1. Ốc lông
Khác với bề mặt ngoài vỏ phủ lớp lông tua tủa trông hơi gớm, thịt ốc lông có vị ngon không kém gì so với các loại ốc biển nổi tiếng và đắt tiền khác.
Ốc lông, hay còn gọi là ốc nhung có kích cỡ to bằng khoảng một nửa cổ tay người lớn, với vẻ bề ngoài thoạt nhìn khá giống con ốc nhảy. Tuy nhiên trên bề mặt vỏ phía ngoài của nó có phủ nhiều lông ngắn, nhỏ li ti làm những ai nhìn và sờ vào có cảm giác "hơi ghê".
Ốc lông thường sống bám trong các rạng san hô, nhất là vùng bờ biển có nhiều gành đá, hang hốc. Mỗi độ trăng sáng hoặc dịp đầu tháng, nước thuỷ triều rút, những người sống quanh vùng biển thường ra gành biển đeo gương lặn bò bắt từng con ốc trong các hốc đá. Nếu hôm trúng luồng ốc bám nhiều, có thể bắt được vài ký. Loại ốc này trung bình to khoảng nửa cổ tay người lớn, hình thù như con ốc quắn, ốc nhảy nhưng bên ngoài con ốc này màu nâu đen, nhiều gai, lông lẫn rong rêu bám đầy, đen trùi trũi xù xì như một cục đá.
Xấu xí vậy nhưng thịt của nó ngon tuyệt, ngon đến nỗi nếu bắt được, nhất nhất họ chỉ dành đãi khách hoặc cả nhà cùng thưởng thức chứ không hề bán buôn. Thường, ốc lông bắt về, ngâm trong nước ngọt độ vài giờ cho nhả hết bùn rong lẫn những thức ăn rồi rửa sạch mới chế biến. Trước khi chế biến, nhất thiết phải “phẫu thuật” cho từng con bằng cách dùng dao chặt mặt sau – phần lưng ốc một lỗ sao cho bên ngoài thông với bên trong con ốc. Khi đó, hấp cho gia vị mau thấm đều vào phần thịt ốc và khi ăn lấy phần thịt ra dễ dàng hơn.
2. Cá mặt quỷ
Cá mặt quỷ là một loài cá nước mặn thường sinh sống tại những vùng nước nông dọc bờ biển. Chúng có vẻ ngoài xấu xí đến đáng sợ, và khả năng ngụy trang tài tình, trông không khác gì một tảng đá nên còn có một tên gọi khác là cá đá. Cá mặt quỷ tuy xấu xí nhưng ăn rất ngon, vị lạ miệng, giàu dưỡng chất, chính vì vậy mà số tiền bỏ ra để thưởng thức món đặc sản này cũng không hề rẻ.
Trái ngược với hình thù xấu xí đến gớm ghiếc bên ngoài, thịt cá mặt quỷ có mùi vị rất ngon, lạ và giàu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên do số lượng đánh bắt loài cá này ít cho nên ngay cả người dân vùng biển không phải ai cũng được thưởng thức con vật này.
Cá mặt quỷ còn có nhiều màu
Cá mặt quỷ có thể chế biến thành nhiều món ăn với nhiều cách tẩm ướp, chế biến riêng nhưng thường hấp để giữ nguyên được hương vị đặc trưng. Đầu tiên, phải lọc hết lớp da sần sùi bên ngoài, dùng dao tách lớp thịt cá, đem thái thành thớ mỏng, ướp gia vị rồi hấp. Cá mặt quỷ thường phải hấp trong thời gian dài hơn cá thông thường. Bù lại khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận miếng thịt cá trong, vị chắc, dai, ngọt.
Loài cá này thường xuất hiện nhiều ở các vùng biển như Quảng Ninh, Nha Trang... Ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, một số nhà hàng phục vụ món cá mặt quỷ với giá từ 700.000 đồng đến 1,6 triệu đồng một kg. Một điều đặc biệt cần chú ý khi chế biến cá mặt quỷ là trên lưng cá có 13 tia vây lưng chứa độc tố nên có thể đoạt mạng loài khác nhanh chóng nếu không may bị đâm phải. Thậm chí, độc tố này có thể tồn tại nhiều ngày sau khi cá chết.
3. Sam biển
Sam có vỏ cứng như mai cua, mình tròn dẹt, đường kính độ gang tay. Sam cái thường nặng chừng 1 kg, sam đực chỉ nặng khoảng 5 lạng. Để bắt được sam biển, ngư dân phải tính con nước và định ngày ra khơi.
Sam được chế biến thành rất nhiều món ngon, phổ biến là súp, gỏi, xào sả ớt, chua ngọt, miến, cháo... nhưng hấp dẫn và được nhiều thực khách ưa chuộng nhất là món sam nướng. Đặc biệt, những con sam cái khi vào mùa sinh sản thường mang bụng trứng to, giàu đạm nên khi nướng lên trở thành món ngon khó quên.
Thường người ta vứt bỏ sam đực bởi ít thịt, chỉ bắt sam cái. Sam sơ chế khá kỳ công và hết sức cẩn thận. Người đầu bếp phải cắt tiết sao cho thành tia để thịt sam giữ nguyên mùi vị tự nhiên. Toàn bộ phần vây, gan, ruột được lọc bỏ. Phần thân dưới của sam được tách ra nướng riêng, còn phần trứng thì sẽ được ướp mỡ hành, gia vị và đậu phộng, sau đó để nguyên phần mai có trứng lên bếp than để nướng.
Vào mùa sam sinh sản (từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch), số lượng nhà hàng bán các món từ sam nhiều hơn những thời điểm khác trong năm. Sam biển là loại hải sản không thể nuôi trồng được vì chúng chỉ sống ở môi trường tự nhiên, khi bị bắt lên bờ chúng không thể sống quá ba ngày.
Sam biển là món ăn ngon, được nhiều người ưa thích trên bàn nhậu. Tuy nhiên, ăn nhầm phải sam nhỏ hay so biển, thực khách sẽ bị ngộ độc và có nguy cơ trả giá bằng tính mạng mình.
4. Đặc sản hải sâm
Hải sâm còn gọi là đỉa biển vì nó có hình dáng như con đỉa. Hải sâm có giá trị cao trong trị bệnh, vì vậy nó còn được gọi là "nhân sâm của biển cả". Thịt hải sâm là một trong 8 món ăn "cao lương mỹ vị" nổi tiếng (bát trân) của phương Đông cùng với yến sào, bào ngư, vây cá...
Hải sâm được coi là món cao lương mỹ vị không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia. Chúng thường được chế biến bằng cách làm súp, hầm, om hoặc sấy khô để dùng dần. Tuy nhiên, người Nhật lại thích ăn hải sâm tươi với một chút giấm.
Với họ, món ăn có hương vị rất tinh tế nhưng với những người khác, nó khá khó nhằn và có phần nhạt nhẽo. Chính vì thế, hải sâm đã được coi là một trong “tứ đại danh thái” (bốn loại thực phẩm nổi tiếng) cùng với óc khỉ, tay gấu và yến sào của ẩm thực cổ truyền phương Đông và được mệnh danh là nhân sâm của biển cả. Về mặt thực phẩm, nhiều y gia coi thịt hải sâm là một trong tám món ăn “cao lương mỹ vị” nổi tiếng (bát trân) của phương Đông cùng với yến sào, bào ngư, vây cá.
5. Cá bò hòm
Cá bò hòm thường sống trong các đầm vịnh và vùng biển lặng, có thể đánh bắt ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tuy nhiên, loài cá này sinh trưởng chậm và số lượng chỉ có rất ít nên luôn được coi là thứ thượng phẩm quý hiếm không dễ gì thưởng thức.
Cá bò hòm không dẹt, dài mà có bề ngoài vuông vức cùng lớp vỏ được tạo thành từ các khối lục giác cứng chắc. Có người cho rằng, cá bò hòm cùng họ với các loài cá có da dày và nhám như cá bò gù, cá bò da nên cũng được gọi là cá bò, còn hình dáng cái hòm.
Thân hình cá núc ních gần như không di chuyển được nhiều nên sức nặng đặt cả vào cái đuôi ngúc ngắc cùng bộ vây bé xíu ve vẩy hai bên nên khi bơi trông khá buồn cười. Tuy nhiên chế biến, thịt cá vô cùng đặc biệt, trắng như thịt gà, chỉ có xương sống và không có chiếc xương dăm nào.
Chế biến cá bò hòm theo kiểu nào cũng có hương vị riêng, nhưng ngon nhất chỉ có thể là món cá bò hòm nướng. Chỉ cần đặt cá lên bếp than hồng, cứ thế lật trở cho đều tới khi lớp da cháy đen lại là thịt cá đã chín.
Cá bò hòm ăn cùng với muối tiêu chanh, chút rau thơm và rau răm. Thịt cá ngọt thơm đến kỳ lạ, ăn rồi chỉ muốn ăn thêm nữa.
6. Cá tắc kè
Những ai lần đầu thấy cá tắc kè đều ngạc nhiên vì độ giống của loại cá này so với loài bò sát, nhất là phần đầu và phần thân. Khác với hình thức khá xấu xí bên ngoài, nhưng từ rất lâu cá tắc kè lại được người dân ở vùng biển trong tỉnh biết đến là loài cá có thịt vô cùng ngon.
Loại cá này có cách chế biến đơn giản là hấp hay nướng nhưng cách chế biến cá tắc kè ngon nhất là nướng trên lửa than. Cá đem về không cần đánh vảy, chặt bỏ vây, đuôi hay tẩm ướp bất kỳ loại gia vị nào; chỉ cần rửa sạch là đặt lên bếp than để nướng. Thịt cá đạt độ chín ngon nhất là khi lớp vảy, da của cá vừa chuyển màu, hơi sém.
Chỉ nướng lửa than thì loại cá này mới có thể làm "hết cơm, cạn rượu".
Giống cá bò hòm, khi ăn cá tắc kè chỉ cần gạt bỏ lớp da, vảy bên ngoài thì phần thịt cá màu trắng đục sẽ lộ ra. Vị ngọt, ngon và mùi thơm đến "điếc" mũi của món ăn sẽ khiến thực khách “thích mê”. Thịt cá tắc kè ngon đến độ còn mang lại cho người thưởng thức cảm giác tựa như khi ăn thịt gà đồng. Vì thế loài cá này còn được nhiều người ví gọi tên "gà biển" là vậy.
Cần thường xuyên trở để cá chín đều. Với màu thịt trắng đục và ngon, thơm dai như thịt gà, nên cá tắc kè còn được vì là "gà biển". Ngon, lạ miệng như vậy, nhưng giá bán của cá tắc kè ở vùng quê này lại “khá mềm" so với nhiều loại hải sản biển khác. Hiện tại ở các vùng biển, đảo Quảng Ngãi, giá cá tắc kè dao động từ 160-200.000 đồng/kg.