Dân Việt

Tận diệt chim rừng mùa sinh sản: Đam mê hay tội ác?

Tuấn Ngọc 15/04/2018 19:05 GMT+7
Từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm, tiết trời ấm lên, mùa cây cối đâm chồi, nảy lộc, cũng là mùa các loài chim rừng ríu rít ghép đôi bước vào mùa sinh sản để duy trì nòi giống. Thế nhưng...

Thế nhưng, mỗi ngày có không biết bao nhiêu con chim đã sa lưới của cánh thợ săn, thợ bẫy chim, khiến một số loài chim mấy năm trước còn nhiều nay đã đứng trước nguy cơ tuyệt diệt.  

Mùa chim rừng sa lưới

Sáng cuối tuần, tôi đang phân vân chưa biết làm gì, bỗng chuông điện thoại kêu reng reng. Đầu dây bên kia, anh Vũ Văn ở Bát Xát (Lào Cai) giọng phấn chấn: "Chú mày đã được trải nghiệm cảm giác bẫy chim bìm bịp bao giờ chưa? Hôm nay rảnh rang, có theo anh lên rừng một phen nghe chim hót cho vui không, thú vị lắm".

img

Nhiều người lợi dụng mùa chim rừng sinh sản để săn bắt

Trên chiếc xe cũ kỹ, anh bạn đưa tôi vượt qua những con dốc đất đá hướng về phía những đỉnh đồi ven sông Hồng. Vượt qua con đường mới Kim Thành - Ngòi Phát, chúng tôi phải bỏ xe đi bộ mất nửa tiếng đồng hồ nữa mới lên tới một điểm cao. Từ đây nhìn ra, sông Hồng cuộn đỏ lững lờ trôi, gió từ ngoài sông thổi vào vi vút những bông lau trắng xóa. Anh Văn bỏ chiếc loa nhỏ ra, bật điện thoại smartphone có kết nối bluetooth với loa, tiếng chim mồi trong loa phát ra xa tới nửa km. Loa kêu chưa đầy 5 phút, thì phía bên thung lũng đối diện có tiếng kêu đáp lại: Íp íp, ịp ịp, bịp bịp… Còn ở phía sườn đồi bên cạnh, cũng có tiếng chim bịp bịp vẳng lại, giọng lúc gần, lúc xa.

Anh Văn chia sẻ bây giờ các loài chim quý như họa mi, khướu, người ta giăng lưới khắp nơi, bẫy hết rồi. Bìm bịp không có giá trị cao, thường chỉ để ngâm rượu, ít người mua, nên ở đây vẫn còn mấy cặp.

Tôi theo chân anh Văn vượt qua những bụi cây rậm rạp, gai dứa trên lối mòn tua tủa cào vào chân tôi từng vết dài rớm máu, xót ghê người. Đến vạt cây thưa, anh Văn bỏ trong bao ra một chiếc bẫy trông như bẫy chuột hình bán nguyệt lớn, xung quanh có lưới, ở giữa có một chú bìm bịp khô nhìn như chim thật. Anh vừa đặt bẫy, vừa nói nhỏ: Bây giờ công nghệ hiện đại, bẫy chim bằng mồi giả tiện hơn nhiều, bộ này trên mạng bán đầy, tôi mua có mấy trăm nghìn. Chơi chim mồi thật lại phải tốn công nuôi, lên rừng nó không kêu thì “móm”.

Chúng tôi khẽ khàng di chuyển đến nấp sau một bụi cây cách vị trí đặt bẫy khoảng 300m. Tiếng chim mồi được điều khiển qua điện thoại kêu dồn dập, lúc như thôi thúc, lúc như mời gọi, khiêu khích, hết gọng chim mái lại chuyển qua giọng chim trống. Anh Văn bảo mùa này bìm bịp đang làm tổ, nên bảo vệ lãnh thổ dữ lắm, cả trống và mái thấy có kẻ lạ đến lãnh thổ của mình là phi tới tấn công ngay, nên bẫy dễ hơn mùa khác.

Chẳng mấy chốc, những tiếng íp íp, ịp ịp nghe đã gần hơn. Nắng hầm hập, đàn muỗi vằn kêu vo ve bên tai, tiếng bìm bịp thì thúc gọi nhau liên hồi. Bỗng nghe một tiếng “phạch”, anh Văn nhào khỏi bụi cây. Một chú bìm bịp bằng vốc tay đang giẫy dụa trong đám lưới bùng nhùng. Cầm chú chim trên tay, anh Văn bảo con đực này khá già rồi, lông đầu và cổ xanh cánh chả, lông cánh chuyển sang màu đỏ, đuôi dài hơn một gang tay, đôi mắt cũng đỏ au như lửa. Trong khi con chim trống đang giẫy dụa để thoát thân thì giữa trưa nắng, tiếng con chim mái cứ kêu íp íp, ịp ịp xa dần về phía bờ sông, tiếng kêu nghe như oán trách, sợ hãi, khắc khoải…  

Đam mê hay tội ác?

Là người mê chơi chim cảnh, tôi thường hay vào mạng xã hội facebook tham gia các nhóm cùng chung sở thích để chiêm ngưỡng những chú chim đẹp, có giọng hót hay. Thời gian qua, có nhiều nhóm được lập lên, với hàng nghìn thành viên tham gia như “Hội chim cảnh Lào Cai - 24”, Gà rừng Lào Cai hội”, “Hội cu gáy Lào Cai”… Những diễn đàn đó là sân chơi bổ ích để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm nuôi, thuần dưỡng và chăm sóc chim cảnh. Nhưng điều đáng suy nghĩ là có không ít thành viên đăng tải những hình ảnh, clip “khoe chiến tích” bẫy, săn bắt chim rừng. Có người khoe một buổi sáng bẫy được 4 - 5 chú chim rừng, gà rừng treo lủng lẳng trên cổ. Nhiều nhất là hình ảnh bẫy chim chích chòe than, chích chòe lửa, chào mào, vành khuyên, thậm chí cả cuốc, cò, gà rừng, gà gô…

img

img

Chọn mua chim tại chợ chim Bắc Hà

Tháng 3 đang mùa chim làm tổ, nhìn những con chim “bổi” mới bẫy về được rao bán công khai mà không khỏi xót xa. Chim bố mẹ bị bắt, rồi những ổ trứng ấp dở, những đàn chim non sẽ ra sao? Hình ảnh những chú chim non còn đỏ hỏn đã bị bắt khỏi tổ, hay những chú chim chết khô trên lưới cứ ám ảnh tôi mãi.

Anh Thanh, một thành viên của “Hội chim cảnh Lào Cai - 24”, cũng là một người mê nuôi chim cảnh mới đây đăng tải một đoạn video bẫy được chú chim chích chòe nước rất đẹp bên bờ suối, sau đó anh đã phóng sinh chú chim về với tự nhiên, khiến nhiều người có ý kiến khác nhau. Người nói ủng hộ hành động đẹp, người bảo sao không bán lấy mấy trăm nghìn, lại thả mất chú chim đẹp. Anh Thanh bảo thời điểm này chim rừng đang sinh sản, người đam mê thực sự thì không được bẫy chim vào mùa này, vì sẽ dẫn đến suy giảm số lượng chim rừng, nhiều tổ chim non sẽ bị chết đói, nhiều cặp chim sẽ mất đôi, không duy trì được nòi giống.

Chơi chim cần phải có tâm, chứ cứ săn bẫy ồ ạt, lợi dụng mùa chim sinh sản dễ bẫy để bắt vô tội vạ bán lấy tiền, thì là tội ác tận diệt chim rừng. Tuy nhiên, hoạt động mua bán chim rừng vẫn diễn ra nhộn nhịp, công khai tại các chợ chim Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai… Có lẽ vài năm nữa, đến chim chào mào, chích chòe, chim sâu cũng chẳng còn.