“Chìa khóa” mở cửa thành công là ở nông dân
Tinh thần xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển và phục vụ nhân dân ngay sau đó đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa rộng rãi, tạo sự tin tưởng của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, điều hành của Chính phủ… Ngay sau đó không lâu, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đối thoại, làm việc với giới doanh nhân, trí thức, công nhân…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan HTX Xoài Mỹ Xương, Đồng Tháp - một mô hình điển hình trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: V.G.P
Tinh thần này sẽ được tiếp tục lan tỏa trong lĩnh vực nông nghiệp, ND, nông thôn khi ngày 9.4 tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ có cuộc đối thoại với ND tổ chức tại Hải Dương.
Tại phiên chất vấn chiều 18.11.2017 của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về giải pháp của Chính phủ mang tính đột phá trong nông nghiệp, ND, nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc thực hiện Nghị quyết 26 của T.Ư về lĩnh vực nông nghiệp, ND và nông thôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, như xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo… được tổ chức thực hiện mạnh mẽ, kịp thời. Tuy nhiên, Thủ tướng nhìn nhận: “Dù có nhiều tiến bộ trong triển khai Nghị quyết 26, nông nghiệp, ND và nông thôn vẫn còn bất cập xảy ra…”, hơn 70% dân số sống ở nông thôn, còn chênh lệch giàu nghèo...
Thủ tướng nhấn mạnh: “Chìa khóa” của tái cơ cấu nông nghiệp nằm ở ND, từ nhận thức, tư duy đến hành động, hạ tầng. Cần có những giải pháp để cho ND phải là chủ thể. “Sắp tới, Chính phủ phối hợp với Hội ND tổ chức đối thoại với ND để tìm ra lối đi, cách làm mới ở nông thôn” - Thủ tướng khẳng định. Một cuộc đối thoại với ND như mong muốn của bao cán bộ, hội viên, ND nay đã được thực hiện. Nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của ND, Hội ND sẽ được gửi tới người đứng đầu Chính phủ thông qua cuộc đối thoại…
Cần hành động cụ thể, quyết liệt hơn nữa
Về cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với ND lần đầu tiên được tổ chức, TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn nhớ lại, tại Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 của ngành NNPTNT, các địa phương, DN đều đánh giá cao Chính phủ đã có nhiều biện pháp cụ thể thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; đưa ra gói tài chính 100.000 tỷ đồng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thu hút mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…
Thủ tướng khẳng định: Chính phủ tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đồng thời đẩy mạnh đào tạo nhân lực ở nông thôn. Thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chương trình mục tiêu khác, xây dựng văn hóa nông thôn, tình làng nghĩa xóm, đảm bảo môi trường sống ở nông thôn. |
TS Đặng Kim Sơn chia sẻ: “Chúng ta đều biết ngân sách nhà nước hiện đang gặp nhiều khó khăn, phải thắt chặt chi tiêu. Cho nên có thể nói quyết tâm của Chính phủ trong đầu tư vào nông nghiệp đã thể hiện sự quan tâm rất cao...”.
Theo TS Đặng Kim Sơn, hiện nay, đối với ND, nhu cầu vay vốn đầu tư rất lớn và dù tỷ lệ nợ xấu đối với vốn vay ngắn hạn rất ít, họ vẫn khó tiếp cận vốn vay đầu tư trung và dài hạn. Trong nhiều năm gần đây, tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm 5-6% so với tổng đầu tư. Trong giai đoạn tới, vốn đầu tư cho nông nghiệp vẫn là nhu cầu cực kỳ lớn.
“Tôi được biết, trong năm qua, Thủ tướng đã trực tiếp chủ trì 5 diễn đàn, hội nghị lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, về rau củ quả, về nông nghiệp hữu cơ, dược liệu, tôm và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long. Nói điều này để thấy rằng, Chính phủ đang rất quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng đối với lĩnh vực tam nông và đã có những hành động cụ thể…”.
Tuy nhiên, TS Đặng Kim Sơn cho rằng quan tâm chưa đủ, mà Chính phủ cần có những quyết sách kịp thời hơn nữa. Ví dụ trong chính sách về hạn điền, về đất đai hiện nay còn rất nhiều bất cập, một số quy định đã lỗi thời, kìm hãm sản xuất. Do đó cần sớm sửa đổi và hoàn thiện chính sách về đất đai, trong đó vấn đề tích tụ ruộng đất phải gắn với vấn đề phát triển nông thôn, có chính sách để có thể thu hút các DN đầu tư vào nông thôn, hợp tác với ND sản xuất lớn, giải quyết vấn đề đầu vào và đầu ra cho nông nghiệp.
“Tôi rất kỳ vọng, qua cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với ND, nhiều vấn đề khó khăn, trở ngại, thách thức của nông nghiệp, ND, nông thôn sẽ được người đứng đầu Chính phủ lắng nghe từ chính người ND - đối tượng quyết định đến sự thành công của tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…”.