Ông Nguyễn Trung Sâm - Ban tuyên giáo Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh cho biết, nếu trồng rau có kiểm định chất lượng định kỳ thì tốn chi phí. Điều này khiến nhiều người sản xuất e ngại. “Nhưng khi đã được cấp giấy chứng nhận rau sạch thì giấy này lại không có mấy giá trị ngoài thị trường khi giá rau sạch với không sạch ngang nhau. Đây vẫn là chỗ khó trong việc quản lý chất lượng” - ông Sâm nói.
Nông dân phun thuốc BVTV cho hoa màu tại đồng ruộng. Ảnh: N.V
Chia sẻ điều này, ông Huỳnh Công Chức - Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Bình Chánh (TP.HCM) cho biết người sản xuất còn e ngại để được cấp giấy chứng nhận và tái chứng nhận sản phẩm an toàn. Việc khuyến khích nông dân làm theo tiêu chuẩn VietGAP cũng không hề dễ khi khác biệt về giá giữa rau sạch và không sạch chưa tạo được động lực cho người dân.
“Việc lấy mẫu phân tích tốn nhiều thời gian mới biết kết quả. Trong lúc chờ đợi thì lô sản phẩm còn lại (cùng lô lấy mẫu) đã được đưa vào lưu thông, tiêu thụ. Nếu kết quả có dư lượng vượt ngưỡng cũng không kịp thời ngăn chặn, tiêu hủy” - ông Chức chia sẻ.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh, hiện nay khó khăn lớn nhất trong việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký giấy chứng nhận VietGAP là triển khai quy hoạch vùng sản xuất ở các địa phương còn chậm, nhiều địa phương vẫn chưa quy hoạch được vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn sạch, hoặc quy hoạch còn manh mún, dẫn tới nhiều khó khăn cho nông dân.