Dân Việt

“Bơm” vốn khuyến khích người khuyết tật học nghề

Nguyệt Tạ 17/04/2018 05:50 GMT+7
Nhờ làm tốt công tác dạy nghề, tạo việc làm, năm qua đã có hơn 20.000 người khuyết tật (NKT) được học nghề và hàng nghìn người khác được tạo việc làm.

Hơn 20.000 NKT được dạy nghề

Ông Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết Việt Nam hiện có khoảng 8 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số, trong đó NKT đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 58% NKT là nữ, 28,3% NKT là trẻ em, khoảng 10% NKT thuộc hộ nghèo. Do tác động của các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tác động của già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và nhiều vấn đề xã hội khác, dự báo trong những năm tới, số lượng NKT nước ta sẽ tiếp tục gia tăng.

img

Hơn 20.000 người khuyết tật đã được đào tạo nghề trong năm 2017 (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

"Năm 2011-2015 qua dự án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, Nhà nước đã đầu tư 42 tỷ đồng để dạy nghề cho NKT . Thông qua dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề”, Ngân hàng CSXH đã hỗ trợ các trường dạy nghề cho NKT 45,4 tỷ đồng”.

Ông Nguyễn Văn Lý

Do đó, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT cần phải được chú trọng hơn nữa. Hiện nay, 87% NKT sống ở nông thôn, có khoảng 65% NKT trong độ tuổi lao động và 40% NKT còn khả năng lao động. Tuy nhiên, chỉ có 30% NKT đang tham gia lao động tạo thu nhập cho bản thân và gia đình.

 “Đáng nói rất nhiều người trong số này làm các nghề lao động thô sơ, thủ công, có thu nhập rất thấp. Do vậy, việc dạy nghề, tạo việc làm giúp nâng cao năng suất lao động là việc làm rất cần thiết giúp NKT tự tin hoà nhập cộng đồng” – ông Hồi nói.  Nhờ sự nỗ lực vượt bậc mà năm 2017, cả nước đào tạo nghề cho hơn 20.000 NKT. Hình thức đào tạo chủ yếu là “cầm tay chỉ việc” với những nghề truyền thống. Riêng với nghề dịch vụ, công nghiệp nhẹ như may mặc, đan lát thì các cơ sở đào tạo phối hợp với doanh nghiệp vừa nhận lao động khuyết tật tạo việc làm, vừa bao tiêu sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, ông Lê Tấn Dũng khẳng định những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động, trong đó có NKT. Để công tác nghề, tạo việc làm cho NKT được tốt hơn, càng cần hơn nữa sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, các tổ chức của NKT.

Đòn bẩy thúc đẩy học nghề

Có thể nói, song song với hoạt động dạy nghề, nhiều năm qua, cơ quan quản lý Nhà nước cũng tích cực thúc đẩy, phối hợp hỗ trợ NKT vay vốn phát triển sản xuất. Nhờ vậy, các mô hình học nghề được ứng dụng hiệu quả, góp phần tạo việc làm ngay, việc làm bền vững cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Lý -  Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam cho biết: Để hỗ trợ tín dụng đối với NKT và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là NKT, Ngân hàng CSXH đã cho các đối tượng này vay vốn thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm. Ngoài ra NKT còn được vay vốn qua Dự án “Mở rộng tiếp cận tài chính cho NKT phục vụ hoặc do NKT làm chủ” do Quỹ Nippon của Nhật Bản tài trợ và một số chương trình tín dụng khác.

Riêng trong năm 2017, thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm, Ngân hàng CSXH đã cho vay mới 4 dự án cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động là NKT và 2.363 dự án của NKT, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 2.540 lao động là NKT (hiện tổng số khách hàng vay là NKT khoảng trên 11.000 người). Quỹ Quốc gia về việc làm đã phân bổ cho Hội Người mù Việt Nam quản lý trên 50 tỷ đồng. Năm 2017, đã cho vay mới 1.246 dự án, hỗ trợ tạo việc làm cho 1.282 NKT, giúp họ vươn lên, tự tin hòa nhập cộng đồng.

“Hiệu quả ban đầu cho thấy có gần 3.000 NKT được hưởng lợi, tìm việc làm, tuy nhiên tỷ lệ NKT được tiếp cận vay vốn là không nhiều. Do vậy, thời gian tới Ngân hàng CSXH đã đề xuất nguồn vốn vay ưu đãi dành riêng cho NKT” – ông Lý nói.