Dân Việt

Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng thăm mô hình nuôi vịt thu 3-5 triệu/ngày

Thu Hà 05/04/2018 18:57 GMT+7
Ngày 5.4, đoàn công tác do đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (BCH T.Ư Hội NDVN) dẫn đầu đã về thăm, làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, Hội ND tỉnh Hưng Yên.

Đột phá trong phát triển nông nghiệp

Tại buổi tiếp và làm việc với Chủ tịch Thào Xuân Sùng và đoàn công tác, ông Đỗ Tiến Sỹ - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên đã thông báo về những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh Hưng Yên. Theo đó, sau 20 năm tái lập tỉnh, tách ra từ tỉnh Hải Hưng với vô vàn khó khăn, nhưng bằng những bước đi phù hợp, Hưng Yên đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực trong thu hút đầu tư, tạo bước phát triển nhảy vọt về mọi mặt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, trung bình đạt trên 8%/năm. 

img

Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng (thứ 2 từ trái) và đoàn công tác thăm mô hình chi tổ hội nghề nghiệp nuôi vịt ở xã Phạm Ngũ Lão (huyện Kim Động).  Ảnh: Thu Hà

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Chủ tịch Thào Xuân Sùng và đoàn công tác T.Ư Hội NDVN đã thăm một số mô hình chi tổ hội nghề nghiệp nuôi vịt xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động) và doanh nghiệp chế biến tinh bột nghệ được ở xã Chí Tân (Khoái Châu). Đây đều là những mô hình điểm được các cấp Hội ND tỉnh Hưng Yên tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ vay vốn Quỹ HTND với mức vay cao nhất đạt 2 tỷ đồng/dự án và 100 triệu đồng/hộ vay.

 Đáng chú ý, năm 2017 là năm đầu tiên tỉnh Hưng Yên lọt vào top 16 tỉnh, thành của cả nước thực hiện tự cân đối ngân sách, điều tiết một phần về T.Ư. Với nỗ lực cao, năm 2017 Hưng Yên đã vượt ngưỡng thu ngân sách gần 12.000 tỷ đồng, gấp 150 lần so với thời điểm bắt đầu tái lập tỉnh. Từ chỗ là tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp vào hàng thấp nhất cả nước, đến nay Hưng Yên đã vươn lên nằm trong nhóm 15 tỉnh dẫn đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp

Về xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 87/145 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân cả tỉnh đạt 17,1 tiêu chí/xã, phấn đấu đến cuối năm 2018 bình quân đạt 18 tiêu chí/xã. Hưng Yên tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo nhằm xây dựng nông thôn mới theo hướng thiết thực, bền vững. Hiện Hưng Yên cơ bản hoàn thành xây dựng các vùng kinh tế nông nghiệp tập trung và hướng đến sản xuất hàng hóa, theo chuỗi giá trị có hiệu quả kinh tế cao. Nông nghiệp phát triển, ND tăng thu nhập, Hưng Yên phấn đấu đến hết năm 2019 trở thành tỉnh nông thôn mới.

Chúc mừng cấp ủy, chính quyền và nhân dân Hưng Yên đã đạt được những kết quả phấn khởi trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trong những năm gần đây, Chủ tịch Thào Xuân Sùng cảm ơn cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện cho Hội ND các cấp trong tỉnh hoạt động có hiệu quả.

Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên tiếp tục quan tâm, điều phối nguồn lực, ngân sách bổ sung Quỹ HTND cùng cấp để các cấp Hội ND nhân rộng những mô hình chi tổ hội nghề nghiệp hiệu quả, mô hình phát triển sản xuất theo hướng phát triển các hình thức kinh tế tập thể để khắc phục tình trạng manh mún, phân tán trong nông nghiệp hiện nay và phù hợp với xu hướng sản xuất hàng hóa lớn trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.

imgChủ tịch Thào Xuân Sùng cũng đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức bố trí biên chế sự nghiệp cho Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND; điều phối kinh phí để Hội ND tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho ND… Bởi theo Chủ tịch Thào Xuân Sùng, trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ thuật cho ND là một trong những điều kiện cần thiết để xây dựng hình mẫu người ND mới, hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn và nâng cao giá trị nông sản. Bí thư Đỗ Tiến Sỹ nhất trí với những đề nghị của Chủ tịch Thào Xuân Sùng và giao cho Hội ND tỉnh tham mưu, đề xuất…

Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân

Báo cáo với Chủ tịch Thào Xuân Sùng và đoàn công tác, lãnh đạo Hội ND tỉnh Hưng Yên cho biết, thời gian qua Hội ND tỉnh đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ công tác hội và phong trào ND. Điển hình, các cấp Hội đã tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội là: Bảo vệ ND; tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ ND phát triển sản xuất; xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị.

Năm 2017 các cấp Hội chủ động phối hợp tổ chức được 607 buổi tập huấn chuyển giao KHKT cho 52.316 hội viên ND, thực hiện cung ứng hàng chục nghìn tấn phân bón, hàng chục tấn giống và thuốc BVTV theo hình thức trả chậm.

Về xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, các cấp Hội trong tỉnh đã trực tiếp hướng dẫn xây dựng mới 27 HTX, tổ hợp tác theo luật HTX mới năm 2012; 7 chi, 24 tổ hội nghề nghiệp; hướng dẫn 44 mô hình kinh tế tập thể giúp ND tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị. Hiện toàn tỉnh có nhiều mô hình liên kết có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, thu hút hàng chục, hàng trăm lao động cho thu nhập hàng năm từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng.

Bà Trần Thị Tuyết Hương - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hưng Yên cho biết, thực hiện Kết luận số 61/2009 của Ban Bí thư và Quyết định 673/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Hội đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo. Kết quả năm 2017, Quỹ HTND đã tăng trưởng hơn 7,3 tỷ đồng (đạt 123% kế hoạch giao). Tính đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp Hội tỉnh Hưng Yên quản lý là gần 64 tỷ đồng giúp Hội ND xây dựng hàng trăm mô hình sản xuất. Điển hình như dự án “Trồng và thâm canh cây nhãn chín muộn” tại xã Đông Kết (huyện Khoái Châu); dự án “Trồng chuối tây” tại phường Lam Sơn (TP.Hưng Yên)…

“Quỹ HTND đang là một nguồn lực quan trọng của các cấp Hội trong tỉnh, nguồn vốn quỹ đã và đang hỗ trợ ND phát triển sản xuất nâng cao đời sống, góp phần tích cực nâng cao vị trí, vai trò trung tâm nòng cốt của tổ chức Hội trong việc tổ chức các phong trào ND tham gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng tổ chức Hội ND cơ sở vững mạnh” - bà Trần Thị Tuyết Hương khẳng định. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng ghi nhận, đánh giá cao kết quả công tác hội và phong trào ND tỉnh Hưng Yên trong thời gian vừa qua. Chủ tịch Thào Xuân Sùng bày tỏ: “Tôi đặc biệt ấn tượng với mô hình chi tổ hội nghề nghiệp nuôi vịt ở xã Phạm Ngũ Lão (huyện Kim Động). Mới thành lập được gần 1 năm, nhưng chi tổ hội nghề nghiệp này có những bước tiến rất nhanh. Các thành viên cùng liên kết mở rộng diện tích trang trại lên gấp 1,5 lần và quy mô nuôi vịt, diện tích trồng cây ăn quả tăng gấp 2 lần so với thời điểm ban đầu thành lập. Điểm mấu chốt, từ mô hình chi tổ hội nghề nghiệp này, các thành viên đã chủ động được đầu vào và thị trường đầu ra. Thu nhập các thành viên được cải thiện rõ rệt, trong đó chi hội trưởng thu nhập 3-5 triệu đồng/ngày. Đây là những mô hình chi hội nghề nghiệp thuộc top đi đầu ở Hưng Yên nói riêng và cả nước nói riêng”.

Đồng chí Thào Xuân Sùng đề nghị, thời gian tới các cấp Hội tiếp tục nâng cao và lan tỏa tính hiệu quả bền vững của các mô hình sản xuất mà Hưng Yên đã tạo dựng được thông qua việc thực hiện Đề án 61. Từ đó hình thành các chi tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp; tìm những giải pháp để ND có khả năng thích ứng với nền kinh tế thị trường...