Ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế
Grab và Uber đóng thuế không nhiều?
Thưa ông, được biết năm 2016, doanh thu của Grab đạt hơn 1.700 tỷ đồng, nhưng công ty này liên tục kê khai lỗ, nên số thuế phải nộp chỉ hơn 9,5 tỷ đồng. Qua thanh tra thuế, Grab bị truy thu thêm 2,9 tỷ đồng. Uber, tính tới tháng 6.1017, có tổng doanh thu hơn 2.700 tỷ đồng, số thuế đã nộp là 76,8 tỷ đồng. Đến nay nhiều quan điểm vẫn cho rằng chính sách quản lý thuế đối với Uber, Grab chưa thật sự hiệu quả?
Grab mua lại Uber gây ra vướng mắc trong việc truy thu hơn 53 tỷ đồng Uber nợ thuế. Ảnh: T.L
Lái xe Uber, Grab không phải quyết toán thuế năm 2017 Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Thuế doanh nghiệp lớn, Bộ Tài chính cho rằng lái xe Uber, Grab là những người tham gia dịch vụ vận tải bằng chính phương tiện của mình. Theo quy định, hoạt động kinh doanh của cá nhân thì được tách rời khỏi tiền lương, tiền công và không cần phải quyết toán thuế cuối năm, khi đã nộp thuế các khoản tiền lương, tiền công. Ví dụ: Một người có công việc chính là nhân viên ở một công ty, nhưng sau giờ làm việc chạy thêm Grab, thu nhập này là tiền lương bên ngoài tiền công, và khoản này sẽ không phải quyết toán. |
- Chính sách thuế áp dụng công bằng với doanh nghiệp (DN). Cụ thể một DN phải đóng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN. Trong đó có 2 phương pháp tính thuế; phương pháp khấu trừ và phương pháp tính thuế trực tiếp. Nếu DN đủ điều kiện khấu trừ thì có 2 mức thuế suất, 5% và 10%. 5% là áp dụng cho những mặt hàng thiết yếu còn đối với mặt hàng kinh doanh vận tải là 10%. Nếu áp dụng phương pháp khấu trừ 10% thì DN sẽ được khấu trừ phần thuế đầu vào đầu ra, phần giá trị tăng thêm thì mới chịu thuế 10%. DN không đủ điều kiện áp dụng thuế khấu trừ thì áp dụng thuế giá trị gia tăng trực tiếp tỷ lệ cho từng ngành nghề, với dịch vụ vận tải là 3%.
Còn đối với thuế thu nhập DN cũng có hai phương pháp tính kê khai và tính theo tỷ lệ quy định. Theo quy định của luật thuế TNDN đối với từng ngành nghề, hoạt động vận tải áp dụng thuế 2%. Grab là đơn vị thành lập tại Việt Nam, dù qua nhiều lần thay đổi đăng ký kinh doanh nhưng vẫn là DN có 2 thành viên: Một là đại diện cá nhân trong nước góp vốn 51% và còn lại 49% của nước ngoài. Grab khai và nộp thuế theo quy định hiện hành đối với phần doanh thu được chia từ hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Nhưng các dữ liệu thống kê cho thấy Grab và Uber đóng thuế cho ngân sách nhà nước không nhiều?
- Bộ Tài chính đã có một báo cáo trả lời về nhiều vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu. Nhưng theo số liệu tổng hợp và so sánh thuế Uber và các DN vận tải truyền thống nộp thì Uber nộp không hề ít hơn.
Trong số 10 DN có doanh thu lớn thì 2 DN phát sinh số thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ, không phát sinh số thuế giá trị gia tăng phải nộp (Công ty TNHH du lịch Mai Linh; Công ty TNHH du lịch Thành Bưởi), một số DN khác mức tỷ lệ nộp thuế giá trị gia tăng/doanh thu dưới 3% (Công ty CP Gia Định, Công ty Vận chuyển Sài Gòn Tourist, HTX vận tải số 10).
Về thuế TNDN, hầu hết các DN đều có mức tỷ lệ nộp thuế TNDN/doanh thu thấp hoặc không phát sinh thuế TNDN phải nộp, mức tỷ lệ nộp khoảng 0,01 - 0,06%. Riêng Công ty TNHH Ánh Dương mức tỷ lệ nộp thuế TNDN là 1,97%/doanh thu, trong khi của Uber là 2%.
Còn Grab đang lỗ. Họ chưa có thu nhập.
- Theo tôi nghĩ thì nghĩa vụ thuế do Quốc hội ban hành, đảm bảo công bằng. Trong quá trình thực hiện có gì bất hợp lý, qua giám sát thì Quốc hội sẽ yêu cầu các cơ quan nghiên cứu điều chỉnh phù hợp. Hiện tại còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, Bộ Tài chính cũng bị chất vấn và đã có văn bản trả lời, thông tin đầy đủ.
Uber không được miễn, giảm thuế
Thời gian tới Bộ Tài chính có định hướng gì để quản lý thuế hiệu quả hơn đối với dịch vụ kinh doanh vận tải truyền thống cũng như dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ?
- Việc quản lý thuế thực hiện theo đúng luật. Về chính sách thuế đã có quy định đầy đủ, trong đó nguyên tắc là người nộp thuế tự khai, tự tính, tự nộp. Sau đó cơ quan thuế hậu kiểm. Nếu anh kê khai không đúng, không đủ sẽ bị xử lý, hay không chịu kê khai hoặc chậm thì thuộc diện quản lý rủi ro.
Sau 2 năm thí điểm, Bộ GTVT đã họp với các bộ, ngành và có báo cáo Thủ tướng về loại hình kinh doanh vận tải công nghệ này, đang đợi ý kiến chỉ đạo, trong đó có việc xác định rõ loại hình kinh doanh. Từ đó Bộ KHĐT sẽ xác định hoạt động này nằm trong phân ngành nào. Như vậy Bộ Tài chính sẽ xác định thuế đúng và phù hợp bởi loại hình này có nước xác định là vận tải, có nước cấm kinh doanh…
Thời gian qua Uber cho rằng Uber là một công ty công nghệ từ ngoài Việt Nam, chỉ cung cấp dịch vụ cho các đối tác lái xe, không có hiện diện pháp lý hay hiện diện thực tế tại Việt Nam, không hình thành cơ sở thường trú tại Việt Nam, do đó được miễn giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần được ký giữa Hà Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, Uber có thu nhập phát sinh tại Việt Nam thông qua việc điều hành cung cấp dịch vụ vận chuyển cho khách hàng thông qua ứng dụng, bố trí các lái xe cung cấp dịch vụ vận chuyển cho khách hàng, quyết định đơn giá vận chuyển… Do đó có thể xác định, thu nhập của Uber phát sinh từ Việt Nam là thông qua các đối tác lái xe tại Việt Nam, thời gian hơn 6 tháng trong 1 năm liên tục.
Căn cứ Hiệp định tránh đánh thuế giữa Việt Nam và Hà Lan, Uber BV có thu nhập phát sinh tại Việt Nam thông qua các cơ sở thường trú tại Việt Nam, do đó thu nhập của Uber BV phát sinh tại Việt Nam không được miễn giảm thuế.
Xin cảm ơn ông!
Vẫn bỏ ngỏ câu chuyện thuế * Năm 2014, Công ty TNHH Uber BV (Hà Lan) đăng ký hoạt động tại Việt Nam, kinh doanh dịch vụ thông qua ứng dụng tin học để kết nối các lái xe cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách. Năm 2017, Uber được Bộ GTVT cho phép thí điểm tại Hà Nội, TP.HCM, Ðà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa. * Tháng 1.2016, Bộ GTVT cho phép Grab thí điểm ứng dụng "taxi công nghệ" tại Hà Nội, TP.HCM, Ðà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh. * Đến 25.3.2018, Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đặt ra vấn đề pháp lý đối với việc truy thu khoản tiền thuế 53,3 tỷ đồng mà Uber còn nợ Cục Thuế TP.HCM. |