Dự thảo Luật Thuế tài sản vừa được Bộ Tài chính đưa ra với 2 phương án trong đó phương án 1 là thu thuế tài sản đối với nhà ở; nhà và công trình thương mại, dịch vụ và phương án 2 chỉ tính thuế với nhà ở. Dự kiến, mức thuế 0,4% sẽ được áp dụng đối với nhà có giá trị trên 700 triệu đồng. Với mức thuế này, dự kiến sẽ mang lại cho ngân sách khoảng 31.000 tỷ đồng. Đây quả thực là một con số nhiều ý nghĩa trong bối cảnh ngân sách đang hụt thu nghiêm trọng do thuế suất nhập khẩu nhiều mặt hàng buộc phải về 0% theo cam kết.
Nếu dự luật được thông qua, người sở hữu nhà trị giá 2,4 tỷ đồng sẽ phải đóng tới 6,8 triệu đồng thuế tài sản hàng năm sau khi trừ đi 700 triệu giá trị căn nhà. Còn nếu căn nhà có giá 5 tỷ đồng, số tiền thuế phải đóng sẽ lên tới 17,2 triệu đồng/năm…
Dự án Luật thuế tài sản với đề xuất đánh thuế với nhà có giá trị trên 700 triệu đồng sẽ là kiểu tận thu quá mức chịu đựng của không ít người dân (Ảnh: IT)
Nhiều người đặt giả thiết, nếu chính sách thuế được áp dụng, người dân có thể lách luật bằng cách khai thấp giá trị căn nhà mình sở hữu. Nhưng điều đó là bất khả thi, khi chính ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định “cách đánh thuế này kiểm soát vừa đơn giản, vừa thuận tiện bởi giá trị nhà xác định theo suất đầu tư của Bộ Xây dựng”.
Ai cũng biết, bất động sản ở Hà Nội và TP. HCM giá cả vô cùng đắt đỏ. Một căn hộ chung cư cho người thu nhập thấp trung bình giá cũng trên dưới 1 tỷ đồng và thông thường ở rất xa trung tâm, số lượng dự án có hạn. Nếu dự thảo luật thuế tài sản được thông qua, cơ hội có một căn nhà để an cư lạc nghiệp với nhiều người càng trở nên xa vời hơn nữa.
“Tại sao bộ Tài chính lại không bắt đầu đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi” - tôi đã đặt câu hỏi này với một chuyên gia kinh tế và nhận được câu trả lời rằng “đây là việc bất khả thi tại Việt Nam, bởi nếu đánh thuế như vậy, người dân sẽ nhờ vợ, con, họ hàng đứng tên và ngân sách sẽ thất thu”.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng việc đánh thuế từ mức 700 triệu đồng hay 1 tỷ đồng chỉ là kỹ thuật và ủng hộ việc có Luật thuế tài sản để đảm bảo công bằng, người giàu phải nộp thuế nhiều hơn người nghèo.
Nhưng với cách đánh thuế theo dự thảo Luật thuế tài sản của Bộ Tài chính, liệu đã đảm bảo công bằng với người thu nhập thấp? Làm sao để có thể đảm bảo người giàu sẽ phải nộp thuế nhiều hơn người nghèo như chuyên gia kia nói?
Thời gian qua, Bộ tài chính liên tục đề xuất tăng thuế như thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu tăng (mà phần nhiều phần thu được lại không chi cho môi trường), mở ra hàng loạt trạm thu phí, tăng phí trông, giữ xe, thuế sở hữu ô tô có trị giá trên 1 tỷ, rồi đặt vấn đề mở casino, đặt lại vấn đề mại dâm có phải là một nghề để thu thuế… Đương nhiên, phần đa trong số đó mới chỉ là đề xuất và việc có triển khai hay không vẫn sẽ cần thời gian nghiên cứu. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế không ít khó khăn, tư duy đánh thuế theo kiểu “không chừa thứ gì” thường dễ gây tâm lý hoang mang, tạo ra những phản ứng dây chuyền.
Việc tăng thu là cần thiết, nhưng thu như thế nào, mức thu bao nhiêu lại phải tính toán cho hợp lý, nhất là phải cơ cấu lại nguồn thu, chi của ngân sách sao cho hợp lý, đảm bảo quyền lợi của dân.
Người dân đang cảm thấy bất công khi mình phải còng lưng gánh thuế trong khi hàng loạt dự án nghìn tỷ sử dụng ngân sách để đầu tư đang đắp chiếu cứ mãi loay hoay tìm cách thu hồi; rồi bộ máy hành chính cồng kềnh, thực hiện tinh giảm chưa hiệu quả khiến ngân sách vẫn phải dành hàng nghìn tỷ để trả lương mỗi tháng; Rồi những dự án tượng đài, cổng chào trị giá hàng nghìn tỷ... vẫn được các tỉnh, địa phương triển khai từ nguồn ngân sách một cách lãng phí…
Cũng xin nói thêm, người mua nhà hiện nay đa phần đều phải nộp một khoản tiền chênh cho chủ đầu tư hoặc ngân hàng bảo lãnh dự án, ngoài giá trị hợp đồng đã được hai bên ký kết. Mức nộp tuỳ từng quy định của chủ đầu tư, thấp thì 100 triệu, cao có khi lên tới cả vài tỷ đồng.
Đây là khoản tiền mà nhiều chủ đầu tư lách, không hạch toán vào lợi nhuận nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp (theo quy định hiện nay là 22%/năm). Bộ tài chính nếu phối hợp tốt với bộ Xây dựng có thể không bị thất thoát một khoản thu lớn cho ngân sách từ hoạt động kinh doanh của nhiều ông chủ bất động sản.
Nói vậy để thấy, không thể cứ thiếu hụt ngân sách lại đè dân ra để đánh thuế. Người dân không thể là đối tượng chịu trách nhiệm, hậu quả của sự quản lý yếu kém của cơ quan quản lý.
Hiến pháp 2013 quy định “công dân có quyền có nơi ở hợp pháp” và dự án Luật thuế tài sản với đề xuất đánh thuế với nhà có giá trị trên 700 triệu đồng sẽ là kiểu tận thu quá mức chịu đựng của không ít người dân.
Tất nhiên, Luật thuế tài sản vẫn chỉ mới là dự thảo được đưa ra lấy ý kiến và chắc chắn còn nhiều lần điều chỉnh trước khi ban hành. Nhưng dù với lý do gì, chính sách được xây dựng và ban hành cũng phải dựa trên thực tiễn, phải vì lợi ích của nhân dân. Hãy khoan thư sức dân thay vì ban hành một chính sách thuế nhằm triệt tiêu sự phát triển, khỏa lấp phần nào sự yếu kém trong công tác quản lý của mình, thưa Bộ Tài chính.