Chương trình “Văn hiến Kinh kỳ” diễn ra tại sân Điện Cần Chánh ngày 28.4 và 30.4 là một chương trình nghệ thuật kết hợp hát múa, diễn xướng, hoạt cảnh, ngâm thơ, âm nhạc cùng nhiều yếu tố cộng hưởng trong nghệ thuật sân khấu khác... Lịch sử hào hùng của đất nước Việt Nam trong thế kỷ XIX được kể lại bằng ngôn ngữ nghệ thuật cung đình và nghệ thuật truyền thống Huế, nổi bật 5 di sản văn hóa được thế giới công nhận là Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình, Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Đây sẽ là một điểm nhấn thú vị và ấn tượng trong các chương trình nghệ thuật tại Festival Huế 2018.
Nghệ thuật cung đình Huế.
Chương trình nghệ thuật “Âm vọng Sông Hương”, diễn ra trên sông Hương là câu chuyện kể về vòng đời của người dân sông nước Huế... Chương trình là bức tranh thủy mặc về cảnh quan sông nước, về chân dung, về một góc làng chài nhỏ, một cây đa, giếng nước, sân đình cùng với tình yêu, cuộc sống, lao động chài lưới của người dân Huế.(ảnh)
Ngoài ra còn có chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng niềm tin” của Phật giáo ngày 1.5, là sự kết hợp các nghi lễ thả đèn hoa đăng trên sông Hương, cầu quốc thái dân an. Lễ Tế giao sẽ được tổ chức sáng 27.4 tại Đàn Nam Giao. Đây là lễ tế được xem quan trọng nhất trong các nghi lễ thuộc hàng đại tự của triều Nguyễn.
Từ Festival Huế năm 2004, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phục dựng lại lễ tế Nam Giao ở đàn Nam Giao triều Nguyễn. Đây là một điểm nhấn văn hóa mang tính bảo tồn và giáo dục cao, gắn kết với các kỳ Festival Huế, giới thiệu đến với công chúng trong nước và quốc tế những giá trị văn hoá cung đình đặc sắc của triều Nguyễn - triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam.
“Âm sắc Việt” luôn có mặt tại Festival Huế nhằm tôn vinh tinh hoa âm nhạc truyền thống qua nghệ thuật trình tấu điêu luyện hai dòng nhạc dân gian và bác học của hát Xẩm - hát Chèo, Ca Huế - Nhã nhạc. Đây sẽ là cuộc đối thoại lý thú tại không gian tao nhã và sang trọng của Cung Diên Thọ, Đại Nội Huế.
Đây là lễ tế được xem quan trọng nhất trong các nghi lễ thuộc hàng đại tự của triều Nguyễn.
Ngoài ra, Festival Huế năm nay, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ giới thiệu Dân ca Ví, Giặm, "đặc sản" riêng có của vùng quê Nghệ Tĩnh, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, gắn bó với người dân nơi đây và trở thành loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo.Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế trực thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, giới thiệu Nhã nhạc, múa Cung đình...
Cùng với các loại hình nghệ thuật đầy bản sắc của các đoàn nghệ thuật quốc tế, Festival Huế 2018 hứa hẹn là một lễ hội tôn vinh giá trị di sản văn hóa các dân tộc.