"Hô biến” đất “chết” thành mô hình 5 có
Vượt hơn 200 km, đoàn chúng tôi đã phải chật vật vượt hơn 30km với những vách đèo cheo leo để có mặt tại bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An). Được biết, bản Huồi Sơn là biên giới sát nước bạn Lào, nơi đây trước kia là địa hình phức tạp, thường xuyên xuất hiện nhưng những đối tượng phản động gây bất ổn về tình hình an ninh chính trị địa phương. Nhận thấy được điều đó, UBND huyện Tương Dương và các chiến sỹ BĐBP Tam Hợp đã đồng lòng hỗ trợ, đầu tư xây dựng nhà cửa, giúp dân nguồn vốn sản xuất và bước đầu đã gặt gái được nhiều thành công.
Từ khu đất bị bỏ hoang nhiều năm về trước, nơi đây đã được phủ xanh bằng hàng trăm gốc cây chanh leo xanh tốt
Ngay từ ngày đầu lập nghiệp, Tổng đội thanh niên xung phong 9 ở bản Huồi Sơn đã tiến hành chia diện tích đất nơi đây thành diện tích đất lâm nghiệp và diện tích “mặt nước nuôi trồng thủy sản” (vùng đất thấp gần khe suối sẽ được đào làm ao nuôi cá hồi).
Xung quanh ao hồ được khoanh vùng để nuôi gà đen rừng bằng cách nuôi truyền thống, gà được thả tự do trong một không gian rộng lớn dưới tán lá cây. Thức ăn chính của gà chủ yếu là tìm kiếm các loại thức ăn có sẵn trong tự nhiên như giun đất, kiến mối, rau cỏ nên thịt gà đen rừng nơi đây rất săn chắc và có vị thơm ngọt được nhiều người tin tưởng đặt hàng trước. Mô hình này ngày càng được nhân rộng với hơn 500 con gà rừng lớn và nhỏ, hàng năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng.
Hơn 500 con gà rừng đen được nuôi đẻ trứng và nhân giống bằng lò ấp
Ở địa hình cao hơn một chút, dân bản dựng chuồng nuôi heo rừng cụ thể là nuôi giống lợn Mán. Giống lợn này có sức đề kháng cao, ít tốn công chăm sóc và có thể tự thụ tinh mà không cần can thiệp của con người. Đặc biệt, chi phí bỏ ra cho chăn nuôi thấp, chuồng trại khá đơn giản, một con lợn Mán sau gần một năm tuổi sẽ được xuất chuồng với giá 140.000 đồng/kg.
Vùng đất cao hơn, dân bản ở đây thường gọi là “đất lâm nghiệp” trước đây bị bỏ hoang thì giờ đã được phủ xanh bởi cây chanh leo và cây nghệ đỏ. Mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Trung bình một lứa trồng cây chanh leo sẽ lấy quả trong vòng 2 – 3 năm mới phải thay lứa cây mới. Đối với cây nghệ đỏ, dân bản Huồi Sơn đã có thương hiệu riêng của mình và đang chuẩn bị nhân rộng ra các đại lý ở các tỉnh thành trong nước. Điều đặc biệt, nông sản thu hoạch nơi đây được đánh giá “sạch” và có nhiều người tin dùng bởi dân bản nói không với tất cả hóa chất, chất kích thích đang được sử dụng tràn lan trên thị trường hiện nay.
Xóa đói giảm nghèo bền vững
Trao đổi với PV Dân Việt, chị Vừ Y Dìa, người dân bản Buồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương) chia sẻ: “Trước đây, gia đình em chỉ kiếm cái ăn qua ngày bằng việc đi rừng đào măng, hái rau rừng. Nếu hôm nào không đi rừng thì ở nhà chơi, có nhiều thì ăn nhiều, có ít thì ăn ít. Từ khi Tổng đội thanh niên xung phong số 9 động viên và khuyến khích chúng em xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp này, gia đình em không những có đủ bữa ăn hằng ngày mà còn có thể tiết kiệm một chút ít tiền làm vốn.”
Người dân đang thu hoạch nghệ đỏ để bản cho tổng đội với giá 10.000 đồng/kg
Anh Vương Trung Uý - Phó Tổng đội trưởng thanh niên xung phong số 9 thông tin thêm: “Thời gian đầu khai phá vùng đất này cực kỳ khó khăn bởi địa bàn giáp biên giới, nhiều người dân không biết tiếng Kinh. Từ việc người dân bản không biết làm gì chỉ vào rừng săn bắn. Mỗi hộ được hỗ trợ 30 triệu đồng để làm nhà và phát triển chăn nuôi. Giờ đây, cuộc sống của những gia đình tại bản đã khấm khá hơn trước rất nhiều”.
Thức ăn cho những chú lợn rừng rất đơn giản bởi nó có sẵn trong tự nhiên nhu bẹ chuối, rau, cỏ, bắp,...giá lợn thành phẩm dao động từ 100.000 đồng đến 140.000 đồng/kg.
“Nhờ có sự quan tâm của Trung ương đoàn và Nhà nước đã đầu tư xây dựng công trình văn hóa, điển hình là sự ra đời của tổng đội thanh niên xung phong lập nghiệp số 9 cùng với sự nổ lực vươn lên làm giàu đã giúp cho cuộc sống của bà con bản Huồi Sơn nơi đây ổn định và khẩm khá hơn trước rất nhiều.”, bà Lương Thi Đạo - Phó chủ tịch UBND xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết.
Thực hiện Nghị quyết số 22 ngày 26.3.1986 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, theo sự đề nghị của Ban Thường vụ tỉnh đoàn Nghệ An, vào ngày 1.9.1986 UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định thành lập Tổng đội TNXP-XDKT Nghệ An. Đây được xem là mô hình hoàn toàn mới trên phạm vi cả nước đồng thời là mô hình hoàn toàn mới trên phạm vi tỉnh Nghệ An. Theo đó, nhiệm vụ khai phá vùng đất mới được hoàn thành và đưa vào sản xuất ổn định hơn trước. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng nhằm tạo điều kiện để thu hút đầu tư và mở rộng sản xuất, mở mang ngành nghề. |