Việc Mỹ tấn công Syria - một đồng minh của Triều Tiên - có thể khiến cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 5 tới càng thêm phức tạp. Ảnh: EA World View.
Theo CNN, quyết định tấn công Syria đang nằm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Bashar al-Assad – một đồng minh thân thiết với Triều Tiên – sẽ khiến kế hoạch gặp mặt giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vốn dự kiến ra vào tháng 5, gặp nhiều trắc trở.
“Đây chính là lý do tại sao Triều Tiên lại theo đuổi vũ khí hạt nhân”, ông Rodger Baker – Phó Chủ tịch công ty nghiên cứu chiến lược tình báo toàn cầu Stratfor nhận định. “Việc sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ khiến nguy cơ bị tấn công trừng phạt bị giảm thiểu đi rất nhiều”.
Trong quá khứ, Bình Nhưỡng đã nhiều lần lấy những lần Mỹ can thiệp quân sự trên thế giới làm lý do để duy trì chương trình hạt nhân của mình, cho rằng vũ khí hạt nhân là “nắm đấm răn đe” bất kỳ nỗ lực thay đổi chế độ nào của Mỹ.
Còn theo ông Dan Coat – giám đốc tình báo quốc gia của Tổng thống Trump, ông Kim coi hạt nhân là chìa khóa cho “sự sống còn của chính phủ”.
“Ông ấy đã thấy những gì xảy ra trên thế giới, hiểu được việc nắm trong tay lá bài hạt nhân sẽ tăng khả năng răn đe nhiều như thế nào”, ông Coat nói.
Bài học từ quá khứ
Vào tháng 12.2003, sau nhiều tháng thương lượng với Mỹ, nhà lãnh đạo Lybia Muammar Gaddafi đã đồng ý giải trừ toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học của mình. Tổng thống Mỹ lúc bây giờ là George W. Bush đã hoan nghênh động thái này và chào mừng Libya “trở lại với cộng đồng quốc tế”. Một năm sau đó, Thủ tướng Anh Tony Blair đã viếng thăm Tripoli khi ông Gaddafi được công nhận là một đối tác trong Cuộc chiến chống Khủng bố do Mỹ dẫn đầu.
Thế nhưng vào tháng 3.2011, Washington, London và cả NATO đã thất hứa, can thiệp giúp cho lực lượng đối lập lật đổ ông Gaddafi. Chỉ trong vòng vài tháng, nhà lãnh đạo này đã bị phiến quân bắt giữ, đánh đập và cuối cùng là bị hạ sát.
Số phận của nhà lãnh đạo Muammar Gaddfi sẽ mãi là bài học cho Triều Tiên về lời hứa của Mỹ
Vào cùng năm, một nhà ngoại giao Triều Tiên đã lên tiếng nhận định số phận của đại tá Muammar Gaddafi chính là “một bài học xương máu” về việc “phải có sức mạnh để bảo vệ hòa bình”. Sau khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền cũng vào năm 2011, Bình Nhưỡng đã nhanh chóng tăng tốc việc thử tên lửa hạt nhân của mình. Thành quả là vào tháng 11.2017, nước này đã công bố một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới được cho là có khả năng bao trùm nước Mỹ.
“Trường hợp của Lybia chính là ví dụ rõ ràng nhất về lời hứa của người Mỹ”, ông Baker chỉ ra.
Một ví dụ khác cho sự thay đổi chóng mặt của chính quyền Mỹ là động thái chỉ trích và đe dọa rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vốn phải rất vất vả mới đạt được dưới thời Tổng thống Barack Obama. Theo đó, dù Tehran đã đồng ý vào năm 2015 rằng sẽ giới hạn chương trình hạt nhân chỉ dành cho mục đích năng lượng, Tổng thống Trump vẫn cáo buộc thỏa thuận này “đầy lỗ hổng tai hại”, đồng thời đe dọa hủy bỏ thỏa thuận nếu việc thử tên lửa ICBM của Iran không bị hạn chế.
“Triều Tiên đã tự rút ra bài học của riêng mình: không thể mong đợi nước Mỹ giữ lời”, ông Mike Chinoy – một học giả thuộc Viện Mỹ-Trung Quốc của trường Đại học Nam California nói với CNN. “Vì thế họ vẫn cứ phát triển càng nhiều đầu đạn càng tốt và tuyên bố ‘Triều Tiên có khả năng tấn công Loss Angeles đấy, thách Mỹ dám làm gì’”.
Bế tắc phi hạt nhân
Hiện tại, chưa cần tới vũ khí hạt nhân, Triều Tiên đã có một lợi thế răn đe lớn: một quân đội thường trực khổng lồ và một lượng lớn pháo cối nhắm vào thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Bình Nhưỡng sẵn sàng từ bỏ “quả đấm thép” của mình.
“Trường hợp của Syria sẽ được người Triều Tiên mang ra khi thảo luận với Mỹ”, chuyên gia Baker của Stratfor khẳng đinh.
Đến thời điểm hiện tại, cuộc tấn công Syria vào hôm nay (14.4) sẽ khiến Bình Nhưỡng phải đặt ra một câu hỏi: “phi hạt nhân hóa” theo kiểu Mỹ là như thế nào?