Bế tắc kéo dài 11 ngày đã kết thúc sau khi các nhà ngoại giao soạn thảo một lá thư nhằm thỏa mãn yêu cầu của Trung Quốc về một lời xin lỗi chính thức, trong khi vẫn đảm bảo giữ được quan điểm của Tổng thống Bush là không xin lỗi về sự kiện mà Chính phủ Mỹ cho rằng đó là một tai nạn, Guardian đưa tin.
Chiếc EP-3 của Mỹ sau vụ va chạm với chiến đấu cơ Trung Quốc
Ngày 1/4/2001, một máy bay do thám Lockheed EP-3 của Hải quân Mỹ hoạt động ở cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 112km. Trong khi tiến hành chuyến bay thường lệ tại không phận quốc tế nhưng ở trên vùng đặc khu kinh tế trên biển của Trung Quốc, chiếc EP-3 bị hai chiến đấu cơ F-8 của Trung Quốc chặn.
Cặp chiến đấu cơ của Trung Quốc vài lần bay tạt qua chiếc EP-3 và mỗi lần lại tiến sát hơn. Trong lần tiếp cận cuối cùng, vào khoảng 9h sáng, một trong hai chiếc F-8 va chạm với chiếc EP-3. Đội bay gồm 24 người của máy bay Mỹ không hề hấn gì song phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Lingshui trên đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Toàn bộ thành viên đội bay của chiếc EP-3 bị Trung Quốc bắt giữ suốt 11 ngày. Chiếc chiến đấu cơ F-8 của Trung Quốc đâm xuống biển và phi công Wang Wei đã thiệt mạng.
Về vụ va chạm, theo lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc, “một máy bay Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động bình thường, cách đảo Hải Nam 10km về phía nam thì một máy bay của Mỹ tiến lại”. Phía Trung Quốc cáo buộc phi công Mỹ tiến vào lãnh thổ nước này trái phép khi hạ cánh khẩn cấp xuống Hải Nam mà không xin giấy phép trước.
Washington và Bắc Kinh bất đồng về nguyên nhân vụ va chạm cũng như thời điểm, cách thức trả tự do cho các quân nhân lẫn máy bay Mỹ. Hai bên cũng tranh cãi về việc liệu Chính phủ Mỹ có "xin lỗi" hay không và liệu người Trung Quốc có quyền lên máy bay Mỹ, tìm hiểu các thiết bị trên đó.
Bế tắc giữa hai nước chỉ kết thúc khi Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc thời đó là Joseph Prueher trao một lá thư của Mỹ cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong đó Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ lấy làm tiếc về sự việc.