Tới chốn bồng lai
Liên tục di chuyển trong cabin cáp treo để ghi lại những thước hình livestream ấn tượng chia sẻ với bạn bè, nữ phật tử trẻ đến từ Hà Nội - Diệu An không ngớt trầm trồ về chuyến hành hương tham dự Lễ hội Mở cổng trời Fansipan.
Cabin bay trên thung lũng Mường Hoa, đoàn khách lặng đi trước vẻ xanh non mơ màng của cỏ cây, của cánh đồng lúa đang thì con gái, của màu nắng vàng mơ dịu nhẹ chiếu qua màn sương mỏng buông xuống thung lũng, tạo thành những vệt ray nan quạt lấp lánh. Nhìn từ trên cao, Mường Hoa như một khối ngọc xanh nhiều sắc độ, có sức hút mạnh mẽ, xoa dịu mọi giác quan.
Đi qua thung lũng, cabin bắt đầu di chuyển lên cao hơn, mây dày hơn và gió thổi cũng mạnh hơn. Ngắm mây bồng trắng xóa bao phủ xung quanh, Diệu An tự ví mình là chàng Jack trong truyện cổ tích “Cây đậu thần” – “Như chỉ việc ngồi yên trong khóm lá, để cây vươn mình đưa ta tới trời cao”. Sau khoảng 5 phút đi xuyên mây, nhiều du khách dù đã tinh ý phát hiện quầng tinh vân phía trước đang chuyển từ sắc trắng dịu sang ngời sáng, vẫn không ngớt ngạc nhiên trước khung cảnh thiên nhiên vi diệu vừa hiện ra trước mắt.
Núi trập trùng nổi bật trên sân mây trắng. Ở độ cao gần 2.000 mét, nhiều gốc mận cổ bên sườn núi vẫn còn sót lại những chùm hoa hồng thắm, nổi bật giữa sương mỏng vấn vít, trên nền xanh của cây cối đang độ đâm chồi. Lên cao hơn, vạt rừng đỗ quyên cổ thụ đã bắt đầu trổ bông. Hàng chục màu hoa gối nhau từ trắng, tới vàng, phớt tím, phớt hồng, rồi đỏ rực. Sắc hoa như tươi hơn dưới ánh nắng vàng dịu, trong veo của đất trời, bật lên trên những vạt rừng vân sam thẳng đứng, ngạo nghễ chọc thủng màn mây vươn tán giữa không gian hùng vĩ. Nếu không có cáp treo, có lẽ rất ít người có cơ hội được tận hưởng khuôn cảnh thần tiên thoát tục này.
Cáp treo lên cao hơn, vẳng từ không gian trên cao là tiếng chuông ngân vi diệu, giọng kinh cầu quốc thái dân an của thượng tọa trụ trì thiền viện trên đỉnh Fansipan, cũng là lúc đoàn hành hương đã chạm tới cổng trời.
Giữa chốn thiên thai
Bước ra khỏi ga đến cáp treo, đi qua “cổng trời” Thanh Vân Đắc Lộ là đã tới Bích Vân Thiền Tự. Điểm dâng sớ cầu an này chính là nơi khởi đầu của con đường tâm linh kỳ vĩ kết nối các kiệt tác kiến trúc trên đỉnh Fansipan.
Những bậc đá quanh co sẽ dẫn lối tới Đại tượng Phật A Di Đà. Sừng sững giữa non cao, ngự trên đài sen rộng lớn, bức tượng Phật cao nhất Việt Nam hướng ánh nhìn nhân từ xuống nhân gian. Dưới chân đế của bức tượng, những bức phù điêu chạm khắc hình hoa sen kể câu chuyện về mỹ thuật thời Trần. Nhiều người nói rằng, nếu có duyên được tới đỉnh Fansipan khi mặt trời vừa lên cao, sẽ được tắm mình trong vầng hào quang rực rỡ khi những tia nắng đầu ngày chiếu rọi trên pho tượng khổng lồ.
Từ Đại Tượng Phật, theo lối đi lát đá trên đường La Hán, thấy như lạc bước chốn bồng lai. Bên đường, 18 pho tượng La Hán bằng đồng được tạo tác kỳ công, ẩn hiện trong sương, trong nắng, bên những gốc đỗ quyên trăm tuổi đẹp nhất Hoàng Liên Sơn.
Đỗ quyên cổ thụ không dễ di dời, cũng không thể chiết ghép nên để bảo tồn cây quý, những con đường cứ quanh co theo lối cây mọc, hoặc là cây cứ tự nhiên bật lên giữa lối đi. Cuối đường, chòi vọng cảnh vươn xa, đoàn khách nghỉ chân một chút trên đường vào cõi Phật, để phóng tầm mắt ngắm nhìn vạt rừng đỗ quyên trải rộng ngay dưới chân tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Lặng lẽ, một luồng sinh khí thư thái như lan tỏa khắp tâm trí, cơ thể.
Rảo bộ qua vài bậc đá nữa, thấy Kim Sơn Bảo Thắng Tự - công trình lớn nhất trong quần thể văn hóa tâm linh Fansipan, bao gồm Bảo tháp 11 tầng bằng đá nguyên khối, Đại Hùng Bảo Điện, nhà tổ, hai bên hành lang tả vu – hữu vu trưng bày 18 tượng La Hán sơn son thếp vàng…
Kiến trúc Kim Sơn Bảo Thắng Tự dễ khiến người ta liên tưởng tới các nguyên mẫu chùa cổ thuần Việt bởi các chất liệu được sử dụng chủ yếu là gỗ mộc, đường nét chạm trổ được tiết giản nhưng đạt đến độ tinh tế cao. Ngay cả ngói lợp trên mái chùa cũng là loại ngói mũi hài cổ xưa, nung theo phương pháp truyền thống, mang tới nét đẹp tự nhiên, mộc mạc nhất cho công trình.
Từ Bích Vân Thiền Tự tới Kim Sơn Bảo Thắng Tự hay Vọng Lĩnh Cao Đài, chòi vọng cảnh, miếu sơn thần… kiến trúc quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan hướng tới hình ảnh của những ngôi chùa núi thuần Việt trong quá khứ, với những nét riêng như thể mỗi công trình ấy bước ra từ chính tài nguyên và khung cảnh đất trời nơi đây, để trường tồn cùng năm tháng.
Sau hàng giờ thiền tịnh dưới mái Kim Sơn Bảo Thắng Tự, để ánh sáng từ bi của Đức Phật dẫn dắt theo con đường diệu minh của trí tuệ, hướng tới cuộc sống an lạc, hưởng thụ phước lành, đoàn hành hương tiếp tục leo qua những bậc đá cuối cùng để lên tới đỉnh Fansipan. Bên tháp kim loại đánh dấu cột mốc 3.143m, Diệu An chăm chú ngắm gốc độ quyên trăm tuổi đang trổ bông đỏ rực. Cô ví màu hoa như những đốm lửa rực cháy giữa trời, sưởi ấm cả không gian rộng lớn.
Ghi lại những góc hình ấn tượng nhất trên đỉnh trời, thực hiện nghi lễ chào cờ trên kỳ đài cao nhất Việt Nam, trước khi trở lại ga cáp treo để về chân núi, An gấp lại cẩn thận tấm bùa trì chú mà thượng tọa Thích Chân Hiền đã ban tặng, để năng lượng tích cực từ hành trình Mở cổng trời Fansipan sẽ mãi theo bước cô cùng đoàn Phật tử trên những cung đường an lạc…