Câu chuyện đau lòng về một cậu học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Khuyến (Thành phố Hồ Chí Minh) vừa tự tử ngay tại trường, trước khi quyên sinh có để lại bức thư tuyệt mệnh viết rằng vì không chịu được áp lực học hành từ gia đình, nhà trường khiến dư luận xôn xao bàn luận. Như thường lệ, mọi người lại đổ lỗi qua lại quanh cái trục "gia đình- nhà trường-xã hội"...
Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến cơ sở phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM (nơi em C. thiệt mạng)
Đọc câu chuyện trên, tôi chỉ dằn vặt trong đầu một tràng những câu hỏi: Người lớn gây áp lực lên việc học của con đến mức khiến cậu bé không chịu nổi, buộc phải tự tử, vậy cuối cùng, người ta mong muốn con đi học để làm gì???
Đây không phải lần đầu tiên một học trò vì quá stress trước áp lực học tập mà dại dột tìm đến cái chết. Còn những trường hợp các em học sinh học đến mức phát điên, bị tâm thần, phải dừng học giữa chừng để đi chữa trị càng không phải hiếm. Vấn đề ở chỗ, nếu chúng ta không có cái nhìn đúng đắn về sự việc này, rất có thể, đây sẽ không phải trường hợp cuối cùng nếu chúng ta vẫn tối ngày đè lên vai các em những trọng trách, mục tiêu, dự định, toan tính... của người lớn mà không quan tâm tìm hiểu xem các con, các em đang thực sự cần và muốn điều gì trong mỗi lần lên lớp.
Theo thông tin trên báo chí, cậu học trò dại dột kia đang có điểm học trung bình đạt 8,9 điểm. Điểm số ấy là ước mơ của hầu hết các thế hệ học sinh khi cắp sách đến trường. Vậy tại sao cậu trò kia vẫn phải thấy áp lực, lo lắng đến mức tìm đến cái chết? Phải chăng, vì số điểm ấy vẫn chưa bằng bạn bằng bè, chưa khiến thầy cô, bố mẹ hài lòng?
Chưa bao giờ việc học lại trở thành một áp lực khủng khiếp như giai đoan hiện nay. Khi đứa trẻ vừa mới biết nói, còn chưa biết mặt chữ, người lớn đã nghĩ ra đủ các loại hình lớp, các môn học thêm dành cho chúng.
Ngay từ lớp mầm non, một đứa trẻ nói chưa sõi, ăn còn phải ép, vậy mà người ta đã tính đến cho chúng những môn học thêm. Khi chúng lớn hơn chút nữa, đủ sức khoác chiếc cặp lên vai, người lớn lại chất lên đôi vai gầy gò ấy từ sáng đến tối cơ man nào là sách vở các loại. Hết học trên lớp đến học ngoại khóa, học thêm tại trung tâm, tại nhà cô giáo. Về đến nhà, nhiều bố mẹ vẫn chưa chịu buông tha, lại tiếp tục ép con mình vào điệp khúc... học!
Có cảm giác như, có nhiều đứa trẻ, chúng không có gì trong đầu ngoài từ "học". Học như thể để cướp được càng nhiều càng tốt kiến thức của nhân loại. Học như thể nếu không học là sẽ bị loại khỏi cuộc sống ngay lập tức. Học như thể nếu không đi học, chỉ cần có chút thảnh thơi thôi là bố mẹ chúng không biết ăn nói thế nào với bạn bè, đồng nghiệp. Học như thể nếu không học thì thầy cô sẽ bị đem ra kiểm điểm vì không nhồi nhét được hết kiến thức cho trò!?
Nhưng cuối cùng, cái mà chúng ta nhìn thấy ở cái xã hội học tập này là gì? Bên cạnh những mặt tích cực, có những con số khiến ta không thể không lưu tâm. Đó là, tỉ lệ tội phạm vị thành niên ngày càng tăng. Hiện tượng sống ích kỷ, lạnh lùng, không có ý thức đóng góp cho cộng đồng, phai nhạt lý tưởng sống của một bộ phận giới trẻ... ngày càng đáng báo động; Văn hóa giao tiếp, ứng xử của giới trẻ ngày càng lệch chuẩn, thiếu trong sáng, lịch sự.
Và mấu chốt vấn đề nữa là, mặc dù tỉ lệ bằng cấp ngày càng tăng, nhưng xót xa thay tỉ lệ thất nghiệp cũng tương đồng với nó. Rời ghế nhà trường, nhiều em học sinh cấp 3 vẫn chưa biết cắm nồi cơm điện hay chọn chế độ để giặt quần áo bằng máy giặt. Vậy, cách hướng cho con chỉ biết học và học, học bằng mọi giá, học trong mọi thời gian ấy có đúng đắn và cần thiết không? Trước khi đổ lỗi cho ngành giáo dục, tôi nghĩ mỗi bậc phụ huynh hãy tự nhìn lại mình. Đã bao giờ các ông bố bà mẹ hỏi xem con có muốn học không? Con học để làm gì? Con muốn tương lai của mình sau này sẽ trở thành thế nào hay chỉ biết áp đặt suy nghĩ của người lớn lên chúng?
Mấy ngày nay, bức thư lạ của một người được cho là hiệu trưởng một trường học tại Singapore lại được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Rõ ràng, đây không phải là điều mới mẻ, thậm chí, người ta còn biết đó là bức thư được lan truyền từ nhiều năm trước. Nhưng thông điệp mạnh mẽ mà bức thư đó gửi đi, rằng: "Đừng chạy theo thành tích, đừng quá đặt nặng điểm số của các bài kiểm tra như chúng ta thường làm với con cái" lại vô cùng thời sự, là lời cảnh tỉnh sâu sắc tới không ít bậc phụ huynh.
Con người muốn phát triển đương nhiên cần phải học. Việc học là không bao giờ đủ và ngay cả lúc già, người ta vẫn khuyến khích tiếp tục học. Nhưng, việc chủ động chọn môn học để tiếp thu, lĩnh hội kiến thức, học để mở mang hiểu biết, học để phục vụ cho công việc, cuộc sống... nó khác với việc học chạy đua để lấy thành tích, điểm số.
Phải để học là một thú vui, là sự tìm tòi, khám phá, thu nạp kiến thức, chứ không phải là "cuộc chiến". Bố mẹ nào cũng đều muốn con mình thành công, phát triển. Nhưng, con đường dẫn đến thành công có rất nhiều ngả, với nhiều cách đi. Vì vậy, nếu thật sự yêu con, hãy lắng nghe tâm nguyện và để cho đám trẻ được học theo mong muốn của chúng. Hãy để chúng được thành công theo đúng năng lực, sở trường mà mơ ước của mình.