Nói cho mình và cho nhiều người khác
Ông Võ Quan Huy - Nông dân Việt Nam xuất sắc tỉnh Vĩnh Long nhiều năm nay nổi lên như là lão nông năng động, sẵn sàng thích ứng với hội nhập. Ông Võ Quan Huy đang sản xuất, kinh doanh nhiều mặt hàng nông sản với diện tích lên tới hơn 1.000ha, bao gồm trồng chuối, chanh không hạt, chăn nuôi bò thịt. Các mô hình chăn nuôi, trồng trọt của ông Võ Quan Huy đều đang áp dụng công nghệ cao.
“Mấy năm nay, tôi vinh dự được tham gia nhiều sự kiện, hoạt động tôn vinh nông dân có sự hiện diện phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nhưng khi được mời tham dự hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân tôi vẫn rất phấn khởi và mong chờ. Tôi có nhiều điều muốn trình bày tại hội nghị. Đó là những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của gia đình tôi…” - ông Huy bày tỏ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Phước. (Ảnh: H.N)
Khi được mời tham dự hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân tôi rất phấn khởi và mong chờ. Tôi có nhiều điều muốn trình bày tại hội nghị. Đó là những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của gia đình tôi như cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai cho sản xuất lớn; cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất hàng hóa lớn tiếp thị, quảng bá sản phẩm ra thị trường nước ngoài…”. Ông Võ Quan Huy |
Ông Võ Quan Huy cho biết thêm, những cơ hội, thách thức của gia đình ông trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp thì nhiều hộ nông dân khác cũng đang gặp phải.
“Đó là cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai cho sản xuất lớn; cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất hàng hóa lớn tiếp thị, quảng bá sản phẩm ra thị trường nước ngoài… Những điều này tôi sẽ trình bày trực tiếp với Thủ tướng tại hội nghị sắp tới…” - ông Huy nói.
Ông Hoàng Bá Êm - một trong những nông dân giỏi của TP.Hải Phòng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn cũng cho biết, mặc dù công việc rất bận rộn bởi đang mùa cao điểm nuôi thả, chăm sóc cá tôm, nhưng ông quyết tâm đến hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân.
“Tôi muốn trình bày với Thủ tướng Chính phủ nguyện vọng của những nông dân nuôi trồng thủy sản. Đó là cần có chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất con giống chất lượng cao, giao đất với diện tích đủ lớn, thời gian đủ dài để nông dân yên tâm đầu tư áp dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh lâu dài…” - ông Hoàng Bá Êm chia sẻ.
Khi được mời tham dự hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, anh Phạm Văn Hát rất sẵn sàng. Anh Hát cũng rất bất ngờ là hội nghị được tổ chức tại tỉnh Hải Dương - nơi anh sinh sống và lao động. Anh Hát là nông dân nổi tiếng ở tỉnh Hải Dương có nhiều sáng chế máy nông nghiệp, robot phục vụ sản xuất nông nghiệp sau một thời gian lao động tại quốc gia khởi nghiệp Israel.
“Tôi muốn đề nghị Thủ tướng, các bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho những nông dân có sáng chế, sáng tạo về máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp, các sáng kiến về giải pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản. Bản thân tôi khi đi đăng ký bản quyền các máy móc, robot sáng chế ra cũng rất khó khăn bởi vướng các thủ tục, giấy tờ mà tự nông dân chưa thể giải quyết được…” -anh Hát nói.
Nhiều vấn đề nông dân muốn trao đổi
"Thông qua chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam”, tôi đã được đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ở Hàn Quốc, Nhật Bản… Tôi thấy, để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, cạnh tranh hội nhập, chúng ta cần có những chính sách đột phá về khoa học công nghệ, nhất là công nghệ giống, chính sách hỗ trợ nông dân tổ chức lại sản xuất theo chuỗi…”, ông Đoàn Xuân An chia sẻ. |
Qua trao đổi với phóng viên NTNN/Dân Việt, nhiều nông dân đã phản ánh những khó khăn trong phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, xây dựng nông thôn. Những khó khăn, tồn tại đó bản thân người nông dân không thể tự giải quyết được, ở tầm địa phương cũng chưa thể giải quyết được.
Những khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới mà nông dân nêu lên liên quan đến nhiều chính sách ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Đó là chính sách về đất đai; khoa học công nghệ; thị trường nông sản; chính sách về vốn tín dụng đầu tư cho nông, lâm, ngư nghiệp; bảo vệ tài nguyên, môi trường; bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ nông dân về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Anh Nguyễn Công Thừa - Giám đốc HTX Anh Đào (Lâm Đồng) chia sẻ, ngành rau quả, thực phẩm của Việt Nam rất có tiềm năng phát triển, triển vọng xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập. Nhưng những tiềm năng đó chưa được đánh thức, chưa được đầu tư thỏa đáng bằng cơ chế, chính sách.
"Rau củ quả nông dân sản xuất ra chủ yếu vẫn ở tình trạng manh mún, nhỏ lẻ và tự phát. Nông dân chưa được tập hợp trong một mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, nhiều nông dân cứ sản xuất ra nhưng lại không rõ thông tin dự báo, định hướng thị trường tiêu thụ. Điều này đã dẫn tới tình trạng ế thừa, phải “giải cứu”…", anh Thừa cho biết.
Ngày 2.1.2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bình Phước. (Ảnh: TTXVN)
Cũng liên quan đến thị trường tiêu thụ nông sản, ông Đoàn Xuân An - Nông dân Việt Nam xuất sắc tỉnh Tuyên Quang bày tỏ: “Thông qua chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức, Báo NTNN/Dân Việt chủ trì thực hiện, tôi đã được đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ở Hàn Quốc, Nhật Bản… Qua các chuyến đi tôi mới thấy, để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, cạnh tranh hội nhập, chúng ta cần có những chính sách đột phá về khoa học công nghệ, nhất là công nghệ giống, chính sách hỗ trợ nông dân tổ chức lại sản xuất theo chuỗi…”.
Bên cạnh việc phấn khởi được gặp và tham gia đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ, anh Nguyễn Văn Sơn - Nông dân giỏi tỉnh Nam Định thổ lộ: “Tôi được biết, dự hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân ngày 9.4 sắp tới còn có nhiều nhà khoa học lĩnh vực nông nghiệp. Tôi sẽ tranh thủ tìm gặp và tham vấn một số nhà khoa học xung quanh mô hình nhân giống, nuôi thương phẩm và kinh doanh cá bống bớp của nông dân Nghĩa Hưng chúng tôi…”.