Quá trình cổ phần hóa của VTVCab bị chậm trễ do những khúc mắc trong việc định giá tài sản (Ảnh minh họa)
Sau thời gian chậm trễ cổ phần hóa do những khúc mắc trong việc định giá tài sản. Mới đây, sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo về việc tổ chức phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của VTVcab vào ngày 17.4 sắp tới.
Dự kiến sau cổ phần hóa, vốn điều lệ VTVcab là 884 tỷ đồng, tương ứng với 88,4 triệu cổ phần. Lượng cổ phần được đưa ra đấu giá là 42,29 triệu cổ phần, tương đương 47,8% vốn điều lệ dự kiến.
Với mức giá khởi điểm lên đến 140.900 đồng/cổ phần, 42,29 triệu cổ phần được đấu giá dự kiến sẽ mang về cho VTVcab số tiền gần 6.000 tỷ đồng. Như vậy, 88,4 triệu cổ phần của VTVCab được định giá lên tới 12.455 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận thấp, sụt giảm từng năm
Theo hồ sơ, VTVcab tiền thân là Trung tâm truyền hình Cáp MMDS được thành lập ngày 20.9.1995. Tới nay, VTVCab đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, viễn thông. Là đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền duy nhất của VTV, đa dạng dịch vụ: CATV, VTVnet, VTVplay, VTVcab ON, K+, SCTV…và đặc biệt, VTVcab hút khách nhờ sở hữu bản quyền các giải thể thao hay nhất thế giới. Đồng thời, sở hữu hơn 2,5 triệu thuê bao với mạng lưới phủ sóng rộng khắp với gần 60 tỉnh, thành phố trên cả nước và khẳng định mình là thương hiệu truyền hình trả tiền gần gũi nhất với khách hàng
Tự tin sở hữu 2,5 triệu thuê bao, song tỷ suất lợi nhuận của VTVCab lại giảm từng năm (Ảnh minh họa)
Tuy vậy, tình hình kinh doanh của VTVCab lại không mấy sáng sủa, khi doanh thu và lợi nhuận công bố hàng năm chỉ tăng trưởng nhẹ. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân qua các năm 2014, 2015, 2016 và 9 tháng đầu năm 2017 của công ty mẹ lần lượt đạt 14%, 15%, 15% và 7,6%.
Còn trong bảng tổng hợp tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất giai đoạn 2014 - 2016 của VTVCab, dễ dàng nhận thấy dù tổng tài sản và vốn chủ sở hữu tăng lên từng năm, song tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn nhà nước của VTVCab lại liên tục sụt giảm theo từng năm, từ 23% xuống 22%, rồi 12% vào năm 2016.
Lợi nhuận sau thuế của VTVCab giai đoạn 2014 - 2016 sụt giảm khá lớn
Năm 2014, VTVcab ghi nhận doanh thu 1.975 tỷ đồng, lãi hợp nhất 126,5 tỷ đồng. Tới năm 2015, VTVCab ghi nhận doanh thu tăng 2% lên mức 2.016 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất là 128 tỷ đồng. Song hai con số này sau đó đã phải điều chỉnh theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, doanh thu còn 1.838 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 65,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tính tới ngày 30.6.2016, lãi sau thuế của VTVCab chỉ đạt 42 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, lợi nhuận của công ty mẹ là hơn 26 tỷ đồng.
Khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, dài hạn trong kỳ của VTVCab lần lượt là 228 tỷ đồng và 268 tỷ đồng. Dù ghi nhận hoạt động kinh doanh có lãi trong kỳ song lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VTVCab lại âm hơn 9,48 tỷ đồng.
Thời điểm kết thúc năm 2016, công ty mẹ VTVcab ghi nhận 2.056 tỉ doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 68,5 tỷ đồng. Hai con số này lần lượt tăng trưởng 11,3% và 5% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tiếp tục âm hơn 39,1 tỷ đồng.
Hết Quý III.2017, tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu của VTVCab chỉ đạt 7,6%
Tới hết quý III.2017, tình hình kinh doanh của VTVCab vẫn không được cải thiện nhiều bởi dù đạt doanh thu hơn 1.591 tỷ đồng song lợi nhuận sau thuế TNDN của công ty chỉ hơn 38,2 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số 57,5 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016. Nét tích cực trong kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2017 của VTVCab là khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đã lãi 38,82 tỷ đồng.
Tuy vậy, nợ phải trả của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) tính đến cuối quý III.2017 vào khoảng 2.026 tỷ đồng, chiếm khoảng 80% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ ngắn hạn là 1.246,8 tỷ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn gần 300 tỷ đồng.
3 năm “mắc kẹt” với công ty TC
Hiện tại, VTVcab có một khoản đầu tư 77 tỷ đồng tại công ty TNHH thương mại TC theo hợp đồng ngày 31.8.2013. VTVcab quyết định mua lại 70% vốn tại 5 công ty con của công ty TC tại Trà Vinh, Đồng Tháp, Bình Thuận, Sóc Trăng, Huế.
Hai bên thống nhất giải thể các công ty con và chuyển phần vốn góp tương ứng với vốn đầu tư cho VTVcab tại địa bàn hợp tác, kết quả kinh doanh chia theo lợi nhuận với tỷ lệ 70:30.
Gần 3 năm VTVCab "mắc kẹt" với khoản đầu tư vào công ty TC
Tuy vậy, phải mất 3 năm, tới năm 2016, thủ tục giải thể các công ty con của TC tại Trà Vinh, Đồng Tháp Bình Thuận mới giải thể xong. Và tới tháng 4.2017, công ty con của TC tại Huế, Sóc Trănng mới hoàn thành thủ tục giải thể.
Trong thời gian này, VTVcab đã phải chấp nhận trích lập dự phòng hơn 75% giá trị đầu tư, tương đương 58 tỷ đồng.