Xem xét lại quan hệ với IAEA
Bộ trưởng Ehud Barak cho biết, Israel đang xem xét những việc "cần phải làm kịp thời" xung quanh chương trình hạt nhân của Iran. "Sẽ không mất tới 3 năm nữa để Iran có thể hoàn thiện các cấp độ chế tạo vũ khí nguyên tử" - ông Barak khẳng định.
Iran thử nghiệm tên lửa hiện đại Tondar vào tháng 6.2011. |
Khi được hỏi liệu Nhà nước Do Thái có kế hoạch tấn công nhằm vào Iran hay không, bộ trưởng Quốc phòng cho biết: "Đây không phải là vấn đề có thể đưa lên truyền thông đại chúng". Giới phân tích cho rằng, cuộc đối thoại trên của ông Barak dường như ám chỉ tới khả năng sẽ mở một chiến dịch ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Tehran.
Căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đặc biệt gia tăng vào tuần trước, khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) công bố báo cáo mới nhất cho rằng các hoạt động hạt nhân của Iran có thể có những "yếu tố quân sự".
Phản ứng trước bản báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani ngày 20.11 tuyên bố: Quốc hội nước này sẽ xem xét lại quan hệ với IAEA, đặc biệt là cách thức hợp tác của Iran với IAEA. Tehran một lần nữa khẳng định việc nước này làm giàu urani là dành cho các mục tiêu dân sự, không phải để phát triển vũ khí hạt nhân như phương Tây cáo buộc.
Sẽ dùng dầu mỏ làm đối trọng
Hiện Iran cho phép IAEA tiến hành hoạt động thanh sát định kỳ và hạn chế đối với những cơ sở hạt nhân mà Tehran công bố, song không tuân thủ Nghị định thư bổ sung của IAEA cho phép thực hiện kiểm tra đột xuất những nơi không được tuyên bố là địa điểm hạt nhân, trong đó có các cơ sở nghiên cứu và phát triển.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Iran Rostam Qasemi mới đây tuyên bố, Tehran "có thể sử dụng dầu mỏ làm công cụ chính trị trong trường hợp xảy ra bất cứ cuộc xung đột nào trong tương lai liên quan đến chương trình hạt nhân".
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al Jazeera, ông Qasemi nêu rõ, Iran sẽ buộc phải sử dụng biện pháp này nếu thấy cần thiết.
Iran cảnh báo sẽ đáp trả bất cứ cuộc tấn công nào bằng việc đánh vào các lợi ích của Israel và Mỹ ở vùng Vịnh, trong khi giới phân tích cho rằng Tehran có thể làm tổn hại lợi ích của phương Tây bằng cách đóng cửa tuyến vận tải hàng hải nhộn nhịp qua eo biển Hormuz.
Đây là tuyến vận chuyển dầu mỏ quan trọng nhất thế giới với 15,5 triệu thùng dầu trong năm 2009, tương đương 1/3 tổng lượng dầu được vận chuyển bằng đường biển trên thế giới.
Gia Khánh