Dân Việt

Chia sẻ nghẹn ngào của Thanh tra giao thông An Giang bị mất việc

Huỳnh Xây 14/04/2018 06:00 GMT+7
Đã có bằng Đại học Luật, bằng chuyên viên quản lý nhà nước, trung cấp chính trị, nhận được kỷ niệm chương vì sự nghiệp thanh tra, được quy hoạch lên Đội phó đội thanh tra giao thông nhưng ông H vẫn bị Sở GTVT tỉnh An Giang cho nghỉ việc sau 15 năm công tác.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong 13 người làm công tác chuyên môn tại bộ phận thanh tra thuộc Sở GTVT tỉnh An Giang vừa bị cắt hợp đồng lao động, trường hợp của ông V.M.C.H rất đặc biệt.

img

Một đoạn trong đơn xin cứu xét của ông H gửi các cơ quan chức năng tỉnh An Giang

Trong đơn xin cứu xét gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh An Giang, ông H cho biết, bản thân vào làm việc tại bộ phận thanh tra thuộc Sở GTVT tỉnh An Giang vào năm 2002, đến nay khoảng 15 năm, có nhiều thành tích và không vi phạm kỷ luật gì nhưng vẫn bị cắt hợp đồng.

Gặp phóng viên, ông H trình bày: “Tôi được cơ quan quy hoạch nhân sự lên Đội phó đội thanh tra giao thông số 1 (TP.Long Xuyên), được cho đi học Đại học Luật và đã có bằng chuyên viên quản lý nhà nước, trung cấp chính trị, nhận được kỷ niệm chương vì sự nghiệp thanh tra nhưng vẫn không được xem xét giữ lại”.

Ông H còn cho biết thêm: “Bản thân tôi là đảng viên, gia đình có truyền thống cách mạng từ thời chống Pháp cho đến chống Mỹ cứu nước, lập nhiều công trạng. Vấn đề này được thể hiện bằng giấy tờ, bằng khen rõ ràng nhưng vẫn không được cơ quan cấp trên quan tâm”.

img

Ông H được tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp thanh tra Việt Nam

“Trong quá trình công tác, tôi đã cố gắng nhiều, đủ điều kiện để được xét vào biên chế nhưng do sự thiếu trách nhiệm của một số cá nhân quản lý tổ chức, tôi vẫn còn là lao động hợp đồng và vừa bị thông báo cho nghỉ việc. Trong khi đó, có 18 người vào làm việc sau tôi nhiều năm, chỉ làm công việc văn phòng nhưng được Sở GTVT đề xuất lên lãnh đạo tỉnh để giữ lại” – ông H nói thêm.

Theo ông H, năm 2012, tức sau 10 công tác, ông đã cố gắng học tập, thi vào biên chế nhưng bị thiếu điểm 0,15 điểm môn Anh Văn. Đến năm 2017, ông làm đơn xin về công tác tại một đơn vị khác (cũng thuộc sự quản lý của Sở GTVT tỉnh An Giang) nhưng chưa được chấp thuận.

Giờ đây, không xin được việc làm, ông H không biết “kiếm đâu ra tiền nuôi con” trong khi đó số tiền bảo hiểm thất nghiệp không biết có được hưởng trọn vẹn hay không (Sở GTVT thừa nhận “quên đóng(?!)” bảo hiểm cho ông H và nhiều trường hợp lao động hợp đồng khác trong giai đoạn từ 2009-2014).

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Thơm – Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang cho biết: “Cũng như 12 trường hợp khác, ông H bị chấm dứt hợp đồng vì một số nguồn thu của cơ quan không còn, chủ trương chung của tỉnh là giảm biên chế và không còn ký hợp đồng nữa. Tôi cũng đã có tìm hiểu một số nơi để giới thiệu ông H vào làm việc nhưng không nơi nào có nhu cầu”.

Như Dân Việt trước đó đã thông tin, đầu tháng 2 vừa qua, 13 người làm công tác chuyên môn (theo hình thức hợp đồng lao động) tại bộ phận thanh tra thuộc Sở GTVT tỉnh An Giang bất ngờ nhận được thông báo “chấm dứt hợp đồng lao động”. Thời gian chấm dứt hợp đồng được tính từ ngày 1.1.2018 và có hỗ trợ lương cho 3 tháng tiếp theo.

Cho rằng lãnh đạo Sở GTVT không công bằng trong việc xem xét các trường hợp giữ lại, các trường hợp cần chấm dứt hợp đồng, đại diện 13 người trên đã gửi đơn xin cứu xét đến nhiều nơi.

Ông H cho biết, trước đây tiền lương kiếm được ở bộ phận thanh tra Sở GTVT tỉnh An Giang không nhiều nhưng cuộc sống cũng tạm ổn. Từ sau khi bị cho nghỉ việc đến nay, ông tìm đến nhiều nơi xin việc nhưng chưa được, gia đình đang lâm vào cảnh khó khăn.