập nhiều trong thời gian gần đây. Theo ông Wong, ý nghĩa của Tự do trong chiến lược trước hết là phạm vi quốc tế. Mỹ muốn các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể tự theo đuổi con đường mình chọn mà không bị ép buộc. Ở phương diện quốc gia, Mỹ mong các xã hội ở khu vực này dần dần trở nên tự do, quản trị tốt, đảm bảo các quyền cơ bản của người dân, minh bạch và chống tham nhũng.
Với thành phần Mở trong chính sách mới, Mỹ muốn nói đến đường biển và đường không mở. Giao thông trên biển thực sự là huyết mạch của khu vực, với 50% lượng giao thương quốc tế đi qua Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là qua Biển Đông.
"Đường biển và đường không mở ở khu vực đang dần trở thành yếu tố quan trọng và thiết yếu với thế giới", ông Wong nói.
Chính sách mới còn có ý nghĩa mở về mặt hậu cần - cơ sở hạ tầng. Washington muốn hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, giúp gia tăng hội nhập khu vực, tăng trưởng kinh tế. Mỹ cũng muốn hỗ trợ môi trường mở cho đầu tư và ủng hộ thương mại công bằng, tương hỗ.
Lý giải việc sử dụng cụm từ "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" thay cho cụm "châu Á - Thái Bình Dương" hoặc "châu Á" mà các chính quyền trước từng sử dụng, ông Wong nói thực tế lịch sử và đương thời cho thấy Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ, đóng vai trò quan trọng ở Thái Bình Dương, Đông Á và Đông Nam Á. Bên cạnh đó, việc Ấn Độ gia tăng vai trò ở khu vực mang lại lợi ích cho Mỹ và cả khu vực này.
"Ấn Độ là quốc gia quan tâm đến trật tự tự do và mở, có thể là mỏ neo cho trật tự này ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chính sách của Mỹ là bảo đảm New Delhi thực hiện vai trò đó, dần trở thành một bên có ảnh hưởng lớn hơn ở khu vực", ông Wong nói.
Trước câu hỏi về việc Mỹ cổ vũ cho tự do thương mại nhưng lại áp thuế nhập khẩu và rút khỏi TPP, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho hay chính sách mà chính quyền Tổng thống Trump đang thực hiện là thúc đẩy các quy tắc của tự do thương mại, đảm bảo các nước tuân thủ quy tắc đã cam kết.
"Các quốc gia cần đảm bảo việc không lạm dụng quy tắc, không ép buộc chuyển giao công nghệ, không đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ", ông nói. "Nếu các nước không tôn trọng các quy tắc, điều đó sẽ gây tổn hại không chỉ cho Mỹ mà còn đe dọa sự thịnh vượng của khu vực và thế giới".
Ông Wong cho biết thêm trao đổi thương mại hai chiều giữa Mỹ và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hàng năm ở mức 1,4 nghìn tỷ USD.
Đối với TPP, ông Wong cho hay Washington cần bảo đảm có những lợi ích kinh tế, rằng người lao động và doanh nghiệp Mỹ được hưởng lợi từ thỏa thuận. Nếu không có những điều này, các nước có mối quan hệ chiến lược với Mỹ sẽ xảy ra tranh cãi, do đó Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định. Tổng thống Trump theo đuổi các thỏa thuận thương mại song phương với các đối tác để đảm bảo thương mại tự do, công bằng và có đi có lại.
Đề cao vai trò của ASEAN
Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho rằng các nước trong khu vực như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật, Australia... đang có một số chiến lược đan chéo nhau, nhưng đều đang cố gắng tăng cường quan hệ chính trị, kinh tế và an ninh, đặc biệt với ASEAN.
"Đó là lợi ích của chúng tôi. Những mối quan hệ đan chéo này khi tạo nên một kết cấu vững chắc cam kết với trật tự tự do và mở sẽ giúp tăng cường thịnh vượng, ổn định của khu vực. Đó là điều Mỹ ủng hộ", ông Wong nhấn mạnh.
Trước câu hỏi chiến lược mới của Mỹ có phải đối phó với Trung Quốc hay không, ông Wong cho rằng nếu Mỹ cùng các đối tác, trong đó có cả Trung Quốc, có chung lợi ích khi cùng nhau thống nhất về tầm nhìn tự do và mở, ủng hộ thị trường mở, ủng hộ chủ quyền và bảo đảm các quốc gia không bị ép buộc.