Dân Việt

Mỹ tấn công Syria: Cái giá đắt nhất là quan hệ với Nga

Tiểu Đào 15/04/2018 21:00 GMT+7
Bằng hành động tấn công Syria, Tổng thống Trump đã khiến mối quan hệ Nga - Mỹ rơi xuống vực thắm

img

Cái bắt tay lịch sử này sẽ chỉ còn là quá khứ. Ảnh: Time.

Vào cái ngày mà ông Donald Trump đắc cử, nước Nga có lẽ đã có chút nhẹ lòng khi vị Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ là một người có quan điểm muốn hàn gặp mối quan hệ song phương giữa Washington và Moscow.

Thế nhưng, kể cả khi đã là người đứng đầu nước Mỹ, ông Trump vẫn không thể bức phá ra khỏi sự kìm kẹp của cả hai chính Đảng, thất bại trong việc cải thiện mối quan hệ với Nga.

Không phải là ông không muốn: nhà lãnh đạo Mỹ thường xuyên tuyên bố muốn thân thiện hơn với người đồng cấp Vladimir Putin. Ngoài ra, vào mùa hè năm ngoái, hai nước cũng đã đồng ý cùng nhau giám sát một vùng giảm xung đột ở miền nam Syria – dấu hiệu đầu tiên cho thấy Mỹ và Nga có thể hợp tác tại Syria. Ngoại trưởng Mỹ khi ấy là Rex Tillerson cũng phải nhận định rằng “Mối quan hệ này quá quan trọng để có thể bỏ phí”.

Tuy nhiên, suốt từ lúc nhậm chức cho tới tận bây giờ, những nghi vấn Nga can thiệp bầu cử vẫn còn đeo bám dai dẳng vị Tổng thống. Khi mà các cáo buộc, tin đồn của giới truyền thông đang bủa vây, ông Trump chỉ còn hai lựa chọn: tiếp tục bênh vực Nga và chấp nhận bị truyền thông cấu xé hoặc trừng phạt Nga để giải tỏa áp lực.

Ông đã chọn giải pháp thứ 2. Liên tiếp các lệnh trừng phạt Moscow với lý do can thiệp bầu cử dân chủ của Mỹ đã được đưa ra.

Khi mà các lệnh trừng phạt vẫn đang nóng hổi thì vụ việc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc tại thành phố Salisbury (Anh) xảy ra. Sau những màn đấu khẩu quyết liệt, Mỹ và phương Tây đã quyết định trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga – những người bị Washington và đồng minh cáo buộc là điệp viên. Để đáp trả, Moscow cũng đã trục xuất số nhà ngoại giao tương ứng, khiến cho mối quan hệ giữa hai bên bị nhận định là căng thẳng hơn cả thời Chiến tranh Lạnh.

Do đó, hành động bất ngờ tấn công tên lửa Syria vào ngày hôm qua (14.4) đã trở thành một giọt nước tràn ly. Bằng việc tấn công bất chấp cảnh báo của Nga – một hành động bị Tổng thống Putin chỉ trích là “có tác động tai hại tới toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế”, ông Trump đã chính thức đẩy triển vọng bình thường hóa quan hệ song phương Mỹ-Nga xuống thẳng nấm mồ. Không phải ngẫu nhiên hay phóng đại mà Tổng thống Trump mới đây đã đăng lên trang mạng xã hội Twitter rằng: “Mối quan hệ của chúng ta với Nga đang tệ chưa từng thấy…”!

Vậy, chuyện gì sẽ diễn ra sau vụ tấn công này?

Hiện tại, dù tình hình có căng thẳng tới đâu, cả Washington và Moscow hiểu rằng một cuộc đối đầu trực diện sẽ khiến cục diện ở Syria trượt dốc và không thể cứu vãn. Chính vì thế, hai bên sẽ chủ động tránh “động chạm” trực tiếp đến nhau.

Tuy nhiên, cuộc tấn công của Mỹ sẽ không phải là không có hậu quả lâu dài. Dù không ảnh hưởng tới thế cục cân bằng ở Syria, việc này sẽ khiến quá trình hòa bình do LHQ bảo trợ sẽ bị gián đoạn và gặp nhiều khó khăn hơn.