Dân Việt

Giá heo sụt giảm, doanh nghiệp chăn nuôi “ngậm ngùi” báo lỗ với cổ đông

Quốc Hải 13/04/2018 15:21 GMT+7
Mùa đại hội cổ đông thường niên 2018, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành chăn nuôi phải ngậm ngùi báo cáo trước cổ đông về kết quả kinh doanh năm 2017 có phần “bết bát” vì ảnh hưởng của giá heo sụt giảm kéo dài trong hơn 1 năm qua...

img

Vissan hiện phải đóng cửa khoảng 60 cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở TP.HCM

Giá thịt heo hơi liên tục rớt từ quý 4.2016 và kéo dài trong suốt năm 2017 không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ chăn nuôi mà còn đe dọa kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chăn nuôi. Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư nhóm cổ phiếu này cũng nhấp nhổm nhìn giá cổ phiếu “lao dốc” từng ngày.

Kinh doanh bết bát, cổ phiếu đua nhau... “đỏ sàn”

Có kết quả kinh doanh “thê thảm” nhất trong năm 2017 có lẽ là Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán DBC). Theo báo cáo tài chính (BCTC) công bố, tổng doanh thu thuần cả năm của DBC đạt trên 5.855 tỷ đồng, giảm 6,4% so với năm 2016. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt được cả năm 2017 của DBC chỉ đạt hơn 200 tỷ đồng, giảm 56% lợi nhuận so với năm 2016 và mới hoàn thành gần 62% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.

Đáng chú ý, trong cơ cấu doanh thu năm 2017 của Dabaco, có thể thấy đã có sự dịch chuyển khá rõ ràng giữa các mảng kinh doanh. Cụ thể, doanh thu từ thức ăn gia súc năm 2016 đạt 3.858 tỷ đồng, đóng góp 58% tổng doanh thu thì bước sang năm 2017, mảng này chỉ đạt gần 3.030 tỷ đồng, chiếm 49% tổng doanh thu. Doanh thu từ nuôi gia công, chế biến thực phẩm đạt trên 1.017 tỷ đồng, đóng góp 16,5% tổng doanh thu trong khi năm 2016 mảng này đóng góp đến 18% tổng doanh thu.

Đặc biệt, doanh thu từ kinh doanh dịch vụ BĐS, hoạt động xây dựng đạt 859 tỷ đồng, tăng đột biến so với con số 28 tỷ đồng đạt được năm 2016.

Kết quả kinh doanh năm 2017 của Dabaco giảm sút khiến giá cổ phiếu DBC trên thị trường chứng khoán cũng lao dốc mạnh. Cụ thể, thời điểm hiện tại, cổ phiếu DBC chỉ giao dịch quanh vùng giá 21.000 - 22.000 đồng/CP, trong khi thời điểm đầu năm 2018, cổ phiếu này còn ở vùng giá 28.000 - 29.000 đồng; và thời điểm đầu năm 2017, cổ phiếu DBC ở vùng giá 37.000 - 38.000 đồng/CP.

Được biết, dự báo năm 2018 cũng vẫn còn tiếp tục khó khăn nên Dabaco đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh với tổng doanh thu ước đạt hơn 9.296 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mục tiêu 9.265 tỷ đồng đặt ra cho năm 2017, song mục tiêu lãi trước thuế cả năm 2018 chỉ khoảng hơn 281 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 246,34 tỷ đồng, giảm sút 23% so với mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm 2017.

Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico, mã chứng khoán VLC) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Kết thúc năm 2017, tổng lợi nhuận trước thuế của VLC đạt 202,5 tỷ đồng, giảm gần 12% so với con số 229,3 tỷ đồng của năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 188 tỷ đồng, giảm 26 tỷ đồng so với năm 2016 và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm khoảng 32 tỷ đồng so với năm 2016.

Mới đây nhất, VLC cũng thông qua kế hoạch thoái hết vốn tại Công ty CP Chăn nuôi Miền Trung. Thời gian hoàn thành việc thoái vốn chậm nhất là ngày 30.4.2018.

Kết quả kinh doanh này cũng khiến cổ phiếu VLC thời điểm hiện tại chỉ còn 16.000 đồng/CP, giảm mạnh so với mức giá 19.000 đồng/CP thời điểm cuối năm 2017.

Công ty CP Chăn nuôi - Mitraco (mã chứng khoán MLS) cũng có kết quả kinh doanh năm 2017 ảm đạm. Cụ thể, trong năm MLS lỗ gần 12 tỷ đồng trong khi năm 2016 lãi hơn 3,44 tỷ đồng. Doanh thu sụt giảm 30%, còn 236 tỷ đồng, trong khi chi phí giá vốn bỏ ra còn lớn hơn cả doanh thu (267 tỷ đồng), thêm các khoản chi phí khác khiến Mitraco ghi nhận lỗ gần 46 tỷ đồng. Lũy kế đến cuối năm 2017, công ty còn lỗ gần 44 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn hơn 6,3 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu 40 tỷ đồng.

Trong khi đó, mặc dù giá heo hơi rớt giá, Công ty CP Kỹ nghệ súc sản - Vissan (mã chứng khoán VSN) - một công ty chế biến - cũng không mấy khả quan. Cụ thể, mặc dù lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 165 tỷ đồng, tăng 6% so với kế hoạch và lợi nhuận sau thuế gần 130 tỷ đồng nhưng tổng doanh thu năm 2017 của Vissan đạt 3.899 tỷ đồng, chỉ đạt 86% kế hoạch. Đặc biệt, tại TP.HCM, Vissan chỉ còn có khoảng 40 cửa hàng giới thiệu sản phẩm và phải đóng cửa 60 cửa hàng vì hoạt động không hiệu quả.

Kỳ vọng gì vào năm 2018?

Theo dự báo của Công ty Nghiên cứu Thị trường Toàn cầu Ipsos Business Consulting, năm 2018, Việt Nam mới hết thừa thịt heo.

Cụ thể, theo Ipsos Business Consulting, nhu cầu tiêu thụ thịt heo nội địa vẫn tiếp tục tăng đều, trong khi nguồn cung sẽ tăng ở mức khống chế, dẫn đến số heo thịt dư thừa trên thị trường có khả năng sẽ giảm từ 7,05 triệu con năm 2016 xuống 200.000 con khi kết thúc 2017 và chỉ còn khoảng 100.000 con năm 2018.

“Đàn heo nái Việt Nam được khống chế tăng ở mức ổn định, nguồn cung so với nguồn ra thị trường của heo thịt sẽ được cân bằng hơn trong tương lai gần, và sẽ đẩy giá heo hơi tăng trở lại. Tuy nhiên, cần phải giám sát chặt chẽ việc triển khai cắt giảm đàn nái thì mới “khống chế” được sự khủng hoảng thị trường”, Ipsos Business Consulting, đánh giá.

Cũng có cái nhìn lạc quan về thị trường, ông Nguyễn Ngọc An, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vissan cho rằng, năm 2018, hoạt động chăn nuôi sẽ có chuyển biến tích cực hơn so với năm 2017, nhiều trang trại trở lại chăn nuôi, đàn heo nái được khống chế tăng ở mức ổn định, nguồn cung ra thị trường cân bằng hơn.

“Đặc biệt, giá heo hơi dự báo tăng và sản lượng thịt heo nhập khẩu sẽ tăng so với năm 2017 nhờ việc xóa bỏ thuế nhập khẩu thịt heo theo hiệp định EVFTA và AEC”, ông An dự báo.