Dân Việt

Xuất khẩu chè giảm sút liên tục do mắc... “bệnh cũ”

Khánh Nguyên 11/04/2018 19:05 GMT+7
Những tháng đầu năm 2018, chè là một trong những mặt hàng có sự giảm sút cả về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu (XK). Cụ thể, khối lượng XK chè 3 tháng đầu năm đạt 25.000 tấn, giá trị kim ngạch 39 triệu USD, giảm 9,7% về lượng và 4,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Theo lý giải của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), ngoài lý do nhu cầu tiêu dùng giảm còn do chất lượng sản phẩm chè chưa được cải thiện.

Hạng 5 thế giới nhưng không có tên tuổi

Cho đến thời điểm này, Việt Nam đang là nước sản xuất chè lớn thứ 7 và có sản lượng XK chè lớn thứ 5 thế giới, với 124.000ha trồng chè và hơn 500 cơ sở sản xuất chế biến, công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô/năm.

Trả lời phóng viên về nguyên nhân sụt giảm khối lượng và kim ngạch XK của ngành chè những tháng đầu năm 2018, ông Trần Văn Công - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, ngoài nguyên nhân giá đồ uống thế giới có xu hướng giảm do cung vượt cầu, đặc biệt là cà phê, chè, ca cao, thì phẩm cấp chè Việt chưa cao, chưa có thương hiệu là lý do chính khiến bao năm qua chè Việt muốn ra nước ngoài vẫn phải “núp” dưới một cái tên khác.

Đa phần chè Việt Nam vẫn chủ yếu XK sang các thị trường dễ tính, rất ít sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn XK vào các thị trường yêu cầu chất lượng cao như EU, Mỹ…

img

 Cần thiết phải tổ chức sản xuất theo chuỗi để nâng cao chất lượng chè. Ảnh minh họa

“Ngành chè đang phụ thuộc quá nhiều vào Pakistan, thị trường vốn không có sự ổn định về chính trị nên nhu cầu bị ảnh hưởng. Trong khi một số thị trường lớn như Trung Quốc, Đài Loan lại có những yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng so với trước, khiến khối lượng, kim ngạch xuất khẩu chè giảm nhẹ”- ông Công nói.

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, cách thức trồng, chế biến chè hiện không tuân thủ tiêu chuẩn nên rất khó đảm bảo chất lượng. So với các nước trong khu vực, chè Việt Nam đang có giá XK thấp nhất, chỉ bằng 60-70% giá chè thế giới. Nguyên nhân được cho là do không đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng chè chưa tốt. Việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh cho chè ở nhiều nơi còn khá tuỳ tiện. Những năm trước, đã có hàng tấn chè bị bạn hàng trả về do hàm lượng tạp chất và các chất không đạt tiêu chuẩn.

Đó là chưa kể tình trạng cạnh tranh thu mua nguyên liệu, XK thường xuyên xảy ra, dẫn đến sản xuất, kinh doanh chè không ổn định và giá cả bấp bênh. Điều này vô tình làm giảm uy tín chè Việt.

Thâm nhập thị trường phân khúc cao

Thời cơ đang rất thuận lợi cho chè Việt Nam. Lịch sử trồng chè lâu đời, với những đồi chè và cây chè cổ thụ đã tồn tại qua nhiều thế hệ là những điều mà người tiêu dùng Mỹ rất hứng thú, đặc biệt là đối với phân khúc chè đặc sản”.
Ông Peter Goggi 

Ông Trần Văn Công khẳng định, trong định hướng phát triển của Bộ NNPTNT, vấn đề xây dựng thương hiệu cho ngành chè phải được ưu tiên. Bên cạnh đó, phải nỗ lực thay đổi hình ảnh, thay đổi tư duy sản xuất để nâng cao chất lượng, từ đó có cơ hội thâm nhập vào những thị trường khó tính.

Hiện nay, Ban chỉ đạo phát triển chè bền vững và Hiệp hội Chè Việt Nam đã khuyến cáo các địa phương phân chia vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến gắn liền với người nông dân. Trong đó, Nhà nước cần đứng ra phân vùng nguyên liệu để các nhà máy có trách nhiệm với nông dân, còn nông dân gắn bó với nhà máy, cung ứng đầu vào đảm bảo tiêu chuẩn.

Theo các chuyên gia, các nhà sản xuất chè Việt Nam vẫn được khách hàng thế giới biết đến về khả năng cung cấp khối lượng lớn, giá rẻ, đi kèm với điều này là chất lượng cũng ở mức trung bình. Thách thức lớn trước mắt là phải thay đổi được hình ảnh này bằng cách tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.

Ông Peter Goggi - Chủ tịch Hiệp hội Chè Mỹ cho biết: “Người tiêu dùng Mỹ đã quen dùng một số loại chè nhất định. Đó là một thách thức. Song, sự độc đáo của chè Việt Nam, hương vị thơm ngon, cùng với lịch sử trồng chè lâu đời là thế mạnh trong thị trường chè đặc sản”.

Hiện có tới 158 triệu người Mỹ uống trà mỗi ngày. Tính ra, mỗi năm người Mỹ chi hơn 80 tỷ USD cho các sản phẩm trà. Đây được xem là thị trường tiềm năng cho sản phẩm chè đặc sản cao cấp của Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia chè quốc tế nhấn mạnh Mỹ là thị trường khó tính, có tiêu chuẩn cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để có thể tạo dựng được thương hiệu chè Việt tại Mỹ và nhiều thị trường khó tính khác, các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp Việt cần có sự đầu tư nghiêm túc và kiên trì vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo mẫu mã và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, cũng cần mở những chiến dịch quảng bá, khai thác những câu chuyện lý thú về lịch sử trồng chè và văn hóa thưởng trà của người Việt. /.