Chia sẻ hành trình chống lại căn bệnh ung thư của cậu con trai 4 tuổi, chị Nghiêm Hồng Nhung khiến cộng đồng mạng xúc động. 2 năm qua, kể từ khi phát hiện con trai mang tế bào ung thư trong người, chị và gia đình chưa một phút ngừng nỗ lực, giành giật sự sống cho con. Chị gọi đây là cuộc phiêu lưu lớn nhất cuộc đời. |
Bão - chiến binh dũng cảm trong cuộc chiến chống lại ung thư
Quang Minh (4 tuổi, Ninh Bình) sinh ra trong một ngày mưa gió, bão bùng nên gia đình gọi em là Bão. Từ nhỏ Bão đã khác người, ăn ngoan, ngủ tốt, thích chữ, hơn 1 tuổi đã biết hát bài ABC, 1 tuổi rưỡi đã có thể viết cả bảng chữ cái tiếng Anh và tiếng Việt… Bão cho gia đình hy vọng, em sẽ trở thành một kiến trúc sư giỏi, một bác sĩ tài ba hoặc chí ít là một người dám mơ lớn.
Chẳng thể ngờ, cuộc đời Bão lại giông tố như chính cái tên em được gọi. Vào một ngày tháng 4 năm 2016, vừa tròn 2 tuổi rưỡi, gia đình nhận tin sét đánh: cơ thể em có tế bào ung thư. Căn bệnh quái ác tưởng chừng như chỉ có ở ngoài đường hay trên ti vi kia lại đang sục sạo trong chính cơ thể em, khiến tổ ấm bé nhỏ của em đảo lộn.
“Xét nghiệm tủy xong, mất 1 tuần để có kết quả. Đó là thời gian kinh khủng nhất, bàng hoàng và đau đớn nhất. Nhưng khi biết chắc đó là ung thư rồi thì lại thấy thật bình thường. Tôi hiểu, muốn vượt qua bất cứ điều gì trong cuộc đời, chẳng có cách nào khác ngoài đối mặt”, Nghiêm Thị Nhung - mẹ của Bão tâm sự.
Kể từ đó, Bão và bố mẹ bước vào cuộc phiêu lưu lớn nhất cuộc đời.
Cho đến giờ, Bão vẫn không biết tên căn bệnh mình đang mang trong người
Bão - "Vitamin Hạnh phúc"
Chị Nhung gói gọn tiểu sử chữa bệnh của con mình chỉ trong vài dòng:
“Con là Dương Quang Minh, sinh ngày 12/11/2013. Tháng 4/2016, con phát hiện bị ung thư, điều trị tại Việt Nam hơn 1 năm và lui bệnh. Tháng 7/2017, con tái phát, phải sang Thái Lan điều trị hóa chất và lui bệnh hoàn toàn, chuẩn bị ghép tủy. Tháng 3/2018, sức khỏe của con yếu hơn, không thể nhận thêm hóa chất. Bác sĩ tư vấn về phác đồ mới. Con được chuyển sang Trung Quốc sử dụng phác đồ này và sau đó sẽ ghép tủy. Tổng chi phí là 5 tỷ đồng”.
Nhưng những gì Bão và gia đình phải trải qua thì đâu có ngắn gọn và đơn giản như thế. 2 năm qua, Bão ở trong vòng tay cha mẹ, đã lên biết bao chuyến bay đêm, từ Bắc vào Nam, từ nơi 30 độ đến nơi 0 độ. Hành trang của cậu bé là thuốc hạ sốt và giảm đau. Riêng mẹ Bão, gọi những chuyến bay đó là cuộc đua với thời gian và tử thần.
Hơn 1 năm đầu điều trị tại viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Bão trải qua bao đau đớn. Sinh ra khỏe mạnh, thông minh nhưng vì căn bệnh quái ác, vì những lần tiêm truyền hóa chất mà Bão tiều tụy đi từng ngày. Tóc em rụng dần, cơ thể phải đối mặt với hàng loạt phản ứng phụ của thuốc.
Suốt 2 năm Bão sống với ung thư và hóa chất
Cũng như bao đứa trẻ khác, vui thì cười mà đói thì đòi ăn, Bão cũng biết kêu đau. Nhưng kèm theo mỗi tiếng kêu đó luôn là lời xin lỗi mẹ. Một đứa trẻ gần 3 tuổi hiểu được mình đang làm phiền người khác và biết nói xin lỗi… theo chị Nhung, đó là sự tinh tế trời ban cho con mình.
Những lúc khỏe mạnh hiếm hoi, Bão rất hoạt bát. Em vui vẻ khám phá những thứ mới mẻ xung quanh giường bệnh, vui vẻ kết bạn với những đứa trẻ đầu trọc lốc giống mình. Bão đón sinh nhật tuổi lên 3 trong viện, trong không gian ngập tràn sắc màu, bóng bay… Gương mặt em hạnh phúc thấy rõ.
Sau 1 năm điều trị, bệnh tình của Bão tạm thời ổn định. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, các tế bào ung thư lại quay về tấn công cơ thể em, ráo riết hơn. “Nó đã xâm lấn gần như 90% cơ thể”, chị Nhung nói.
Bão được bố mẹ đưa sang Thái Lan chữa trị. Trước ngày bay 1 ngày, Bão ngủ một giấc từ sáng tới tối khuya, không ngừng sốt. Em lại phải vào viện trong tình trạng thở gấp. 22 giờ 30 phút ngày hôm đó, em tỉnh lại như một phép màu.
Bão lại cùng bố mẹ đi tìm nguồn sống và lần này ở một nơi xa hơn. Lần đầu đến viện Chulalongkorn (Thái Lan), Bão hét toáng lên đòi về nhà nhưng chỉ sau vài lời dỗ dành của mẹ, em đã hiểu mình cần ở lại. Khi ấy, bệnh tình của Bão đã quá nghiêm trọng, đến mức bác sĩ trả về.
Em may mắn được bệnh viện Bumrungrad tiếp nhận và chỉ sau 2 tuần em đã có thể ngồi chơi trò xếp chữ mình yêu thích. Bão khiến chính bác sĩ cũng phải ngạc nhiên về sự kiên cường của mình. 4 tuổi, nặng 10kg và 2 năm sống chung với bệnh viện, hóa chất, Bão vẫn giữ được ánh mắt sáng và nụ cười hồn nhiên, có thể bật cười lớn chỉ vì xếp được chữ mình thích.
Mỗi ngày Bão còn cùng mẹ học ngoại ngữ và đến giờ đã có thể hát được tiếng Thái, tiếng Pháp và tiếng Anh. Mọi người gọi Bão là “Vitamin Hạnh phúc”.
“Nắm tay con đến bất cứ nơi đâu để giành về sự sống”
Bão trong mắt bố mẹ là cậu bé kiên cường
2 năm qua đối với Bão tàn khốc thế nào thì với bố mẹ em cũng thế. Chị Nhung (mẹ Bão) thậm chí có lúc còn tranh thủ chạy ra đường hít hà khói bụi, xăng xe để biết mình không bị lạc khỏi dòng chảy cuộc sống bình thường. Có những ngày, chị chỉ ước được trở về cuộc sống từng chán ngấy khi xưa: sáng chở con đi học rồi tất bật đi làm, tối về lại cắm cúi nấu cơm, rửa bát… Mệt nhưng đó lại là cuộc sống đời thường đáng quý.
Những ngày đầu chăm con trong viện, chị phải đối mặt với quá nhiều cảm xúc tiêu cực. Đó là những lúc nghẹt thở khi nghe bác sĩ nói tình hình bệnh tật của con, khi sự sợ hãi khi thấy tóc con rụng dần, là nỗi xót xa khi nhìn con đau đớn… Chị chỉ mong phần đau đớn ấy chuyển qua cơ thể mình.
Thế nhưng tình yêu thương con không cho phép chị từ bỏ. Gia đình chị chia thành ba mặt trận lớn: Bão chiến đấu với bệnh tật, chị kề cạnh bên con, còn chồng chị là hậu phương lo kinh tế. Mỗi người đều cố gắng làm tốt phần việc của mình để giành giật sự sống về cho Bão.
Đối với chị Nhung, đáng nhớ nhất có lẽ là những ngày đầu cùng con sang Thái Lan chữa trị. Ở nơi đất khách lại chỉ có hai mẹ con, chị phải xoay sở mọi thứ. Chị gặp được những người bạn dù trước đó chưa hề quen biết nhưng thấy hoàn cảnh của hai mẹ con vẫn đem cho cái nồi cơm điện, một ít gạo, một con dao, từng cái bánh, từng bát bún… Chị gặp được một vị bác sĩ có tâm, tiết kiệm cho Bão từng mũi kim, viên thuốc…
Và động lực lớn nhất của chị là mỗi sáng nhìn con thức dậy. Bão vẫn ở cạnh chị, vì chị, vì gia đình mà chiến đấu.
Giờ đây, khi đang cùng con ở Trung Quốc, chị vẫn tâm niệm phải thực hiện bằng được lời hứa với con ngay từ ngày đầu bước vào cuộc chiến. Dù khánh kiệt kinh tế, dù cạn kiệt sức lực chị vẫn quyết không dừng lại. “Mẹ không thể cứ vậy mà mang con về trong vô vọng”, chị nhủ với chính mình.
Từ một cậu bé cụt chân và bị thú hoang ăn mất một phần bộ phận sinh dục, giờ Thiện Nhân đã có một cuộc sống êm...