Bình Nhưỡng đã làm dấy lên quan ngại về Thế chiến III nổ ra trong nhiều năm qua khi từ chối ngừng chương trình tên lửa, hạt nhân bất chấp sự lên án mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, đầu năm nay, cộng đồng quốc tế bất ngờ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đề nghị gặp mặt Tổng thống Donald Trump sau nhiều tháng căng thẳng leo thang.
Phần lớn các chuyên gia, các quan chức chính phủ và quân đội ủng hộ giải pháp ngoại giao với Triều Tiên để tránh một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Tướng Benjamin C. Freakley nhấn mạnh: "Đó là vì lợi ích lớn nhất của Mỹ và phần còn lại của thế giới để đối thoại chính trị và ngoại giao với lãnh đọa Triều Tiên nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh.
Tuy nhiên, nếu Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un không thể giải quyết được căng thẳng hạt nhân trong cuộc gặp lịch sử giữa họ, thế giới có thể hứng chịu thảm họa không thể tưởng tượng nổi".
Đồng giám đốc của Trung tâm Tương lai Chiến tranh của Mỹ, ông Daniel Rothenberg cảnh báo: "Khả năng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên là tình huống nguy hiểm nhất của thế giới và có thể dẫn tới thảm họa không thể tưởng tượng nổi gây đau khổ cho nhân loại".
Mặc dù Triều Tiên gần đây đang tích cực thể hiện thiện chí muốn cải thiện quan hệ với cộng đồng quốc tế, không ít người vẫn quan ngại về nguy cơ nhà lãnh đạo Triều Tiên thay đổi.
Hệ thống cảnh báo DEFCON, tổ chức tư nhân giám sát các mối đe dọa hạt nhân nhắm vào Mỹ cho biết Triều Tiên vẫn là một mối đe dọa rất lớn và không đáng tin cậy.
"Chúng tôi đã cảnh báo công chúng để họ nhận ra rằng Triều Tiên xem chương trình hạt nhân của họ là bất khả xâm phạm và sẽ không từ bỏ nó, cho dù họ nói gì trong bất kỳ cuộc đàm phán nào. Dù báo chí rầm rộ đưa tin rằng, Triều Tiên sẵn sàng đặt chương trình hạt nhân của họ lên bàn đàm phán, đó vẫn không phải là điều Triều Tiên nói. Đồng minh ruột của Triều Tiên là Trung Quốc cũng chỉ tuyên bố rằng, Bình Nhưỡng sẵn sàng thảo luận về vấn đề này nhưng không nói gì về việc giải trừ hạt nhân", tổ chức trên khuyến cáo.