Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang phải đối mặt với thách thức rất lớn sau khi 28 quốc gia phương Tây đồng loạt trục xuất khoảng 150 nhà ngoại giao của nước này để phản ứng với vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc ở Anh. Nhưng Putin vẫn tung ra những đòn đáp trả tương xứng, như những gì ông đã làm suốt 18 năm cầm quyền vừa qua, bằng những phương thức đã giúp ông trở thành một trong những lãnh đạo có ảnh hưởng nhất toàn cầu, theo NYTimes.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng Putin chỉ có khả năng tung ra những đòn bất ngờ từ thế yếu để áp đảo phương Tây và dự đoán ông sẽ thất bại khi nền kinh tế Nga sụp đổ dưới sức ép và các lệnh cấm vận từ Mỹ, châu Âu. Nhưng theo bình luận viên David Brooks, thế của Putin không yếu, bởi nền tảng quyền lực của ông không xuất phát từ kinh tế, mà là quan điểm về cách lãnh đạo xã hội trái ngược với phương Tây.
Putin bước vào chính trường từ thập niên 1990, khi các nhà cải cách theo đường lối phương Tây gần như đã hủy hoại nước Nga thời kỳ hậu Xô Viết. Các chuyên gia kinh tế Mỹ thời đó cho rằng nếu nước Nga tư hữu hóa tài sản nhà nước, luật pháp, trật tự và gắn kết xã hội sẽ tự khắc hình thành và phát triển.
Nhưng thực tế khác xa với lý thuyết của họ. Thảm họa xảy ra khi nền kinh tế Nga rơi vào hỗn loạn, tuổi thọ bình quân của người dân Nga còn thấp hơn cả Bangladesh, trong khi chính phủ lâm vào tình cảnh phá sản. Tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực xã hội bị các nhà tài phiệt thao túng, nước Nga thường xuyên bị Mỹ coi thường trên trường quốc tế.
Đúng lúc đó, Putin xuất hiện và khôi phục sự ổn định cho nước Nga bằng một loạt biện pháp cải cách mạnh tay. Tuổi thọ bình quân của người Nga hiện nay là 71, mức cao nhất trong lịch sử, nền kinh tế cũng đã hồi phục. Nga dần lấy lại vị thế cường quốc thế giới của mình bằng chiến dịch quân sự diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và nhiều hồ sơ quốc tế khác, thậm chí "ăn thua đủ" với phương Tây trong vụ Skripal. Sau 18 năm cầm quyền, tỷ lệ ủng hộ trong nước của Putin luôn giữ ở mức 80%.
"Putin là lãnh đạo được bầu của Nga, đất nước hùng mạnh về quân sự nhưng rơi vào tình cảnh khó khăn về kinh tế và bị sỉ nhục, cướp đoạt, lừa dối suốt nhiều năm. Nhiệm vụ của ông ấy là bảo vệ chủ quyền, lợi ích của đất nước trong một hệ thống quốc tế muốn xóa nhòa chủ quyền và luôn coi nước Nga là một mối đe dọa", Christopher Caldwell, biên tập viên cấp cao tại Weekly Standard, viết.
Theo biên tập viên này, người Nga tin rằng Putin là người hùng cứu vớt đất nước, bởi ông đã khôi phục quốc gia từ đống đổ nát, đem lại sự gắn kết và mục đích cho cả dân tộc. Ông đưa các tài phiệt vào khuôn khổ, thúc đẩy sự phát triển quân sự và không bao giờ chịu chấp nhận việc nước Nga ở "chiếu dưới" trong hệ thống chính trị thế giới.
Cuộc đấu tranh về ý thức hệ
Putin (trái) và Trump trong cuộc gặp bên lề hội nghị G20 năm 2017
Bình luận viên Brooks cho rằng chính quan điểm hoàn toàn đối nghịch với tiêu chuẩn dân chủ của phương Tây trong xây dựng xã hội của Putin đã tạo dựng được niềm tin với người dân Nga.
Trường phái dân chủ tự do phương Tây được xây dựng trên ý tưởng rằng quyền lực cần được phân tán trong hệ thống các mối quan hệ và thể chế nhằm đảm bảo sự điều chỉnh và kiểm soát lẫn nhau. Trong khi đó, Putin luôn tin rằng quyền lực phải được tập trung vào tay một lãnh đạo, từ đó phân chia xuống các nhánh bên dưới.
Theo ông, khi đất nước rơi vào tình cảnh rối ren như nước Nga thập niên 1990, trường phái dân chủ tự do sẽ chỉ dẫn đến sự hỗn loạn khi xã hội mất lòng tin. Điều này chỉ tạo cơ hội cho một số phần tử liên kết với nhau để cướp đoạt của người dân và đất ngước. Khi đó, quyền lực tập trung sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn rất nhiều so với quyền lực phân tán, bất định.
Thứ hai, dân chủ tự do phương Tây luôn trung thành với một thứ trừu tượng, như hiến pháp, tín điều và bộ quy tắc dân chủ. Điều này lý giải việc các nhà dân chủ phương Tây thường xôn xao và tỏ ra lo ngại khi các lãnh đạo như Putin cầm quyền đến nhiệm kỳ thứ tư, Tập Cận Bình được xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch Trung Quốc.
Trong khi đó, Putin "không chỉ là người nổi tiếng nhất, quyền lực nhất mà còn là chính trị gia duy nhất của Nga", theo M. Steven Fish, nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học California-Berkeley. "Trong thời buổi bất an và mất lòng tin, việc người dân đi theo một người dễ dàng hơn so với tuân theo một thứ trừu tượng".
Các nước phương Tây xây dựng nền dân chủ dựa trên ý tưởng rằng những người khác biệt vẫn xứng đáng được tôn trọng và nghệ thuật chính trị là thỏa hiệp được với những người mà bạn "không đội trời chung".
Nhưng Putin xây dựng quyền lực của mình dựa trên niềm tin rằng những kẻ khác biệt với bạn, ám chỉ phương Tây, chỉ đang gieo rắc sự hỗn loạn văn hóa và hủy hoại cách sống của bạn. Trong thời điểm khó khăn, việc tạo dựng bản sắc đồng nhất dễ dàng hơn rất nhiều so với chấp nhận sự đa dạng văn hóa.
Với sự trỗi dậy của Donald Trump ở Mỹ, Tập Cận Bình ở Trung Quốc và một loạt lãnh đạo theo đường lối dân túy ở Pháp, Italy, Philippines..., Brooks nhận định quan điểm của Putin đang ngày càng trở nên phổ biến khi các nước điều chỉnh hệ thống chính trị của mình phù hợp với tình hình. "Trong khi đó, nếu bạn tự hỏi ai là người dẫn dắt phái dân chủ tự do toàn cầu hiện nay, bạn sẽ không đưa ra được cái tên nào", ông nói.