Dân Việt

Tuần sau, ngân hàng sẽ trả lời dứt điểm với một số ND về vốn vay

Thiên Hương 09/04/2018 11:59 GMT+7
Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, phối hợp UBND tỉnh Hải Dương tổ chức vào sáng 9/4, rất nhiều nông dân (ND) đã chia sẻ rằng: ND chúng tôi không thiếu sự chăm chỉ, nhưng rất bí bách về vốn. Mặc dù đã có nhiều gói cho vay ưu đãi lĩnh vực tam nông, nhưng đáng buồn là đến nay không có nhiều ND tiếp cận được, hoặc chỉ vay được rất ít.

Đến từ tỉnh Long An, nông dân Việt Nam xuất sắc Võ Quan Huy, người được mệnh danh là "Chúa đất miền Tây" với diện tích sản xuất khoảng 1.000ha đất chia sẻ tại hội nghị: "Hiện nay, để sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi, tôi đã thực hiện việc tích tụ ruộng đất theo chủ trương mà Chính phủ đang thực hiện. Quá trình thực hiện điều này, tôi thấy cá nhân mình và nhiều doanh nghiệp thực sự  rất có lợi khi có thể áp dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất lớn. Nhưng ngược lại, vẫn còn không ít khó khăn, trong đó phải kể tới vốn".

img

Ông Võ Quan Huy, nông dân tỉnh Long An. Ảnh: Lê Hiếu

"Tôi có nhà màng hiện đại nhưng vẫn không thể dùng nhà màng này để thế chấp ngân hàng. Trước đây, đã có lần Thủ tướng hứa sẽ có gói vốn 100.000 tỷ cho nông dân vay phát triển kinh tế nhưng đến nay vẫn chưa thấy vốn rót về. Vậy Thủ tướng có thể cho biết, bao giờ chúng tôi sẽ được tiếp cận với gói tín dụng này?" - ông Huy thẳng thắn hỏi. 

Về băn khoăn của ông Võ Quan Huy, cũng như ông Tô Hiến Thành (huyện Hiệp Hoà - Bắc Giang) và rất nhiều nông dân khác bày tỏ tại hội nghị, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: "Chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân có thể nói là sáng kiến rất hay. Thời gian qua, ngành ngân hàng đã thường xuyên có đối thoại với doanh nghiệp (DN), nhân sự kiện này, thời gian tới ngoài việc đối thoại với DN thường kì chúng tôi sẽ đối thoại với ND theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, thể hiện mối liên kết 6 nhà chặt chẽ, trong đó có nhà băng".

img

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Ảnh: Lê Hiếu

Ông Tú cho hay: "Tôi cũng xin công bố một vài con số về tình hình cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay. Hiện, tổng dư nợ cho vay tam nông đã đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ nền kinh tế; riêng tốc độ tăng trưởng vốn cho vay lĩnh vực tam nông đạt khoảng 20% (tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 7%). Điều đó cho thấy sự quan tâm sát sao của Đảng, Chính phủ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn".

Điển hình như cho vay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, dư nợ đã đạt 36.000 tỷ đồng, cho vay gần 6.400 khách hàng, trong đó chủ yếu cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với dư nợ đạt gần 31.286 tỷ đồng.

Một số chương trình tín dụng lớn về cho vay phát triển thuỷ sản, đánh bắt xa bờ cũng đã được các ngân hàng vào cuộc tích cực, với khoảng 10.700 tỷ đồng đã được triển khai ở Chương trình 67; chương trình hỗ trợ giảm tổn thất cũng nhiều hộ được nhận hỗ trợ, giảm lãi với dư nợ 4.829 tỷ đồng.

img

Ông Võ Quan Huy - lão nông được xem là có diện tích đất canh tác lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, với gần 1.000 ha, từ nuôi bò Úc, tôm cho đến trồng hơn 30 loại nông sản, trong đó có chuối. Ảnh: I.T

"Gần đây còn có nhiều chủ trương mang tính “khẩn cấp” cũng được Chính phủ, các ngân hàng quan tâm, ví dụ như trong đợt khủng hoảng lợn năm 2017, ngân hàng đã giảm lãi suất, khoanh nợ với giá trị lên tới hơn 3.200 tỷ đồng. Ngoài ra, trong chăn nuôi lợn tập trung các ngân hàng cũng đã cho vay với dư nợ 27.000 tỷ; những hộ nuôi lợn gặp khó khăn cũng được ngân hàng hỗ trợ khoảng 500 tỷ đồng" - ông Tú thông tin.

Cũng theo ông Tú: "Chúng tôi tổng hợp thấy có 9 chương trình lớn của Chính phủ liên quan đến vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Về phía ngân hàng, ví dụ Ngân hàng NNPTNT cũng có hơn 20 chương trình lớn cho vay ở nhiều lĩnh vực nông nghiệp, nhiều vùng kinh tế. NHCSXH cũng có rất nhiều chương trình lớn, bao phủ các vùng miền, với nhiều đối tượng được vay vốn ở những lĩnh vực có trọng tâm, trọng điểm".

Những gì phát sinh trong cuộc sống sẽ được xây dựng mới ngay, hoặc những gì vướng mắc vẫn đang tiếp tục được chỉnh sửa. Ví dụ như Nghị định 55 hiện đang bộc lộ nhiều vấn đề không còn phù hợp, Ngân hàng Nhà nước, Bộ NN&PTNT, các ngành liên quan đang phối hợp chỉnh sửa để hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.

Về lãi suất, đến nay đã giảm khoảng hơn 1 nửa so với đầu năm 2013 (từ 14% xuống về dưới 6,5%). Đây là điều tích cực nhằm giảm lãi suất cho vay, nhằm giảm bớt chi phí cho DN, hộ ND.

Riêng về tài sản thế chấp, theo Thông tư mới ban hành thì tài sản thế chấp không phải điều kiện duy nhất để được cho vay mà phải trên cơ sở quản lý dòng tiền. Theo đó, các hộ ND, các hộ vay vốn nếu chứng minh được dòng tiền, chứng minh được đồng vốn phát huy hiệu quả thì có thể được cho vay mà không cần thế chấp.

"Về câu hỏi của anh Võ Quan Huy, mấu chốt của vấn đề là quy mô sản xuất, tài sản của anh Huy có đảm bảo để các ngân hàng có cho vay hay không. Cách đây ít ngày, anh Huy cũng đã có buổi gặp đại diện nhiều lãnh đạo ngân hàng anh Huy cũng hỏi như vậy, và hôm nay anh Huy lại tiếp tục đặt lại vấn đề, hẳn là vấn đề của anh Huy chưa được giải quyết thoả đáng. Vì vậy tôi đề nghị ngay trong tuần tới, tôi và các ngân hàng thương mại sẽ ngồi làm việc với anh Huy, anh Tô Hiến Thành, để làm việc rõ ràng xem có vay vốn được hay không, vay được bao nhiêu, nếu không vay được thì lý do vì sao và phải công bố kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng" - ông Tú nhấn mạnh.