Dân Việt

Đi "du học" về, muốn thêm cánh thêm chân cho trái cây, tôm cá...

Những ông chủ nhiệm của hơn 30 hợp tác xã (HTX) sành sỏi và tự tin, được tỉnh Đồng Tháp tổ chức cho đi “du học” về cách làm ăn buôn bán của thị trường Sài Gòn. Tôi và họ cùng bàn về đề tài: “Làm sao gia tăng giá trị cho sản phẩm của HTX nông nghiệp Đồng Tháp?”.

Câu chuyện bắt đầu từ một phát hiện. Ai đi hội chợ quốc tế nhiều đều thấy cái cách mà các công ty thế giới giới thiệu rất khác. Chỉ còn những thông tin: tên doanh nghiệp, ngành kinh doanh, logo, website và... những mã số bí hiểm. Những bí số ấy là gì? GlobalGAP, HACCP, BRC, ISO 22.000, GFSF, USDA, BioSuisse... Rắc rối quá! Đó là tên các tiêu chuẩn quốc tế. Đó chính là những tấm “giấy thông hành” đi vào thị trường chính ngạch. 

Giấy thông hành

Xưa rày, Việt Nam toàn xuất nông sản thô qua Trung Quốc. Đâu có ai đòi mấy chữ này. Vậy mà bây giờ, thời hội nhập, không có mấy chữ đó là không đáng tin, không xuất khẩu được. Mà cũng khó cạnh tranh trên thị trường nội địa vốn đã đầy rẫy sản phẩm nhập có tiêu chuẩn.

img

Nông dân Đồng Tháp nói chuyện nâng giá trị nông sản. Ảnh: TL

Thói quen của ta, cái gì dễ thì làm. Xuất tiểu ngạch và xuất thô dễ nhất nên được ưa thích nhất. Nhưng tôi cảnh báo với các bác chủ nhiệm HTX, từ trước tới nay, cứ xuất thô là nghĩ đến Trung Quốc nhưng “nước này chỉ thả lỏng mậu dịch biên giới thời gian ngắn nữa thôi”.

Tôi dẫn chứng, sản phẩm Vinamit đã có giấy chứng nhận hữu cơ của Mỹ và châu Âu (USDA và BioEU) vậy mà vẫn phải “tu luyện” ba năm nữa mới đủ điều kiện vào thị trường Trung Quốc. Còn sữa Vinamilk xuất qua Mỹ và EU nhiều nhưng vẫn chưa đủ “chuẩn” vào Trung Quốc.

Khi buôn bán tiểu ngạch kết thúc, muốn sống được, hãy tập luyện ráo riết để lấy chứng nhận tiêu chuẩn, đơn giản nhất là GolbalGAP và HACCP. Theo ông Nguyễn Lâm Viên, để có hai chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và EU, Vinamit cứ hỏi đối tác “cần tiêu chuẩn gì, cách thức xây dựng để được chứng nhận ra sao” mà làm theo y chang.

Còn hiện nay thuận lợi hơn nhiều. Đã có dự án bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập” của Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao hỗ trợ nhiều thông tin, hướng dẫn, tư vấn và kết nối với công ty chứng nhận chuyên nghiệp, coi như các HTX có điểm tựa khá vững.

Hữu cơ và GI

Tôi kể cho các anh chủ nhiệm HTX nghe câu chuyện món yaourt đông khô của Vinamit đã làm “ngây ngất” các bà các chị khó tính chốn giang hồ. Tôi dẫn lời giám đốc Vinamit Nguyễn Lâm Viên, đó là kết quả của phòng nghiên cứu vi sinh đã đưa ra được loại lợi khuẩn tốt làm yaourt, kèm tài pha chế với các loại trái cây tươi, chút mật ong, ra một thứ bánh cookie giòn tan, ai thử nếm cũng mê mẩn, nhất là khách châu Âu.

Bên cạnh việc áp dụng kết quả nghiên cứu phù hợp hay công nghệ mới, còn có một giải pháp đang rất “hot” ở thị trường châu Âu: sản phẩm hữu cơ.

img

Yaourt đông khô của Vinamit đã được hai thương: thương hiệu và thương mại hóa. Ảnh: TLKH

Khái niệm hữu cơ được hiểu khác nhau ở từng nước. Nhưng dù mức độ khắt khe khác nhau, hai chữ “hữu cơ” cũng phải tốn dăm ba năm mới đạt chứng nhận và phải ngặt nghèo lắm trong thực hiện. Châu Âu hiện đang “cuồng” sản phẩm hữu cơ. Các hệ thống siêu thị đua nhau bán hàng hữu cơ thành khu vực riêng, thành ngành kinh doanh quan trọng.

Hệ thống phân phối lớn thứ 5 ở châu Âu là Auchan từ năm 2018 liên tiếp mở các cửa hàng chỉ thuần bán hàng hữu cơ, còn chợ đầu mối Rungis, cách đây hai năm đã lập hẳn khu riêng bán hàng hữu cơ.

Nói chuyện với các bác chủ nhiệm HTX, tôi nhắc một lợi thế cần được khai thác, đó là: chỉ dẫn địa lý (Geographical Indication=GI) cấp cho sản phẩm đặc sắc các địa phương. Thế giới hiện có tới 5.000 GI. Riêng Việt Nam đã có hơn 60 GI, trong đó, có 3 GI được quốc tế công nhận (nước mắm Phú Quốc được EU công nhận, còn hạt điều Bình Phước và tiêu Quảng Trị được Pháp bảo trợ).

Tận dụng những lợi thế này là việc cần làm. Việt Nam đang giữ bửu bối, trong đó có hữu cơ và GI nhưng chưa thấy cách khai thác nào đem lại lợi ích cho nông dân!

Hai thương!

Trong câu chuyện với các bác chủ nhiệm HTX, tôi còn nói rằng, muốn sản phẩm “đi” được vào thị trường, còn phải có đủ “hai thương”. Đó là thương hiệu và thương mại hóa. Ông Nguyễn Lương Thịnh, phó giám đốc kinh doanh của một công ty kinh doanh dừa hữu cơ nhìn nhận: “Dù chúng ta có sản xuất được trái dừa uống nước tươi đúng chuẩn, nhưng khả năng các siêu thị ở Mỹ vẫn sẽ chọn dừa Thái vì họ đã có thương hiệu sẵn.

Nếu không có cái “thương” thứ nhất, có thể bù bằng cái “thương” thứ hai, đó là: thương mại hóa giỏi. Tức là cần có nhà phân phối đủ lớn để phân phối hàng của mình ra thị trường. Xây dựng được một công ty như vậy không thể nhanh, nếu mua lại hay hợp tác vẫn tốt hơn nhưng cũng... hên xui.

Một nhân viên kinh doanh của công ty nông nghiệp GAP kể rằng, có thời gian dài, gạo hữu cơ của công ty đã được chứng nhận đủ chuẩn bán ở Hoa Kỳ nhưng chào hàng ở đâu cũng bị từ chối, sau nhờ người thân tìm hiểu mới biết có những công ty phân phối cấu kết tẩy chay gạo Việt, chỉ bán gạo Thái, Đài Loan. Công ty phải nhờ người thân có “đường dây, có mối mang ăn chịu với nhau thật chặt” mới vào được mạng lưới có sẵn.

Nhiều giải pháp, từ giải pháp được công bố minh bạch, kiểm tra thực chứng giấy chứng nhận tiêu chuẩn hay giấy bảo hộ GI…, các giải pháp: bảo quản tốt, chế biến, quảng bá tiếp thị hiệu quả cho thương hiệu hoặc tiếp cận mạng lưới phân phối phù hợp… sẽ là các yếu tố bổ sung cho nhau để sản phẩm Việt “đi” được vào thị trường quốc tế.