Dân Việt

Nên xem xét thí điểm khu “phố đèn đỏ” ở các đặc khu kinh tế

Ý kiến cho rằng các đặc khu kinh tế cần phải mở "phố đèn đỏ" đã nhận được nhiều tranh luận trái chiều.

Sắp tới, theo đề án thành lập 3 đặc khu kinh tế, gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ tạo nên một sức hút cực lớn, các khoản đầu tư sẽ bùng nổ, góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc mở "phố đèn đỏ" ở những khu kinh tế là nhu cầu tất yếu, phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới; sẽ thu hút đông đảo khách du lịch, đem lại nguồn thu lớn.

img

Ảnh minh họa. Ảnh I.T

Mặc khác, việc cho phép mở “phố đèn đỏ” sẽ tăng cường các hoạt động quản lý đối với gái mại dâm trong việc đảm bảo an toàn, phòng tránh dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ điều kiện hành nghề và quan trọng hơn là bảo vệ phụ nữ khỏi nguy có bị xâm hại, bạo lực hoặc bị chăn dắt của các thế lực xã hội đen. Nếu cho phép mở "phố đèn đỏ" thì gái mại dâm sẽ được pháp luật bảo vệ, phát sinh quyền và nghĩa vụ khi hành nghề, được chăm sóc y tế theo quy định hoặc phải có nghĩa vụ đóng thuế.

Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng, việc hợp pháp hóa hoạt động mại dâm là vi phạm pháp luật, theo quy định những người tổ chức mại dâm đều đang bị xem là tội phạm hình sự. Phụ nữ tham gia bán dâm sẽ bị xử phạt hành chính.

Bên cạnh đó, việc hợp thức hóa mại dâm là sẽ ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, truyền thống, văn hóa của Việt Nam. Với quan niệm, xem mại dâm là hành vi trái đạo đức, là cái gì đó xấu xa trong xã hội, quan hệ với gái mại dâm có nguy cơ bị lây truyền các bệnh về tình dục, ảnh hưởng đến hạnh phúc của nhiều gia đình…Do đó, đa số người dân sẽ phải đối việc này.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, mặc dù pháp luật hiện hành đều có quy định cấm về hành vi mại dâm nhưng trên thực tế hoạt động mại dâm vẫn tồn tại hiện hữu; một số khách sạn, nhà nghỉ… có dịch vụ này để đáp ứng nhu cầu của khách.

Việc xử lý hành vi mại dâm hiện nay là không đáng kể, dẫn đến việc quản lý hoạt động mại dâm chưa chặt chẽ, hay nói đúng hơn là có chỗ, có nơi đang “thả nổi”, chỉ kiềm chế hoạt động này ở mức độ nhất định.

Điều này cho thấy, dù có quy định cấm hay hoạt động này trái thuần phong mỹ tục…những nó vẫn tồn tại, vẫn diễn ra với nhiều hoạt động biến tướng, tinh vi…khó kiểm soát. Việc tồn tại hoạt động mại dâm là xu thế khách quan, là nhu cầu hiện hữu của xã hội.

Vì vậy, thay vì đặt vấn đề cấm đoán hay không mở các khu "phố đèn đỏ" ở những đặc khu kinh tế hay các khu du lịch… chúng ta nên thí điểm một số khu "phố đèn đỏ" ở các đặc khu kinh tế để thuận tiện cho hoạt động quản lý.

Ở các nước trên thế giới đa số đều đã hợp thức hóa hoạt động mại dâm; gái mại dâm hoạt động một cách hợp pháp, công khai, có giấy phép hành nghề, có chứng nhận tình trạng sức khỏe, được pháp luật bảo vệ và kê khai đóng thuế với chính quyền sở tại…Chính vì sự quản lý chặt chẽ, nên mọi hoạt động mại dâm đều được kiểm soát, nếu không có giấy phép hành nghề mà tự hành nghề sẽ bị xử lý theo quy định.

img

Ảnh minh họa. Ảnh I.T

Do đó, việc cho phép thành lập “phố đèn đỏ” ở nước ta cần phải xem xét thận trọng, phải học hỏi kinh nghiệm của các nước và trước hết là thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm và nhân rộng…Sau đó, tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hiện hành để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động mại dâm diễn ra hợp pháp. Như vậy, sẽ quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động này, khắc phục tình trạng quản lý theo kiểu “thả nổi” như hiện nay.